Kiểm tra khi có dấu hiệu nhiều ban cán sự Đảng, ra nhiều vụ án lớn

M.Loan 28/12/2018 15:10

Sáng 28/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức Hội thảo về “Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”.

Kiểm tra khi có dấu hiệu nhiều ban cán sự Đảng, ra nhiều vụ án lớn

Ông Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra phát biểu tại hội nghị.

Dự và chủ trì hội nghị có ông Tô Quang Thu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Cao Văn Thống - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ông Đỗ Quang Dũng - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Quang Thu cho biết, sau khi đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết tại 5 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, đến nay, Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã hoàn thành dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình và kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết này.

Dự thảo báo cáo đánh giá, 10 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đều thống nhất nhận thức việc Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết này là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu về vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng và nhiều cấp ủy đã quan tâm tổ chức bộ máy cũng như tạo điều kiện về nguồn lực cho Ủy ban kiểm tra các cấp hoạt động. Các quy định, quy chế phối hợp giữa các cấp ủy với chính quyền và MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác kiểm tra giám sát được xây dựng ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ hơn.

Báo cáo cũng nêu rõ, đối tượng kiểm tra giám sát được đổi mới theo hướng chú trọng tập trung vào ban cán sự đảng, đảng đoàn như kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Ban cán sự Đảng Bộ Công thương,Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Ban cán sự Đảng UBND TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam…

“Từ năm 2008 đến tháng 6/2018, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm tra 165 tổ chức đảng; tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy và tương đương. Đã kiểm tra 10812 tổ chức đảng, 13.932 đảng viên; huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy và tương đương đã kiểm tra 119.707 tổ chức đảng, 178.190 đảng viên; đảng ủy cơ sở, ban thường vụ đảng ủy cơ sở kiểm tra 304.491 tổ chức đảng, 1.274.333 đảng viên; đảng ủy bộ phận kiểm tra 6599 tổ chức đảng, 12.226 đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 344.409 tổ chức đảng thực hiện tốt, 29319 tổ chức đảng thực hiện chưa tốt (trong đó có khuyết điểm vi phạm 12076 tổ chức, phải thi hành kỷ luật 315 tổ chức và đã thi hành kỷ luật 204 tổ chức). Kết luận 1.689.889 đảng viên thực hiện tốt; 45.901 đảng viên thực hiện chưa tốt (trong đó, có khuyết điểm, vi phạm 19.172 đảng viên, phải thi hành kỷ luật 4892 đảng viên, đã thi hành kỷ luật 3579 đảng viên)”, báo cáo nêu.

Tờ trình đề án tổng kết Nghị quyết do Ủy ban Kiếm tra soạn thảo khi nói đến những kết quả đạt được đã cho rằng, đó là do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tăng cường, quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát nhất là chỉ đạo xử lý những nơi có sai phạm nghiêm trọng; những lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, vụ án phức tạp…

Tờ trình cũng nêu rõ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã có nhiều đổi mới, nỗ lực cố gắng hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng công việc, hiệu quả từng bước được nâng cao.

Tờ trình của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhắc đến nhiều vụ án nghiêm trọng đã được xem xét, kết luận, làm rõ và xử lý kịp thời như vụ việc ở PVN, PVC, Vinachem, BIDV, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), vụ mua cổ phần AVG…

Tuy số đảng viên vi phạm và phải bị xử lý khá nhiều nhưng báo cáo vẫn đánh giá: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa được củng cố tăng cường thường xuyên; việc đổi mới công tác kiểm tra còn chưa theo kịp tình hình thực tế nên còn khó khăn trong việc xem xét, đánh giá, kết luận các vụ việc phức tạp, các hành vi mới phát sinh; tính tự giác của tổ chức đảng và đảng viên không cao; giám sát thường xuyên, nắm tình hình hoạt động của cấp ủy,người đứng đầu cấp ủy và việc thực hiện kết luận kiểm tra, yêu cầu sau giám sát ở một số địa phương, đơn vị chưa được lãnh đạo chỉ đạo đổi mới, tăng cường quyết liệt, hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sau khi đánh giá cao các kết quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thời gian qua đã nhận định: Công tác kiểm tra, giám sát chưa gắn chặt, xuyên suốt việc “xây” và “chống”. Chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm ở một số địa phương chưa cao, chưa đồng đều, có biểu hiện “trên nóng, dưới lạnh”. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thống nhất, còn nhiều bất cập. Chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng còn nhiều hạn chế,..

M.Loan