Loại bỏ sức ì của bộ máy
Năm 2018 là năm Trung ương ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến công tác cán bộ. Chẳng hạn nhiệm vụ “xóa bỏ biên chế suốt đời, chấm dứt chạy chức, chạy quyền”, “người đứng đầu phải nêu gương” là những chủ trương đúng đắn, loại bỏ sức ì của bộ máy. Nhiều ý kiến cho rằng cần cải tổ lại để bộ máy gọn mà tinh, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Ảnh minh họa.
Phá “vòng kim cô” che chắn cán bộ yếu kém
Ngày 19/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ - Nghị quyết số 26-NQ/TW. Trong nhiều giải pháp được Nghị quyết đưa ra, có giải pháp tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời” nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) theo vị trí việc làm, năng lực, giảm số lượng, nâng cao chất lượng có cơ chế cạnh tranh.
Vì sao phải bỏ quy định “biên chế suốt đời” là bởi, hiện cả nước đang có 11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó, có 265.000 biên chế công chức. Bộ máy lớn nhưng rất khó có thể tinh gọn bởi cơ chế hiện tại, khi được tuyển dụng vào biên chế là mặc nhiên được công tác trong cơ quan nhà nước cho đến tuổi nghỉ hưu. Tuyển dụng, sử dụng công chức kiểu có vào mà không có ra là nguyên nhân chính khiến bộ máy vốn đã cồng kềnh ngày một cồng kềnh hơn nữa bất chấp mọi sắc lệnh tinh giản.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện đang có hơn 57.000 biên chế dư thừa trong các cơ quan nhà nước. Sự thừa biên chế này chính là do cơ chế tạo nên. Cơ chế của chúng ta không có cạnh tranh, không qua sàng lọc, thay thế thường xuyên vô hình trung đã tạo sức ỳ lớn trong bộ máy. Để khắc phục tình trạng này, chủ trương của Hội nghị Trung ương 7 cần phải có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng và tiến tới sẽ bỏ chế độ “biên chế suốt đời”.
Bình luận về chủ trương này nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, Luật CBCC qua 10 năm ban hành đã đến lúc cần sửa đổi bởi trong thực tiễn đã nảy sinh những vướng mắc. Điểm bức xúc nhất hiện nay có lẽ là chất lượng đội ngũ. Chất lượng đội ngũ khó mà nâng lên được nếu vẫn quản lý công chức theo kiểu “biên chế suốt đời”, đó chính là thủ tiêu sự phấn đấu của mỗi CBCC. Theo đó, việc lựa chọn những công chức tốt, tài năng, mới có thể đáp ứng được sự thay đổi trong thể chế kinh tế thị trường và những thể chế quản lý mới mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Thế nhưng, việc chuyển đổi này từ trước đến nay rất chậm.
Để xây dựng Chính phủ liêm chính thì việc loại bỏ cơ chế, “biên chế suốt đời” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII là một tất yếu và đó là xu hướng thế giới làm từ đầu những năm 2000. Để xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, chúng ta không còn con đường nào khác là việc phải rõ, người phải đúng, thể chế vận hành hợp lý, hiệu quả. Sử dụng công chức theo hợp đồng làm việc, anh sẽ dễ bị loại ra khỏi bộ máy nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Có thể nói, biên chế nhà nước được nhiều người ví von như “vòng kim cô” che chắn cho những ai không chịu phấn đấu mà không lo bị sa thải. Do vậy, tiến tới chấm dứt chế độ “biên chế suốt đời” sẽ khắc phục được sự ỷ lại, sức ì và sự trì trệ trong lực lượng lao động tại các cơ quan công quyền.
Người đứng đầu và trách nhiệm nêu gương
Sức ỳ của bộ máy không chỉ đến từ việc dần dịch chuyển CBCC từ biên chế suốt đời sang hợp đồng làm việc để có đủ chế tài xử lý cán bộ khi anh ta không hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện điều này sẽ giúp mỗi CCBC phải nỗ lực không ngừng nếu không muốn bị loại ra khỏi nền công vụ. Nhưng có một điều cấp bách hơn cần thực hiện ngay đó là cán bộ chủ chốt phải nêu gương chịu trách nhiệm chính. Bởi ở mỗi cơ quan, nếu người đứng đầu công tâm, khách quan, nghiêm túc chắc chắn sẽ không để xảy ra nhiều “sự cố” liên quan đến công tác cán bộ đến vậy.
