Vì sao tôi chọn hình tượng cụ Trần Khánh Dư là chim ưng
LTS: Tác phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt” của nhà văn Bùi Việt Sỹ được giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 của Hội nhà văn Việt Nam (2011-2015). Năm 2018 được tặng thưởng giải sách Quốc gia lần thứ nhất tác phẩm duy nhất được thưởng ở thể loại sách văn học hay. Sau khi giải được công bố hai ngày, cư dân mạng lại một phen “sôi động” quy chung cho cuốn sách có tính “kích dục”
Dưới đây là bài viết của tác giả giải thích thêm, “Vì sao lại chọn hình tượng, danh tướng Trần Khánh Dư là chim ưng?”.
Hơn hai mươi năm trước tôi đã có ý định viết về danh tướng Phạm Ngũ Lão. Nhưng suy đi tính lại nếu chỉ viết về một nhân vật lịch sử này thì cuốn sách chỉ nằm ở thể loại “người tốt việc tốt” nên tôi đã phải gác lại. Gần hai mươi năm sau đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần, đến trang về danh tướng Trần Khánh Dư, có vài dòng sau đây: “Nhân Huệ vương Khánh Dư từ Bãi Áng (nay không rõ ở đâu) vào chầu. Người trong trấn kiện Khánh Dư là tham bỉ. Hành khiển đem sự trạng tâu lên, Khánh Dư nhân thể tâu rằng: Tướng là chim ưng, quân dân là con vịt, đem con vịt mà nuôi chim ưng thì có gì là lạ?” Vua không bằng lòng. Khánh Dư bèn về.
Từ mấy câu trên tôi đã nảy ra ý định phải viết về danh tướng Trần Khánh Dư nhằm “đối trọng” với danh tướng Phạm Ngũ Lão thì cuốn tiểu thuyết mới có tính thuyết phục.
Trần Khánh Dư là danh tướng văn võ song toàn, đẹp trai, khoẻ mạnh, có cá tính mạnh đặc biệt hấp dẫn đàn bà, con gái. Bởi thế mở đầu về cụ, tôi đã viết: “Trần Khánh Dư văn võ song toàn đường gươm của Nhân Huệ vương như “tuyết rơi, hoa nở” có thể xông vào đám quân cả ngàn người như vào chỗ không người. Khánh Dư người cao, chân dài, miệng rộng, môi mỏng, mũi cao, hai cánh mũi mỏng ăn sâu vào trông rất dâm dãng. Khánh Dư thích chơi bời, săn bắn. Những lúc Khánh Dư đi săn về, oai vệ ngồi trên mình ngựa trắng, chú chim ưng lông đỏ mỏ quặp đậu trên vai là lúc hình ảnh Trần Khánh Dư đẹp nhất. Các thiếu nữ mới lớn thì say mê cái vẻ lãng mạn bất cần đời của Nhân Huệ vương. Còn các phụ nữ đã có chồng thì lại mê mẩn bởi sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được từ đôi chân dài”.
Ngay từ lần quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, Trần Khánh Dư lúc ấy mới mười sáu tuổi, đã dũng cảm tập hợp gia binh, bất ngờ tập kích vào trại giặc. Đốt phá lương thảo, xông vào trại ngựa khiến ngựa tháo chạy toán loạn mà quân Trần bắt sống được cả ngàn con. Lớn hơn chút nữa được giao cho dẹp loạn quân Man ở thượng du sông Đà, Khánh Dư đã cưỡi thuyền độc mộc đánh thẳng vào động Man Chúa, khiến giặc phải hàng. Được vua Trần Thái Tông yêu lắm nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua) lại được phong tới chức phiêu kỵ tướng quân (chức chỉ dành cho các hoàng tử).
Về văn thì đã từng viết lời tựa cho cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền thư” của Hưng Đạo vương. Được Hưng Đạo vương tâm đắc lắm “phải nói thật là không tướng nào hiểu sâu sắc như hắn” chỉ cần vài câu mở đầu đã toát lên điều đó ….Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết…”
Nhưng hỡi ơi “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Vì đẹp trai, mã thượng như thế mới rơi vào “lưới tình” với công chúa Thiên Thuỵ, con dâu của Hưng Đạo Vương. Chính lệnh Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông quát: “Đem bắt trói lại. Chiều tối đem lên hồ Tây, đánh chết, rồi quăng xác xuống hồ cho cá ăn.” Xong lại dặn nhỏ bọn thừa hành rằng: “Có đánh thì đánh nhẹ tay, đánh làm phép thôi, chờ đêm tối không có ai thì cắt dây trói thả cho hắn muốn đi đâu thì đi.”
Vì sao lại có lệnh như thế, vì hai vua Trần biết Khánh Dư là tham bỉ nhưng tiếc cái tài làm tướng mà lưu lại để dùng. Bởi thế mà tại hội nghị Bình Than, nhờ cái “chân dài” của gã bán than mà vua Trần Thánh Tông đã nhận ra Trần Khánh Dư, mới cho quân cưỡi thuyền nhẹ đuổi theo mời về cùng bàn việc nước. Được xếp ngồi dưới tước vương và trên tước hầu. Rồi được phong làm phó tướng ra trấn thủ ở ải Vân Đồn cửa biển quan trọng bậc nhất của Đại Việt bấy giờ.
Trở lại câu hỏi: Vì là gì mà tôi lại xây dựng hình tượng cụ Trần Khánh Dư là chim ưng. Xin thưa, chim ưng là loài chim cao quý, có tài săn mồi dũng mãnh, nhưng là loài chim ăn thịt nên được xếp là Ác điểu.
Và tính cách của cụ Trần Khánh Dư hội tụ đủ hai điều trên.
Cụ thể là khi ra trấn Vân Đồn ngoài việc rèn binh, khiển tướng rất quy củ, bài bản đâu ra đó, thì cụ cũng để lại một vụ “làm ăn” mà nước biển Đông cũng không sửa sạch được.
Vốn ở gần Vân Đồn có hương Ma lôi chuyên làm nón rất tốt. Trần Khánh Dư sai lính mua vét hết, còn sai lính đặt thêm vài ngàn chiếc nữa. Rồi mới ra lệnh rằng: “Để khỏi nhầm với bọn rợ Hồ (chỉ quân Mông Nguyên) trong lúc giao chiến, nên người Vân Đồn phải đội nón Ma Lôi. Hạn trong ba ngày phải thi hành, ai không có nón sẽ bị phạt rất nặng hoặc đánh đòn roi” - Quân lệnh như sơn. Lúc đầu mỗi chiếc nón giá chỉ một hai đồng. Lúc nón khan một chiếc có thể đổi tới một xúc lụa. Số lụa đổi ra được lên tới ngàn tấm. Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đem chuyện đó báo với cha là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Hưng Đạo vương đã than rằng: “Trong cuộc chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần ta Trần Khánh Dư sẽ để lại một chấm son chói lọi – Song cũng để lại một vết đen không thể tẩy hoá”. Quốc Tảng nói lại: “Con chỉ sợ Khánh Dư sau này cậy cớ công to mà hà hiếp, bóc lột dân.” Hưng Đạo vương buồn rầu đáp lại rằng: “Việc đó thì cha con ta không thể làm thế nào được.”
Quả nhiên sau này, Trần Khánh Dư đã lập được đại công, đốt cháy và đánh chìm bảy mươi vạn thạch lương của quân Mông Cổ, ở ngay cửa biển Vân Đồn, khiến quân Nguyên phải rút quân về. Tạo điều kiện cho quân nhà Trần đánh tan hoang đoàn chiến thuyền khủng của giặc trên Sông Bạch Đằng. Dập tắt ý đồ xâm lược Đại Việt của vua Nguyên Mông bất khả chiến bại Hốt Tất Liệt. Bình công Trần Khánh Dư xếp thứ tư, dưới Trần Hưng Đạo (thứ nhất), Trần Nhật Duật (thứ nhì), Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Khoái (cùng thứ ba).
