Năm mới, vận hội mới
Sáng 18/12 (theo giờ Hà Nội), tại cuộc bầu cử trong khuôn khổ Khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York, với số phiếu 157/193, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, việc lựa chọn thành viên UNCITRAL được thực hiện thông qua bỏ phiếu tại Đại hội đồng do có nhiều ứng cử viên hơn số ghế tại Nhóm Châu Á- Thái Bình Dương và Nhóm các nước Tây Âu.
1. UNCITRAL là cơ quan chuyên môn pháp lý của LHQ, được Đại hội đồng LHQ lập ra từ năm 1966 với mục đích và đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy quá trình nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.
Trở thành thành viên UNCITRAL vào những ngày cuối cùng của năm cũ 2018 và cận kề năm mới 2019 thực sự là tin vui với Việt Nam.Nó đồng thời cũng thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam. Sự ủng hộ cao của các nước trên thế giới dành cho Việt Nam cho thấy các nước ghi nhận, đánh giá cao thành tựu nước ta đạt được, uy tín, sự đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực pháp lý quốc tế. Đây cũng là sự khích lệ đối với những người làm công tác pháp lý quốc tế của Việt Nam.
Mặt khác, điều này thể hiện rõ nét hình ảnh một Việt Nam đang chủ động, tích cực tăng cường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện hàng loạt các Hiệp định song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, trong đó có các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Điều này đòi hỏi chúng ta cần không ngừng hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững.
Trở thành thành viên UNCITRAL, Việt Nam cũng chứng tỏ sự tin tưởng của bè bạn quốc tế với chúng ta; nhất là trong lĩnh vực luật pháp quốc tế.
2. Báo cáo tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả năm 2018, chỉ tiêu tăng trưởng của năm ước vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%. Vào thời điểm khi chỉ còn hơn 2 tháng là kết thúc năm kế hoạch 2018, những con số mà Thủ tướng đưa ra đã làm nức lòng nhiều người. Bởi, vào cuối năm 2017 khi chỉ tiêu, kế hoạch được giao cho Chính phủ, không ít chuyên gia tỏ ra lo ngại về về khả năng đạt được những mục tiêu ấy. Lo ngại không phải là không có cơ sở khi mà, cả trong ngắn hạn và dài hạn; cả từ bối cảnh quốc tế và trong nước nhiều yếu tố khó lường tác động đến việc triển khai các giải pháp trên thực tế. Nhưng vượt qua những chông gai ấy, kết quả kinh tế- xã hội năm 2018 đã cho chúng ta quyền hy vọng vào những cơ hội mới cho kinh tế đất nước trong năm 2019.
Mới đây nhất, trong báo cáo “Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2018; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2019”, TS Lê Quang Mạnh- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những con số rất đáng mừng: Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp nước ta hoàn thành 12 chỉ tiêu kế hoạch cả năm đề ra, với 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 6,7%, quy mô GDP hơn 240 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước cả năm vượt 3% dự toán và bội chi ngân sách ở mức 3,67% GDP; cả nước có trên 2.700 dự án đầu tư FDI mới, tăng 18,4%.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện cơ bản, ước đến cuối năm 2018 cả nước cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đây thực sự là những quả ngọt mà chỉ có sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và sự đồng lòng nhất trí của các cấp các ngành, các địa phương mới đem lại tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo.
3. Khép lại năm 2018 cũng cần nói đến điểm nhấn đặc biệt, đó là nước ta ký và thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Không kỳ vọng sao được khi CPTPP sẽ giúp chúng ta thâm nhập vào rất nhiều thị trường lớn và khó tính trên toàn cầu.
Hiệp định CPTPP được 11 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, ký kết vào 15h ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile. CPTPP sẽ mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Với tiêu chuẩn cao và đặt ra những quy định cho các vấn đề phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, Hiệp định này sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới. CPTPP sẽ giảm thuế quan trong khu vực vốn chiếm tổng số là 10 nghìn tỷ USD trong nền kinh tế toàn cầu. Việc Việt Nam tham gia ký CPTPP chính là một bước cụ thể hóa chiến lược về đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác; là minh chứng cho việc Việt Nam tiếp tục thực thi một cách quyết tâm và nhất quán chủ trương và chiến lược của Đảng, chính sách của Nhà nước trong hội nhập một cách chủ động, sâu rộng.
Không chỉ tính chuyện tiến vào và giành thị phần trong thị trường của CPTPP; mà thực ra CPTPP với những tiêu chuẩn cao đòi hỏi chúng ta phải phát huy nội lực, nỗ lực vượt lên chính mình để tiến xa. Và cũng chính CPTPP đặt chúng ta vào mục tiêu: Trong năm 2019 cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; qua đó, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Còn ở khía cạnh khoa học, nó cũng đòi hỏi chúng ta nỗ lực đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
4. Bước vào năm 2019, với những kết quả khả quan đạt được trong năm 2018, chúng ta có một nền tảng tốt cho một năm mới với nhiều dự định mới. Một năm 2019 mà Chính phủ đặt mục tiêu, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP. Còn về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Những mục tiêu ấy đặt trong tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp.
Nhưng với sự quyết tâm cao và những định hướng đúng đắn của Đảng ta; với sự nỗ lực của Chính phủ và người dân, những cơ hội mới đang trải ra trước mắt cùng với đó là những vận hội mới cho phát triển bền vững.
Trong báo cáo “Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2018; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2019”, TS Lê Quang Mạnh- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những con số rất đáng mừng: Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp nước ta hoàn thành 12 chỉ tiêu kế hoạch cả năm đề ra, với 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 6,7%, quy mô GDP hơn 240 tỉ USD; thu ngân sách nhà nước cả năm vượt 3% dự toán và bội chi ngân sách ở mức 3,67% GDP; cả nước có trên 2700 dự án đầu tư FDI mới, tăng 18,4%. |