Họa sĩ Hiền Nguyễn: Một đam mê vị nghệ thuật
“Hiền Nguyễn có khả năng miên man với một bề mặt rộng, có lẽ không nhất thiết phải giới hạn, hay kết thúc ở đâu. Họa sĩ thích các bề mặt dịu dàng, sắc độ chuyển đổi không quá đột ngột, không thích sự chói lọi, mà nghiêng về trung tính, tỏ ra đơn giản, để che đậy cái phức tạp bên trong”.
Nhà Nghiên cứu Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã nhận xét về hội họa của nữ họa sĩ Hiền Nguyễn như vậy, trong cuốn “Ủ” (NXB Mỹ Thuật, 2018).
Hiền Nguyễn là một nữ nghệ sĩ thị giác. Tên đầy đủ của chị là Nguyễn Thị Thu Hiền. Chị sinh năm 1969, tại Hà Nội, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hiện đang sinh sống và làm việc tại TP HCM. Chị ít khi xuất hiện trong các triển lãm. Trong suốt 10 năm, chị có một lần thực hiện triển lãm cá nhân “Những cung bậc cảm xúc” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2012. Bên cạnh đó, có tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2010, Triển lãm nhóm tại Anh Quốc, Malaysia năm 2015, 2016. Dự định của chị vào đầu năm 2019 sẽ làm triển lãm cá nhân “Ủ”, (từ 04/1 đến 10/1/2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM) sau khi cuốn sách “Ủ” được phát hành.
“Ủ” là một cuốn sách mỹ thuật dày dặn, khổ 25x30cm, dày 175 trang in màu, được thực hiện rất kỹ lưỡng và công phu bởi Nhà báo chuyên về mỹ thuật -Văn Bảy. Cuốn sách không chỉ giới thiệu về hành trình lao động sáng tạo mỹ thuật của cá nhân họa sĩ Hiền Nguyễn, mà qua đó, chúng ta được tiếp cận với một cách khá chi tiết, cũng như phức tạp của kỹ thuật làm sơn mài. Các công đoạn cơ bản của quá trình thực hiện một tác phẩm sơn mài trong xưởng của họa sĩ Hiền Nguyễn được minh họa bằng các hình ảnh thực tế. Từ việc Làm vóc, qua lựa chọn một tấm vóc tốt với các tiêu chí: “gỗ ván ép là loại tốt, không cong vênh, mối mọt. Vóc phải làm đủ các nước sơn, phải bọc vải để tránh rạn nứt, các nước sơn phải liên kết chắc chắn, mặt vóc phẳng và thành cạnh vuông vắn…”, đến giai đoạn Cẩn trứng: “cẩn những miếng vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ trai, xà cừ xuống vóc”; Vẽ nét; Vẽ trộn màu; Dán vàng, bạc: “Đòi hỏi tay nghề khéo léo, tập trung cao độ vì mỗi lá vàng chỉ mỏng 0,1 micron”; Giai đoạn Ủ khô: “Với buồng phải đạt tiêu chuẩn kín gió, tránh nắng và luôn được làm ẩm”; Giai đoạn Mài lót; Giai đoạn Phủ sơn ta: “Phủ một lớp sơn chín đã được pha trộn lên tác phẩm đã vẽ”; Giai đoạn Toát sơn: “Phủ thật nhiều một lớp sơn chín lên toàn bộ mặt tranh”; Giai đoạn Đánh bóng: “Công đoạn cuối cùng của tranh sơn mài. (…) Đánh bóng thực chất là tạo một lượng nhiệt nhỏ qua ma sát giúp các lớp màu tan chảy hòa quện vào nhau để tranh có độ sáng và sâu hơn”.
Từ các giai đoạn vô cùng kỹ lưỡng, cẩn trọng mà vẫn phải giữ được cảm giác phiêu trong sáng tạo, họa sĩ Hiền Nguyễn còn đưa ra vài nhận diện cơ bản qua vẽ tranh, tạo màu, các vật liệu khác… giúp người yêu thích nghệ thuật có thể hiểu rõ hơn về kỹ thuật khi tiếp xúc với một tác phẩm sơn mài.
“Tôi đã trải qua 15 năm thực nghiệm và tìm tòi chất liệu sơn mài, từ những kiến thức học được từ trường, và từ kinh nghiệm thực tế”. Họa sĩ Hiền Nguyễn chia sẻ. “Mài chính là ‘vẽ’ chỗ ta muốn hiện ra, không mài hoặc mài nhẹ chỗ muốn ẩn đi. Sơn mài là dự kiến, là tìm khả năng phối trợ nhiều lớp màu được chồng đè, với độ dày mỏng khác nhau. Kỹ thuật và tay nghề khi “mài”, làm phẳng, chính là công đoạn thể hiện cá tính sáng tạo rõ nhất, kỹ thuật cộng với cảm xúc sáng tác khi mài làm lộ rõ thứ lớp của nhiều lớp màu, sau đó, khi tranh được đánh bóng thì hiệu quả theo chiều sâu tăng thêm, không một chất liệu nào sánh kịp”.
