Giấc mộng văn chương quặng thải bao lần
Người sáng tạo nghệ thuật hãy nói bằng tác phẩm. Chỉ có tác phẩm hay mới là lời nói của anh gửi cho mọi người, gửi cho mai sau; chứ không phải "lập ngôn" bằng đầu lưỡi.
Giấc mộng văn chương
Tuổi trẻ ai cũng có ước mơ và ước mơ của mỗi người mỗi khác. Ngay trong mỗi người thì cũng có nhiều ước mơ, có khi mỗi lúc một khác. Khi ước mơ đã đằm lại, tập trung vào một thứ, thì nó cứ tăng dần, lớn dần thành giấc mộng của cuộc đời, tất cả tâm trí đều dồn vào đấy! Tôi thấy, thời trẻ rất nhiều người có giấc mộng văn chương. Tôi là một trong số đó. Sau mấy chục năm đi theo nó, tôi cũng có được một chút gì đấy, dẫu chỉ là một cái tên mờ nhạt trên văn đàn. Còn biết bao người lúc đầu cũng hăm hở như tôi, sau đó đã bỏ cuộc. Có người vẫn ôm mộng nhưng mất hút ở đâu đó… Thế mới biết biến ước mơ trở thành hiện thực rất khó. Ai biến được ước mơ của một tập thể, một cộng đồng thành hiện thực thì là người vĩ đại. Người mà biến được giấc mơ của một đất nước, một dân tộc trở thành hiện thực thì đó là thiên tài.
Biến giấc mộng văn chương thành hiện thực tức là phải phấn đấu. Đó là đa số những nhà thơ, nhà văn có tác phẩm và tên tuổi như mọi người được biết. Còn những người vô tình mà để lại những tác phẩm vĩ đại thì không nhiều. Thời trẻ tôi cũng có giấc mộng văn chương, và nó đeo đuổi tôi đến nay. Ở nhiều người, giấc mộng văn chương thường âm thầm. Họ thực hiện giấc mộng ấy lặng lẽ và bền bỉ. Những người như thế thường thành công, hay là những người thành công thường như thế? Có lẽ, những người thành công thường như thế thì đúng hơn, bởi mười người lặng lẽ và âm thầm thực hiện ước mơ, may ra cũng mới có một người thành công! Thuở là sinh viên Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi và nhiều bạn bè đã ôm mộng văn chương. Bây giờ nghiệm ra, mấy người cùng khóa với tôi nay chỉ có Nguyên An, Đỗ Bạch Mai, Văn Lừng và tôi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; thì khi ấy chưa ai biết chúng tôi ôm giấc mộng này cả. Còn mấy người, ngay lúc đó đã được cả lớp, cả khóa gọi là "nhà thơ" thì nay vẫn chưa thành gì.
Nhưng cũng may là các bạn ấy đã tỉnh mộng sớm, yên bề với nghề giáo, không phải khổ sở với văn chương nên vợ con cũng được nhờ. Tôi được nghe kể lại, trong một lần phát biểu giữa hội nghị, nhà văn Nguyên Hồng khi nói về thách thức của thời gian đối với những tác phẩm văn chương, ông đã ôm mặt khóc hu hu… Vâng, đã có bao người ôm mộng văn chương mà không thành, phải bỏ cuộc. Còn bao người tuy đã thành danh nhưng vẫn châng lâng lắm. Và rất nhiều người đến cuối đời vẫn ôm mộng mà không thành nhưng không tự biết! Làm sao cho những người này tỉnh mộng sớm để đi làm những công việc khác có ích hơn, phải chăng cũng là một nhiệm vụ của các nhà phê bình? Chứ những người viết phê bình cứ nể nang, cho một đôi lời phỉnh nịnh họ, thì "Yêu nhau há chẳng bằng mười phụ nhau!".
Giấc mộng văn chương cũng giống như tình yêu. Không yêu thì thôi, chứ đã yêu mà không thành thì rất đau khổ. Nhưng tình yêu không thành thì dễ nhận ra, chứ giấc mộng văn chương không thành thì không phải ai cũng tự biết. Khi ôm mộng văn chương, dẫu thành hay không cũng là đáng quý. Văn chương cũng giống tình yêu, nếu tan vỡ vẫn có được "di sản của mất mát". Bởi đã sống ở đời thì phải yêu phải mơ, chứ có gì chán hơn là sống mà cứ dửng dưng, như nhà thơ lớn của nước Đức Henrich Hainơ đã viết: "Nhưng cái người dày vò/ Và đầu độc tôi nhất/ Chẳng bao giờ yêu tôi/ Cũng chẳng bao giờ ghét". Sống dửng dưng nghĩa là chỉ tồn tại. Sống tích cực thì phải có những giấc mộng. Giấc mộng văn chương là một giấc mộng đẹp. Nếu thành công trở thành nhà văn thì tuyệt vời. Nếu không thành nhà văn thì theo nhà thơ Chế Lan Viên "cũng thành nhà văn hóa", như ông từng căn dặn nhà văn Phan Thị Vàng Anh lúc trẻ.
Thơ ơi, quặng thải bao lần...
