Văn hóa và Hà Nội
Việc thay cũ đổi mới của thành phố là tất yếu. Nhưng người ta không chịu để dĩ vãng một cố đô biến đi vô tăm tích.
Tín ngưỡng
Trên một Hà Nội vật thể đang được xây dựng to đẹp, sang trọng với nhịp độ khẩn trương chưa từng có là một Hà Nội văn hóa vừa truyền thống vừa hiện đại cũng đang phát triển. Những đường hoa, những phố sách, những lễ hội văn chương nghệ thuật, những điểm du lịch... được khai sinh và ngày càng hoàn thiện. Phép ứng xử, cách nói năng, đi lại, ăn mặc… cũng đã được nâng cấp, hình thành những thói quen mới hay phục hồi những nét đẹp cũ, đáp ứng những đòi hỏi phép tắc của chốn kinh kì văn hiến truyền thống đang hòa nhập với nhân loại đương đại. Tuy nhiên, tệ mê tín dị đoan từ âm ỉ đã thành bùng phát và đang lan tràn như đại dịch. Hiện trạng ai cũng thấy, nhưng nhận định không dễ thống nhất, vì ở đây có khía cạnh tâm linh, tín ngưỡng nằm trong quyền chọn lựa của từng cá thể theo quy ước nhân quyền. Thiếu khoa học, thiếu sâu sắc tinh tế trong lĩnh hội, trong khảo sát tâm lí xã hội và tâm hồn con người dễ rơi vào những quyết sách áp đặt hoặc mị dân làm rối loạn xã hội hoặc gây tác hại làm trì trệ dân tộc. Rất cần tập hợp những nhà khoa học của nhiều lĩnh vực vào ban tham mưu cho công tác phức tạp nhưng bức thiết này.
Trước mặt cần phân biệt tín ngưỡng, tâm linh với sự cải trang của mê tín, lộn sòng vào để trục lợi, hại dân. Như trong lĩnh vực chữa bệnh bằng phép trừ tà, uống nước thánh, vào vườn ngồi nhập xạ, đánh đập dày xéo bệnh nhân... và đòi tiền. Kéo theo nó còn các loại thuốc Nam, thuốc Đông, không nhãn mác chữa bách bệnh và các thứ gọi là thực phẩm chức năng, trình bày, đóng gói như tân dược nhưng không kiểm nghiệm, bày bán ở mọi thứ cửa hàng, hiệu thuốc và không phải hiệu thuốc. Lại còn những loại đá, loại sỏi đeo vào người làm hạ huyết áp, chống đột quỵ. Rất hoang đường. Nhưng dân có bệnh thì vái tứ phương,
Tệ đồng bóng nhân danh Đạo thờ Mẫu, tín ngưỡng dân gian mang bản sắc Việt, nhân danh nghệ thuật nhạc múa, để tổ chức dịch vụ buôn thần bán thánh, reo rắc u mê, bạc nhược, lãng phí công sức và tiền của xã hội. Có đền thờ cậu, thờ cô một lúc đồng hành gần chục giá đồng. Hiện trạng này xem ra còn nghiêng về phía dị đoan hơn cả thời Pháp thuộc. Những cơ sở nghiên cứu tiềm lực tâm linh con người ở Hà Nội ta cũng cần sàng ra và lọc ra đâu là thực nghiệm khoa học, đâu là kiểu nhập hồn gọi vong bịp bợm kiếm tiền. Cần có tổng kết, sơ kết các công trình nghiên cứu tâm linh đã tiến hành. Công bố cho dân biết để dân điều chỉnh các quan niệm và ứng xử của mình. Chắc chắn có nhiều bí ẩn mà chúng ta cần có phương pháp để nghiên cứu, để thực nghiệm, khám phá, nhưng những yếu tố u mê, bá đạo, bịp bợm trục lợi thì phải nhanh chóng loại bỏ. Hoan nghênh Hà Nội đã truy tố một “ông cậu" lừa bịp trong các vụ tìm mộ, làm giả hài cốt liệt sĩ. Gần đây, nhiều cuốn sách in đẹp, bày bán rộng rãi ca ngợi những thành tựu của tác động tâm linh, li kì, phi thực bằng bút pháp khẳng định nhưng không có một chứng cớ thuyết phục nào, tác giả cũng không có một trải nghiệm khoa học nào để tin cậy. Loại sách đó cần một chế độ giám định nội dung và một quy chế phổ cập phù hợp. Bản chất khoa học và tác động dân trí của việc này đòi hỏi thế. Tệ đốt vàng mã chưa khi nào thịnh vượng và quy mô đồ sộ như hôm nay. Không chỉ vàng thoi giấy tiền mà còn nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh. Có một làng Kinh Bắc làm tranh dân gian, tranh ế, xoay sang đồ mã thì khá cả làng. Nhà chung cư nào xây cũng phải lo xây nơi hóa vàng đủ kích thước. Có nơi xây cả một ngôi đền trên sân thượng chỉ để đốt mã. Ngày sóc vọng cư dân phải xếp hàng để đốt. Hao tiền tốn của đã đành nhưng chưa đáng lo bằng hình thành một kiểu tư duy mờ mịt. Hoan nghênh Hội Phật giáo nước nhà đã khuyến cáo không đốt vàng mã trong các nơi thờ tự của nhà Phật. Nhưng không lẽ chỉ các nhà tu hành mới có cái quyết định vừa khoa học vừa tôn trọng tín ngưỡng này…
Và xây dựng
Xây dựng của Hà Nội, rộng ra trên cả đất nước ta, trong vài thập niên vừa qua thật sự là niềm vui vỡ òa của toàn dân. Chúng ta đã thực hiện vượt bậc lòng mong muốn của Bác Hồ thuở Hà Nội nhà ngăn và gác lửng chống chiến tranh phá hoại: “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Con cháu giờ xây dựng không chỉ hơn mười mà hơn đến trăm lần ấy chứ. Đàng hoàng, to đẹp. Nhà cửa, dinh thự, cầu cống, đường dưới thấp, đường trên cao, sân bay, hải cảng... Được thế là nhờ cú hích của quốc sách đổi mới, hòa nhập với thế giới mà xây, tận dụng mọi sức dân mà xây. Chứ chỉ trông vào nhà nước như những thập niên Trung Tự, Giảng Võ thì không biết đến đời thuở nào. Cũng lại nhờ những vị chủ đầu tư biết nhìn xa chiếm rộng, tận dụng được chỗ yếu lòng của chức sắc có quyền để mua đất rẻ bán nhà đắt, biến địa hạt bất động sản thành nơi siêu lợi nhuận, khích lệ giới đầu tư. Cũng lại nhờ, đúng là trong họa có phúc, ấy là cái họa phết phảy trong ngành xây dựng đã tạo ra cái phúc là người ta thích lấy ngân sách để làm.
Đất nước nhờ vậy mà nhanh chóng to đẹp. Nhưng có điều này, xin cho tôi được than thở: Hà Nội là quê mẹ tôi. Tôi ra đời và lớn lên, già đi ở đất này. Cảnh phố xá, nếp sinh hoạt Hà Nội đã thành nền tảng cho kí ức, đã nhập vào hồn vía vào tâm trí tôi. Vài mươi năm nay mừng vì nơi ăn nơi ở bà con ta được cải thiện, nhiều chỗ ngang mức các thành phố tiên tiến trên thế giới, nhưng trong lòng lại có gì ngơ ngác, thấm thía buồn như người bị mất quá khứ. Nhiều nỗi nhớ trong lòng không còn nơi bấu víu ngoài đời. Hà Nội mất đi nhiều quá những dấu tích của Thăng Long, của Hà Nội cũ. Rặng ổi Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái. Nhỏ bé thế thôi mà sao lại thành hồn cốt của đất đai. Bàng Yên Thái thì từ khi tôi nhận biết đã không còn nhưng rặng ổi ven hồ Tây, theo đoạn đê từ Nghi Tàm lên Quảng Bá thì vẫn còn. Gốc dưới thấp, cành vươn lên tạo một tấm thảm, cành đan trong lá quả và mùi hương ổi, trải ngang với mặt đê. Kì ảo như cổ tích. Thơ Xuân Diệu, 1966, còn viết Giá hãy trẻ con trèo hái ổi Thì ta ăn hết một đê vừa. Có lẽ nhờ bài thơ Ổi Hồ Tây ấy mà thành phố đã chọn đoạn đê này để đặt tên phố Xuân Diệu. Ây vậy mà đến nay rặng ổi không còn dấu tích gì. Làng vườn húng Láng kia cũng vậy, Đất quê lổm ngổm nhà lầu Đuổi cây húng Láng vào câu hát buồn. Thôi thì đành chịu. Không thể cái gì cũng muốn. Muốn giữ cũ lại muốn xây mới. Nhưng phải tính, phải sáng kiến để lưu dấu vết cho lịch sử và trí nhớ con người. Hồn thiêng sông núi khởi sinh từ đấy chứ sao.