Nếu muốn cảm nhận hết kĩ thuật trong tranh của nữ họa sĩ Hiền Nguyễn, chỉ có thể trực tiếp ngắm nhìn tác phẩm của chị. Tranh đối với chị, là sự thể hiện mọi cung bậc kĩ thuật với sự nghiêm khắc và tỉ mỉ. Gặp Hiền Nguyễn ngoài đời, sẽ thấy tranh sao thì người vậy. Mặc dù sở hữu nét đẹp thanh tú, trang phục trẻ trung, nhưng chị là người ít cười, ít nói và khó gần. Chỉ khi thân quen rồi, nói đến chuyện tranh, hay tâm sự về vài người bạn, là họa sĩ Hiền Nguyễn cười tươi như trẻ thơ, ríu ran tâm sự. Từ dáng đi đến giọng nói, thể hiện sự kiêu hãnh ngầm của một người sinh ra chỉ quan tâm đến sáng tạo nghệ thuật. Nhưng lúc bình thường, chị có thể ngồi bệt xuống vỉa hè, mồ hôi lăn trên má, ngồi trông coi việc bốc dỡ cất đồ tranh cho bạn. Giao việc gì cho Hiền Nguyễn, đều có thể yên tâm, vì chị là người rất trách nhiệm. Lúc rảnh rỗi, thú vui của Hiền Nguyễn là chăm sóc người thân bạn bè bằng những bữa tiệc do chị tự tay vào bếp nấu. Cảm giác khó gần ban đầu, với lối nói thẳng ra hết các suy nghĩ của mình, có thể làm mếch lòng người khác, sẽ nhanh chóng qua đi, thay vào đó là tình cảm ấm áp. Chính vì thế, dù chọn sống trong ngôi nhà xinh ẩn mình tránh xa ồn ào phố thị, thì cuộc sống của Hiền Nguyễn dù một mình vẫn vui, vì những người bạn đồng nghiệp lại qua.
Nếu không phải vì một cuộc triển lãm về sơn mài, hay nhân dịp người bạn chung của chúng tôi làm triển lãm, thì thật khó để gặp họa sĩ Hiền Nguyễn. Thói quen của chị là ở nhà, mà cũng là ở xưởng để làm việc. Vì tập trung sâu vào sáng tạo, nên họa sĩ Hiền Nguyễn cho ra đời nhiều tác phẩm hội họa với nhiều thể nghiệm trên chất liệu cũng như đề tài khác nhau.
Nói về tranh Hiền Nguyễn, đó là sự dịu dàng bay bổng mà cũng là sự cô đọng đường nét và tiết chế màu sắc. Nếu nhận xét về tranh của Hiền Nguyễn, với cá nhân tôi, gây cảm giác phiêu linh nhất là thể loại bán trừu tượng. Trong đó, trừu tượng là nền cho việc thể hiện ấn tượng. Chị vẽ đẹp nhất có lẽ là ở đề tài thiên nhiên, nhất là hoa, tĩnh vật và khoảnh khắc giao mùa. Ở đó, Hiền Nguyễn như tìm được sự tự do trong chính tâm hồn mình. Có lần, trong dịp trò chuyện, chị chia sẻ với tôi, cảm giác tuyệt vời là khi chị được đi và lưu trú tại vùng núi phía Bắc. Được sống giữa núi đá, làn sương mát lạnh với cây cối, cỏ hoa, chị như thuộc về một không gian khác, và sự sáng tạo từ đó cũng thăng hoa.
Từ trong sự mong muốn cô đơn để đi sâu vào nghệ thuật của nghệ sĩ, mà Hiền Nguyễn luôn tự buộc bản thân trong một kỉ luật chặt chẽ vô hình. Cũng chính vì thế, tác phẩm của chị cũng nằm giữa tầng không chặt chẽ đó. Với bức họa nào được vẽ nhanh, vào lúc tinh thần cởi mở nhất, sẽ là nguồn cảm xúc đẹp gây dấu ấn trong lòng người xem. Tôi vẫn nói với Hiền Nguyễn, hãy tự do với chính mình hơn, hãy buông thả cảm xúc hơn, và hãy tìm tới không gian nào làm chị được bay bổng và hạnh phúc. Điều đó, rất tích cực cho nhưng sáng tạo mới. Như lúc này, chị đang đạt tới độ chín về kỹ thuật cũng như tinh thần sống.
“… vẽ sơn mài truyền thống - cái nghề có vẻ chỉ phù hợp với đàn ông sức vóc, chứ không phải ở một phụ nữ. Hiền Nguyễn là một cô gái mảnh mai và xinh đẹp” Họa sĩ Lê Trí Dũng - từng là thầy giáo của họa sĩ Hiền Nguyễn chia sẻ: “Sơn mài truyền thống mang tên Hiền Nguyễn có bản sắc rất riêng, đã in dấu trong lòng người yêu hội họa. Tôi thực sự thích những gam màu lạ, mang sắc xanh và kỹ thuật chồng nhiều lớp rồi mài mới của Hiền Nguyễn - một đam mê vị nghệ thuật.
Chúc con tàu nghệ thuật của Hiền Nguyễn cập vào những bến bờ tơi mới và đẹp đẽ trên hành trình của mình.”.