HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp
Số người nhiễm HIV đang có xu hướng gia tăng trong nhiều nhóm cộng đồng. Hiện cả nước có 209.000 người nhiễm HIV còn sống, tuy nhiên chỉ quản lý được 175.000 người, trong đó mới đang điều trị bằng thuốc ARV cho 130.000 người. Đáng lo ngại là hiện đang gia tăng số người trẻ sử dụng ma túy tổng hợp và nhiễm HIV.
Cán bộ y tế tuyên truyền cách phòng tránh HIV cho người dân vùng cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện có hơn 131 ngàn bệnh nhân đang được điều trị ARV; hơn 54 ngàn người đang được điều trị bằng Methadone; mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm mỗi năm. Những con số ấn tượng này là những kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, tình hình bệnh HIV ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Mỗi năm vẫn có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, cướp đi từ 3.000 - 4.000 sinh mạng. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam.
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, trong các nguyên nhân lây truyền bệnh HIV thì nguy cơ lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm tỷ lệ chính. 6 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới 3.500 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 1.824 người, số người nhiễm HIV tử vong là 814 người. Điều đáng lo ngại là hiện vẫn còn khoảng 40.000-50.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện bệnh. Trong khi đó, có sự gia tăng phức tạp của nhóm sử dụng ma túy, ma túy tổng hợp, mại dâm làm tình hình dịch khó kiểm soát.
Ngoài ra, sự kỳ thị phân biệt đối xử làm cho những người nhiễm HIV, đặc biệt là những đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nghiện ma túy, mại dâm lẩn tránh, chưa tiếp cận với các dịch vụ làm cho dịch càng khó kiểm soát. Hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như độ bao phủ của các hoạt động xét nghiệm HIV, can thiệp giảm tác hại và điều trị ARV vẫn còn thấp, độ bao phủ của truyền thông lại giảm; bệnh nhân bỏ điều trị methadone có xu hướng gia tăng. Kinh phí cấp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS muộn và sự thay đổi về tổ chức khi sáp nhập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…
Theo các số liệu thống kê, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Ông Hoàng Đình Cảnh- Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, mục tiêu của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 diễn ra từ ngày 10/11 đến 10/12 là tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Và trên thực tế, nhiều hoạt động được tăng cường triển khai, như: Tổ chức hội nghị, hội thảo về xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; tổ chức gặp mặt những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV...
* Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời.