Đằng sau những cái 'tát'
Vừa qua, dư luận xã hội đã vô cùng bàng hoàng, sửng sốt trước thông tin về việc một em học sinh lớp 6 ở Quảng Bình bị cô giáo phạt cho bạn tát 231 cái và cô giáo tại Hà Nội đã sai học sinh tát bạn 50 cái. Vụ việc xảy ra đã khiến không ít người phải bất ngờ đặt ra những câu hỏi: Vì sao cô giáo lại có hành động như vậy? Liệu em học sinh bị tát và những em tát bạn có phải chịu ảnh hưởng về mặt tâm lý hay không? Và việc phạt học sinh như vậy liệu có khả năng sẽ khiến mầm mống bạo lực xuất hiện?
Đi tìm nguyên nhân
Từ trước đến nay, nghề giáo luôn được coi là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Giáo viên là những người không chỉ truyền đạt kiến thức đến với các em học sinh mà còn được coi như một người cha, người mẹ thứ hai của học sinh khi các em đến trường. Thế nhưng, những “người cha, người mẹ” thứ hai ấy lại không thể làm tròn chức trách của mình khi xử phạt bằng cách yêu cầu các em học sinh trong lớp trực tiếp tát bạn của mình.
Những cái tát của các em học sinh đối với bạn mình dưới sự yêu cầu, chỉ đạo của cô giáo thực sự là một hành vi phản giáo dục và phải lên án. Để đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao cũng như lý giải cho hành động của cô giáo bắt học sinh tát bạn mình, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chu Văn Đức, giảng viên bộ môn Tâm lý học, khoa Pháp luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội.
Sau khi đọc được thông tin về vụ việc cô giáo bắt học sinh tát bạn mình, TS. Chu Văn Đức cho rằng: Hành vi sai học sinh tát bạn của hai cô giáo, một ở Hà Nội và một ở Quảng Bình trong thời gian qua, có nhiều nguyên nhân như sau: Thứ nhất, hai sự việc trên cho thấy đạo đức, lương tâm, chuẩn mực hành nghề của hai cô giáo có vấn đề; kỹ năng sư phạm, kỹ năng quản trị cảm xúc thấp. Hai cô đã hành động rất thiếu cân nhắc, suy nghĩ không thấu đáo, nghĩ là làm, nghĩa là đã sử dụng hệ thống mà trong tâm lý học gọi là tư duy nhanh, đúng ra phải sử dụng tư duy chậm.
Thứ hai, áp lực công việc, áp lực của cuộc sống. Nghề giáo là một nghề vất vả, đặc biệt là giáo viên bậc tiểu học và trung học cơ sở, nơi mà nhận thức, ý thức của học sinh còn non yếu, hành vi của các em còn mang đậm tính tự nhiên, cảm tính. Ở đây, nếu giáo viên phải đứng lớp nhiều, thời gian nghỉ ngơi không đủ kết hợp với những vấn đề khác trong cuộc sống thì trạng thái tinh thần của họ thường xuyên căng thẳng và dễ có những hành vi thiếu kìm chế.
Thứ ba, bản tính bạo lực vốn có sẵn ở con người. Ngày nay khoa tâm lý học, sinh lý học thừa nhận rằng sinh ra chúng ta được di truyền khuynh hướng gây hấn, bạo lực và khuynh hướng này không như nhau ở mọi người. Về mặt sinh học, nó giúp cho chúng ta tự vệ, bảo tồn mạng sống. Tuy nhiên, với con người trong môi trường xã hội thì khuynh hướng hành vi này dễ đưa đến nhiều bất lợi. Ở mỗi con người, bình thường khuynh hướng này được kiểm soát bởi các chuẩn mực xã hội, đạo đức lương tâm, kỹ năng ứng xử. Tuy nhiên, xin nhắc lại, là chỉ kìm chế, chứ không loại bỏ được. Bởi vậy, chúng ta không thể loại bỏ những hành vi bạo lực, cả trong xã hội và cả trong giáo dục, mà chỉ có thể hạn chế.
Lo ngại mầm mống bạo lực...
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người đã thắc mắc về vấn đề tâm lý của các em học sinh. Liệu tâm lý của các em có bị ảnh hưởng lâu dài sau khi vụ việc xảy ra hay không? Đối với em học sinh bị tát liệu sẽ gặp phải nhiều trở ngại về tâm lý sau này không? Và đặc biệt là đối cới các em học sinh có hành vi “tát” bạn mình thì tâm lý của những em học sinh ấy như thế nào? Có khả năng các em sẽ xuất hiện các hành vi bạo lực không? Khi mà chính cô giáo đã yêu cầu các em thực hiện hành vi bạo lực đối với bạn của mình.