Trong lời tự bạch cho Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, cả ba lần in tôi đều giữ nguyên lời tâm sự: "Lúc đầu đến với văn chương, tôi không có ý định viết phê bình. Như rất nhiều người khác, tôi làm thơ - thể loại dễ làm nhất và khó hay nhất của văn chương. Tôi cũng ước mơ mình sẽ làm được những bài thơ nổi tiếng lưu truyền muôn đời. Có lẽ đấy là ước mơ chính đáng và giản dị của tất cả những người làm thơ. Không có những mong ước điên cuồng đẹp đẽ ấy, theo tôi không thể làm thơ được...". Tuy nhiên, ước mơ và hiện thực không đơn giản như người nông dân canh tác trên đồng ruộng cứ gieo cấy là có vụ gặt, thể nào cũng có những hạt mẩy bên cạnh những hạt lép. Mà vụ gặt văn chương hay mất trắng rất nhiều. Nàng thơ và nữ thần nghệ thuật thường đỏng đảnh hơn, cứ như trêu đùa những người thợ cày thợ cấy văn chương! Có khi cũng cày sâu cuốc bẫm thâm canh mà cây vẫn không đậu quả. Đôi khi quả vàng lại đậu hoa kết trái rất vô tình ở nơi không được chăm bón... Thì đấy, ai cũng biết thi sĩ Xuân Diệu là một người lao động thơ rất nghiêm túc nhé, ông còn viết báo, viết sách dạy cả thế hệ trẻ làm thơ và thực sự rất nhiều người làm thơ trẻ biết ơn ông về những chỉ dẫn, những kinh nghiệm làm thơ. Thế mà "dao sắc không gọt được chuôi", chặng đường thơ nửa đời sau đầy kinh nghiệm của ông, có thể nói đó là một vụ mùa thất bát, những hạt tạm gọi là tương đối chắc chứ chưa thể gọi là mẩy cũng chỉ được dăm bảy bài. Thì chính thi sĩ cũng phải thốt lên một cách cảm hoài: "Thơ ơi, quặng thải bao lần/ Biết bao giờ mới ra vần kim cương!...". Trong khi cùng thời đó, tức là hoàn cảnh khách quan, không khí thời đại, môi trường văn hóa như nhau thì cậu bé Trần Đăng Khoa chả có kinh nghiệm gì về thơ ca cũng chẳng phải "chau mày bứt trán" lại cứ liên tục làm ra những bài thơ nổi tiếng, mà nhà thơ lớn Tố Hữu phải thốt lên: "Ông trời đã mượn cái miệng của bé Khoa để làm thơ cho người lớn đọc!".
Nên thỉnh thoảng cứ thấy trên tivi hoặc trên báo chí, những nhà văn viết ít mà nói nhiều về những ấp ủ, những dự định sáng tác vĩ đại cao siêu này nọ là tôi cứ bật cười. Tất nhiên nói hay cũng khó, nhưng làm hay còn khó hơn nhiều. Vậy thì người sáng tạo nghệ thuật hãy nói bằng tác phẩm. Chỉ có tác phẩm hay mới là lời nói của anh gửi cho mọi người, gửi cho mai sau; chứ không phải "lập ngôn" bằng đầu lưỡi.
Mỗi năm tôi chỉ mong nền văn chương Việt Nam có được mươi tác phẩm, chứ không mong có được nghìn tác phẩm như hiện nay. Như thế, số lượng in mỗi cuốn có thể tăng lên từ một vạn, đến mười vạn. Tất nhiên mươi tác phẩm ấy phải là mươi tác phẩm có chất lượng cao. Và như thế sẽ đỡ lãng phí biết bao nhiêu! Nhà thơ V.Nezvan (Cộng hòa Séc) từ gần trăm năm trước, trong bài thơ "Thở dài", trong bốn điều tiếc cho nhân gian đã có một điều tiếc: "Tiếc giấy gỗ rừng/ Đem in sách dở"... Nhà thơ không chỉ tiếc cho giấy in mà còn tiếc thời gian cho ai đó nhầm đọc, và càng tiếc hơn nếu những cuốn sách dở đó làm hại thẩm mỹ của độc giả.
Tôi thấy, trong xã hội hiện tại có một điều trái ngược. Đó là, với những sản phẩm vật chất thì mọi người ngày càng khó tính, đòi hỏi phải chất lượng cao. Nhưng đối với sản phẩm tinh thần thì đòi hỏi của mọi người hình như không gắt gao như thế. Hay là mọi người lảng tránh đi, bởi vì có đòi hỏi cũng chẳng được chăng? Tại sao sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm thì nhiều người la hét, còn sự ô nhiễm môi trường văn hóa và văn chương nghệ thuật thì nhiều người có vẻ thờ ơ? Lịch sử xã hội của chúng ta thường coi trọng người có chữ nghĩa hơn là người lao động chân tay làm ra của cải vật chất. Vậy với những sản phẩm văn chương nghệ thuật kém chất lượng vẫn được tuôn ra thị trường thì liệu các nhà văn, các nghệ sĩ đáng kính có còn được xã hội coi trọng mãi không? Đó là câu hỏi mà các nhà thơ nhà văn, các tổ chức văn học nghệ thuật cần nghiêm túc trả lời bằng việc làm thực tế.