Chính vì vậy, ngày 25/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐ/TW). Sở dĩ Đảng ta phải nhấn mạnh đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là cán bộ cấp cao bởi đó là những người có tầm ảnh hưởng rộng và mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Một cán bộ bình thường là một tấm gương tốt chỉ tác động trong phạm vi hẹp. Nhưng là cán bộ lãnh đạo thì phạm vi ảnh hưởng, tác động sẽ rộng, lớn hơn nhiều. Tương tự, cán bộ lãnh đạo cao cấp mà vi phạm khuyết điểm, thậm chí vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Chính vì vậy, ngay từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, sau đó là Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục ban hành Quy định số 55 về một số việc cần phải làm ngay để nêu cao vai trò làm gương ở cán bộ lãnh đạo.
Các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành, các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên đã thể hiện trách nhiệm nêu gương của mình cũng đi vào cuộc sống. Quy định 101 của Ban Bí thư nêu rõ: Cán bộ càng cao càng phải nêu gương, ý muốn nói tất cả các cán bộ đảng viên đều phải thể hiện sự nêu gương trước quần chúng để lôi cuốn họ học tập, noi theo.
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đó càng trở nên cấp thiết, khi Đảng đã nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống”. Thậm chí gần đây còn có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Cho nên, vấn đề trách nhiệm nêu gương không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của cán bộ đảng viên.
Bàn về quy định này, bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương bình luận rằng: Cùng với việc đưa ra các quy định nêu gương thì còn phải gắn với trách nhiệm cụ thể của từng người, từng vị trí rất cụ thể. Muốn xác định được trách nhiệm thì phải chỉ rõ các biểu hiện cụ thể của từng hành vi sai phạm.
Bà Thu Ba lấy ví dụ, cần quy định cán bộ cấp cao phải chống các hành vi tiêu cực, nói không đi đôi với làm, các biểu hiện tham nhũng, tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; thông đồng, thoả hiệp, tạo cơ chế “xin - cho”, “duyệt cấp”; chống can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...
Đặc biệt là các hành vi lợi dụng doanh nghiệp, liên kết lập sân sau, lợi ích nhóm, sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ... thì cần đặt câu hỏi: đây là biểu hiện của hành vi sai phạm nào? Và được quy định xử lý ra sao?
Thời gian qua, có rất nhiều biểu hiện sai phạm của cán bộ đã được nhận diện, tuy nhiên, ở mỗi sai phạm lại có một biểu hiện khác nhau, các biểu hiện là “muôn hình vạn trạng”, vì thế, đưa ra quy định chung nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với thực tế, phải áp dụng được trong mọi tình huống. Ví như các biểu hiện nói trên có thể thấy đó chính là biểu hiện của hiện tượng tham chức, tham quyền. Như vậy, muốn xử lý trách nhiệm với người tham chức, tham quyền thì phải cụ thể thêm một bước nữa đó là sau khi chỉ rõ ra các biểu hiện của hiện tượng trên thì phải quy định cụ thể hình thức xử lý với từng hành vi đó ra sao?
Cán bộ, người đứng đầu nêu gương, công tác đánh giá cán bộ cần thực chất hơn để không có chuyện đã vào nền công vụ thì đút chân gầm bàn suốt đời dù không có sáng kiến gì, đóng góp gì cho đất nước mà vẫn là công chức. Không chỉ thực hiện một sớm một chiều trong năm 2018 mà chủ trương này cần triển khai một cách mạnh mẽ trên thực tiễn, thấm xuống tất cả các cấp, các ngành để công tác cán bộ không còn là khâu yếu và không còn những tiếng phàn nàn kêu ca của người dân rằng có tới trên 30% công chức “cắp ô” trong nền công vụ, nhưng suốt một thời gian dài chẳng tìm ra ai là công chức “cắp ô” được.
* Không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cán bộ
Tại hầu hết các phiên họp Chính phủ thường kỳ, công tác cán bộ, trách nhiệm của các “công bộc” luôn được người đứng đầu Chính phủ đặt lên hàng đầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh rằng: các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt chủ trương, chỉ đạo về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, thái độ phục vụ nhân dân của CBCC trong hệ thống cơ quan công quyền. Không thể “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, giữ phiếu, giữ ghế để cuối năm vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và tất nhiên muốn biết rõ cán bộ ấy có được việc hay không thì phải có công cụ đánh giá hữu hiệu, xác định vị trí việc làm để việc đánh giá không còn cảm tính chung chung. Nhưng muốn thực hiện những điều này đòi hỏi sự bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
* Hiện cả nước đang có 11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó, có 265.000 biên chế công chức. Bộ máy lớn nhưng rất khó có thể tinh gọn bởi cơ chế hiện tại, khi được tuyển dụng vào biên chế là mặc nhiên được công tác trong cơ quan nhà nước cho đến tuổi nghỉ hưu. Tuyển dụng, sử dụng công chức kiểu có vào mà không có ra là nguyên nhân chính khiến bộ máy vốn đã cồng kềnh ngày một cồng kềnh hơn nữa bất chấp mọi sắc lệnh tinh giản.