Vườn đào Nhật Tân, điển hình của hoa tết Thăng Long, ít nhất nó đã vào giai thoại: Quang Trung mồng 5 Tết Ất Dậu (1789) đã cho lính mang tin thắng trận về triều đình Phú Xuân cùng với cành đào của làng hoa này về tặng Ngọc Hân. Giá cứ học kinh nghiệm của vườn nho trên gò Monmartre bên Paris: Khi phá vườn nho để xây khách sạn, người ta đã giữ lại vài sào vườn, lưu lại giống nho xưa. Hàng năm dùng nho ấy làm rượu theo cung cách cổ xưa, nghe nói có các cô gái choai xắn váy vào đạp nho trong các thùng gỗ, rồi ủ men, cất rượu. Rượu đóng chai, bán đấu giá cho các đại gia. Nghe nói tiền thu về không thua kinh doanh khách sạn mà vẫn giữ được dấu tích văn hóa Paris xưa. Ta có hoa đào từ gốc cũ vườn xưa mà đấu giá trong hội hoa xuân bây giờ thì cũng nghĩa lí, cũng bồi hồi tâm trí lắm.
Ở Paris có dãy phố cổ, phố Những cái ao, những ngôi nhà phố giữ được vẻ ngoài cổ kính mà sinh hoạt của người dân ở đó vẫn có tiện nghi hiện đại là nhờ chủ trương của thành phố: Khi cần sửa, dân báo cho thành phố, thành phố sửa miễn phí toàn bộ, chỉ với điều kiện: giữ nguyên mặt ngoài còn nội thất chủ nhân được quyền thay đổi. Việc ấy, cố nhiên chỉ làm được trong một phạm vi hẹp, như một lưu giữ cho bảo tàng, không thể lấy lí do bảo tồn mà đình đốn sự vận động. Việc thay cũ đổi mới của thành phố là tất yếu. Nhưng người ta không chịu để dĩ vãng một cố đô biến đi vô tăm tích. Có nhiều cách lưu giữ. Lưu giữ hiện vật, lưu giữ hình ảnh, lưu giữ bằng phục chế thu nhỏ... Nhìn về phố cổ Hà Nội hay hẹp hơn những ngôi nhà cổ điển hình, có nên tham khảo cách xử lý ấy không? Chỗ buộc phải phá cũ để xây mới, người ta cũng tìm ra cách lưu kí ức: dựng lại những tấm ảnh xưa ngay tại chỗ có đổi thay, để mọi khách vãng lai có cơ hội đối chiếu tức thì, vừa ngắm bây giờ vừa so sánh với ảnh xưa. Ở Hà Nội ta, nếu có ảnh chùa Quan Thượng - vốn trên nền nhà Bưu điện bây giờ - được dựng vào nơi nhà nhiếp ảnh thuở đó đứng chụp thì người thời nay dễ nhập thân vào cảnh xưa mà hình dung đất cũ. Bên cạnh nhà Quốc hội hiện nay nên chăng có chùm ảnh về nhà Quốc hội cũ, gợi nhớ bao nhiêu dấu tích thời đấu tranh thống nhất và là một kỉ niệm cảm động của những tài năng kiến trúc thuở nước còn nghèo…