Sau chiến tranh, Trần Khánh Dư vẫn trấn thủ tại Vân Đồn, biến nơi đây thành thương cảng lớn nhất Đại Việt và ở vùng Đông Nam Á. Đây cũng là một chiến công hiển hách của Nhân Huệ vương. Và trở thành người giầu nhất Đại Việt, vàng bạc chất cao như núi. Trần Khánh Dư mất vài năm, không ai quản lý nên thương cảng tan.
Càng giàu có Trần Khánh Dư càng ra sức bóc lột nông dân bằng cách tích tụ đất đai cho dân làm thuê, làm mướn. Mua rẻ đất của dân để mở trường đua ngựa. Và trong phi vụ làm ăn như thế, đã xảy ra xung đột với dân và Trần Khánh Dư đã vô tình ngộ sát đứa con rơi của mình với một chị điền chủ lúc còn hàn vi bán than tại Chí Linh. Về thói “trăng hoa” Trần Khánh Dư cũng thuộc loại “rách trời rơi xuống”. Dùng tiền, dùng quyền kết hợp để mua chuộc, dụ dỗ gái nhà lành. Song có lần bị cô gái bán cá ở chợ Vân Đồn dạy cho bài học nhớ đời sau một trận tỉ thí võ nghệ sinh tử. Cha của cô gái đã chỉ vào mặt Khánh Dư rằng: “Thiên hạ nhân, thiên hạ tài. Cao nhân ắt có cao nhân trị. Con gái ta vì tiếc cái tài cầm quân của ngươi mà lưu lại mạng sống cho đó. Hãy dùng cái tài đấy mà báo quốc"
Trần Khánh Dư còn dùng cả ngàn lượng vàng để chạy chọt từ tước Vương lên tước Đại vương, không chạy được đã suy bì, tị nạnh: "Quốc Tảng, tài không bằng ta, công cũng không hơn ta sao được phong Đại vương". Vua Trần Anh Tông đã trả lời thẳng rằng: "Quốc Tảng đức cao hơn người vả lại tập tước của cha (là Hưng Đạo Đại Vương) là phải phép, có gì mà so đo".
Viết tiểu thuyết lịch sử về “lý thuyết” có nhiều “trường phái” lắm. Như nhà văn Đuy Ma với tiểu thuyết trứ danh “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” thì tuyên bố “lịch sử chỉ là cái đinh đóng trên tường, để nhà văn treo bức tranh sáng tạo của mình.” Riêng tôi thấm thía cách nghĩ của Puskin, đại thi hào “cha đẻ của nhà văn học Nga.” Khi Puskin viết xong tiểu thuyết lịch sử “Người con gái viên đại uý” nói về cuộc khởi nghĩa nông dân do Pu gát chốp lãnh đạo, có nhà báo hỏi ông: “thi hào viết tiểu thuyết này để làm gì?”
Puskin trả lời: “Tôi đang chất vấn lịch sử.
Chất vấn để làm gì? Để tìm ra câu trả lời cho hiện tại và tương lai sau này”. Tôi cũng muốn mượn lời Puskin để trả lời “Vì sao lại chọn hình tượng cụ Trần Khánh Dư là “Chim ưng”. Đơn giản để trả lời cho câu hỏi vô cùng bức bối về quốc nạn tham nhũng hiện nay…
Tái bút: Về chuyện ồn ào trên mạng xã hội, các cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cao nhất, có uy tín nhất dã vào cuộc, thẩm định một cách khoa học khách quan và đã đi đến kết luận: “đây là cuốn tiểu thuyết tốt, có tinh thần yêu nước cao và lòng tự hào dân tộc chính đáng”.