'Ký ức Hà Nội' – câu chuyện ấm lòng ngày cuối năm
Ngày cuối năm, nhiều người chọn cách đi du lịch, có người hồi hả về quê, nhưng chiều ngày 30/12 vẫn có hàng trăm người tìm đến phòng trưng bày tại 70 Nguyễn Du (Hà Nội) để tham dự lễ khai mạc triển lãm với chủ đề “Ký ức Hà Nội”.
Triển lãm Ký ức Hà Nội thu hút được sự tham gia của nhiều thế hệ.
Triển lãm “Ký ức Hà Nội” trưng bày 250 bức ký họa cũng là những sáng tác trong cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa & hồi ức” của các họa sĩ chuyên và không chuyên của nhóm USK vừa chính thức phát hành.
Những nét vẽ tinh tế và chân thực đã tạo nên một không gian ngập tràn ký ức về một thời Hà Nội nghèo mà bình dị và thấm đẫm tình người. Với những người đã trải qua những năm tháng ấy, chắc chắn sẽ thấy một phần ký ức của mình trong đấy. Còn với những người trẻ, sự hấp dẫn tròn trịa về mọi mặt của tác phẩm tinh hoa ẩm thực này có thừa hào hứng để thôi thúc họ bỏ công trên google tìm hiểu sâu hơn về một nét sống xưa cũ của thế hệ cha ông.
Bên cạnh đó, công chúng đến với triển lãm sẽ được gặp lại những hình ảnh gợi nhớ một thời Hà Nội bình yên, nghèo nhưng rất đẹp. Đó có thể là những khu nhà tập thể hình tổ ong, là quán phở phố cổ người mua phải xếp hàng, là cửa hàng mậu dịch, là bàn thờ Tết với bánh pháo, hộp mứt, gói thuốc lá, chai rượu chanh…
Mâm cơm thời bao cấp.
Những hình ảnh ấy được thể hiện hoặc trên những bức tranh, hoặc được sắp đặt tại chỗ để khán giả có thể trực tiếp cảm nhận như ấm trà vối nóng kèm kẹo lạc, những món ăn chơi như kẹo dồi, mứt me, mứt bí, mứt gừng… Hay những món ăn tưởng như quen thuộc với thế hệ “ông bà ta” như lạc rang muối, canh cua rau sam tập tàng, cà pháo, rau muống, cơm độn sắn bo bo… nhưng mang tới những trải nghiệm cực kỳ mới mẻ.
Vừa khó cưỡng, vừa đẹp đẽ cầu kỳ trong cách chế biến, tinh tế trong việc lựa chọn nguyên liệu, tài tình trong cách bày biện, để mang tới một mâm cơm đẹp cả về hình ảnh, mùi vị và cảm xúc. Đây không phải là mâm cơm của người nghèo, cũng chẳng phải của người giàu. Nó chẳng đủ quen những cũng không quá lạ. Sự giao thoa cũ mới, vừa có tính kế thừa vừa mang đầy sức gợi cảm.
Chia sẻ cảm xúc khi tham dự triển lãm, NSƯT Hồng Liên bày tỏ “Tôi rất xúc động khi được trải nghiệm những thứ mà bấy lâu nay tưởng như đã quên trong tiềm thức, đó là những điều gắn với suốt quãng đời thơ ấu và cả tuổi thanh xuân của mình. Nhìn mâm cơm bao cấp với những món ăn quen thuộc, ký ức lại ùa về, biết bao kỷ niệm tuổi thơ bên bố mẹ ông bà và những người thân yêu”.
Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm.
Còn với nhà văn Nguyễn Quang Thiều thì những tác phẩm được trưng bày và cuốn sách được phát hành trước đó là một ý tưởng độc đáo. Ý tưởng này đã biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường. Một sự thật là, khi đang sống trong những chung cư ở Hà Nội thuở ấy, chúng ta phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt. Những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ… Tưởng rằng như vậy thì những chung cư xưa sẽ được chôn vùi vào quá khứ mãi mãi. Nhưng đến một ngày, trong những trang viết và những bức tranh, tất cả những chung cư thuở ấy lại mọc lên, mọc lên trong một tinh thần khác và một ánh sáng khác...
Chuỗi hoạt động triển lãm, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội thời bao cấp diễn ra từ ngày 30/12/2018 đến 31/1/2019 tại Ngon Garden (số 70 Nguyễn Du, Hà Nội).