Cũng theo TS Chu Văn Đức thì rất đáng tiếc phải nói rằng những sự việc trên sẽ để lại dấu ấn ở cả học sinh bị tát lẫn học sinh tát bạn. Hai hành vi trên là những hành vi cá biệt lại diễn ra ở giai đoạn đầu đời nên ấn tượng càng đậm nét. Trong trường hợp này, ảnh hưởng đến tâm lí và hành vi của học sinh diễn ra theo hai khía cạnh: Thứ nhất là sự tê, trơ về mặt cảm xúc, tức là các em (kể cả những học sinh đánh bạn, học sinh bị đánh và học sinh chứng kiến) dần mất đi cảm xúc đau đớn, bất bình, có lỗi, nghĩa là các em dần trở nên lạnh lùng, vô cảm.
Thứ hai, là sự thay đổi nhận thức của các em. Các em sẽ cho rằng bản chất của con người là bạo lực, nghĩa là xem bạo lực là bình thường, từ đó các em cũng dễ có hành vi bạo lực.
Khía cạnh thứ hai mà TS. Chu Văn Đức đề cập tới đã thực sự trở thành một sự lo lắng, quan ngại lớn trong cộng đồng và xã hội. Bởi theo nhiều chuyên gia về tâm lý, “bạo lực sẽ sinh ra bạo lực ở cấp độ tăng hơn”.
Thấu hiểu để bảo vệ trẻ
Qua vụ việc cô giáo bắt học sinh tát bạn mình, dù ít hay nhiều thì các em học sinh vẫn phải chịu những tác động mạnh mẽ về mặt tâm lý. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho rằng, việc bị tát liên tiếp nhiều cái có thể gây sang chấn tâm lý của trẻ, từ đó gây ra những rối loạn stress sau sang chấn dẫn đến các hành vi tự “ngược đãi” bản thân.
Trưởng Phòng điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai Dương Minh Tâm cho biết, thông thường khi phải trải qua, chứng kiến hay đối mặt với sự kiện gây tác động mạnh mẽ đến tâm lý, trẻ em có thể có các phản ứng như rối loạn kích động, sợ hãi và lo âu mà các nhà tâm lý gọi là rối loạn stress sau sang chấn. Tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc các chứng bệnh về tâm lý.
Hiện nay, lứa tuổi học sinh, sinh viên chịu áp lực nặng nề từ học hành, thi cử đến những thay đổi về nhận thức trong cuộc sống, trong đó có những thay đổi về tâm sinh lý nhưng nhiều phụ huynh không nắm bắt được. “Trẻ em, trẻ vị thành niên là đối tượng dễ mắc bệnh vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc”, TS Tâm cho hay.
Điều đáng nói, khi bị rối loạn stress vì không muốn người xung quanh biết, nhiều em đã có các hành vi tự làm đau bản thân, hay gặp là các em tự cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng; bệnh nhân có thể cắt ở nhiều vị trí khác, hoặc lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc, cấu rách da, nhịn ăn…
Theo TS Tâm, khi trẻ vừa trải qua một sang chấn thì biện pháp chủ yếu là trợ giúp, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc để giảm bớt rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ. Rối loạn stress sau sang chấn tuy không nguy hiểm nhưng để lại di chứng hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là tuổi thanh thiếu niên sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách, nếu trẻ bị sang chấn tâm lý sẽ ảnh hưởng đến tính cách về sau. Vì vậy, trẻ cần sự trợ giúp của cộng đồng và gia đình bằng giao tiếp, tham gia vào các hoạt động tập thể.
Có thể thấy, để thấu hiểu tâm lý trẻ là một việc không hề đơn giản, dễ dàng, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi đang phát triển, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Hơn thế, đối với những trẻ đã và đang phải gánh chịu những áp lực tâm lý nặng nề như các em học sinh trong hai vụ việc vừa qua thì gia đình, nhà trường cần tọa điều kiện và có sựquan tâm, chia sẻ, chăm sóc đặc biệt hơn đối với các em, thấu hiểu các em để bảo vệ các em khỏi sự bi quan, bế tắc, nguy hiểm hơn là mầm mống bạo lực, sự tự ngược đãi bản thân xuất hiện khi vấn đề về tâm lý không được phát hiện và điều trị kịp thời.