Nhìn lại và bước tới
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được Chính phủ đặc biệt chú trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể.
Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại WEF ASEAN 2018.
1. Nói như thế để thấy rõ hơn quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Chính phủ điện tử. Và, Chính phủ đang đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng, cuộc cách mạng ấy không phải không mang lại nhiều thách thức cho chúng ta. Một trong những thách thức nổi lên từ Cách mạng 4.0 là khiến tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập, mà Việt Nam là một trong những nước chịu thách thức lớn bởi vấn đề này.
Để có thể nghĩ lớn, hành động nhanh, không có cách nào khác, từ Chính phủ đến người dân đều cần chuẩn bị cho mình những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thách thức ấy, Chính phủ cần giữ vững vai trò “nhạc trưởng’ trong thực hiện mục tiêu kiến tạo - phát triển...
Trong năm 2018, các tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ và kiểm tra công vụ đã phát huy vai trò rất tốt. Cùng với việc đẩy nhanh lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia, năm qua, Chính phủ và các địa phương đã quyết liệt trong việc chung tay cải cách hành chính đã góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực trọng tâm, với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (Nghị quyết số 35/NQ-CP); cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (tại các nghị quyết số 19 của Chính phủ hằng năm)...
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính hằng năm của các bộ, các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; Đề án đo lường hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước để đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước.
Kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2017 (trong lễ công bố vào giữa năm 2018) cho thấy, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 79.92%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt cao nhất với kết quả là 92.36%. Đáng chú ý, 12/19 bộ có chỉ số cải cách hành chính năm 2017 trên mức giá trị trung bình; không có bộ nào có kết quả chỉ số cải cách hành chính dưới 70%. Kết quả ấy đã phản ánh tương đối sát tình hình triển khai cải cách hành chính các bộ, các tỉnh; việc triển khai và kết quả đạt được trên những nội dung trọng tâm và 6 nhiệm vụ cải cách hành chính theo yêu cầu của Chính phủ.
Đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, nhiều địa phương cấp tỉnh đã thành lập trung tâm hành chính công, làm tốt công việc một cửa, một cửa liên thông. Bộ Xây dựng mới đây đã áp dụng mô hình một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại bộ. Nhưng, cũng chính đại biểu này đã thẳng thắn chỉ ra cải cách hành chính chưa thật liên thông giữa trung ương, bộ ngành với địa phương.
Việc cấp phép cho doanh nghiệp thành lập và đi vào hoạt động thuộc thẩm quyền của bộ, ngành vẫn còn chậm và kéo dài, sự phối hợp giữa các bộ chưa chặt chẽ. Có dự án của địa phương trình lên cấp bộ hằng năm trời vẫn chưa được giải quyết và trả lời. Từ đó, đại biểu này đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành nên tổ chức mô hình một cửa và thành lập Trung tâm hành chính công của Chính phủ để công tác cải cách thủ tục hành chính được thống nhất, nhanh gọn, hiệu quả.
2. Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII hồi cuối tháng 11, ông Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khi quán triệt Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nêu gương.
Ông Phạm Minh Chính dẫn ví dụ từ một hành động dù nhỏ của người đứng đầu như quan sát tắt điện, nước, cửa… trước khi ra về cũng thể hiện sự nêu gương. Hay như việc không thay đổi xe, sửa sang văn phòng khi được đề bạt. Theo ông Chính, rất đơn giản, bình dị, nhưng thể hiện sự nêu gương rất sâu sắc của lãnh đạo với cấp dưới.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII hồi đầu tháng 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc Trung ương thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương cho nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đồng chí đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tuỵ với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm.
Trên thực tế, trong những năm qua, đặc biệt là kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, nhiều cán bộ cấp cao đã được điểm mặt, chỉ tên vì thiếu gương mẫu; vì lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng trong kinh tế, thậm chí có những cán bộ cấp Ủy viên Trung ương hoặc nguyên Ủy viên Trung ương, cán bộ diện Trung ương quản lý phải chịu án kỷ luật.
Cá biệt, nhiều cán bộ cấp cao đã phải ra hầu tòa, lĩnh án do tham nhũng và tiếp tay cho tham nhũng. Điều đó cho thấy việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là các cán bộ, đảng viên giữ trọng trách quan trọng đã trở thành nhiệm vụ mang tính thời sự của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức cơ sở đảng. ‘Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Nếu một người đứng đầu nêu gương trong mọi công việc, mọi hoạt động sẽ là cách tốt nhất để cấp dưới nhìn vào mà điều chỉnh hành vi của mình. Trên không nghiêm, dưới tất loạn. Những đúc kết từ cuộc sống và thực tế cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng hiện nay đã đòi hỏi cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thực sự nêu gương bằng những hành động cụ thể. Việc ban hành quy định trách nhiệm nêu gương sẽ giúp các cán bộ tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh mình, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
* Để có thể nghĩ lớn, hành động nhanh, không có cách nào khác, từ Chính phủ đến người dân đều cần chuẩn bị cho mình những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thách thức ấy, Chính phủ cần giữ vững vai trò “nhạc trưởng’ trong thực hiện mục tiêu kiến tạo - phát triển.