Tinh giản biên chế: Xử lý người đứng đầu nếu không đạt chỉ tiêu
Theo quy định trong bộ máy hành chính nhà nước phải tinh giản biên chế 10%. Vì thế các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt theo quy định này để tinh giản đồng bộ và đạt kết quả cao nhất. Trong vấn đề này có giao trách nhiệm cho người đứng đầu bộ, ngành, các địa phương để thực hiện nhiệm vụ. Bộ, ngành, địa phương nào giảm biên chế không đạt chỉ tiêu cần có sự kiểm điểm trách nhiệm.
Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Pháp luật của Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về việc tinh giản biên chế khi lương tối thiểu tiếp tục điều chỉnh tăng thêm, gây áp lực lên ngân sách nhà nước.
Năm 2019 tiếp tục điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy áp lực lên ngân sách ngày càng lớn. Do đó vấn đề tinh giản biên chế ngày càng được đề cao. Vậy trong bối cảnh đó có nên giao chỉ tiêu tinh giản cho các bộ, ngành, địa phương? Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần loại khỏi quy hoạch người đứng đầu bộ, ngành, địa phương không đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế.
Ông Phạm Văn Hòa.
PV: Từ tháng 7/2019 sẽ điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức , viên chức. Như vậy áp lực lên ngân sách ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh dành nguồn lực để đầu tư phát triển. Vậy theo ông chúng ta có nên giao chỉ tiêu tinh giản cho các bộ, ngành, địa phương?.
Ông Phạm Văn Hòa: Bắt đầu từ 1/1/2019 sẽ thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 đối với các vùng: I, II, và III. Còn từ 1/7/2019 áp dụng tăng lương cho tất cả cán bộ công chức viên chức. Đã nâng lương thì liên quan đến vấn đề ngân sách và tạo áp lực lên ngân sách không hề nhỏ. Cho nên các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo chỉ tiêu tinh giản biên chế theo quy định hiện nay. Theo quy định trong bộ máy hành chính nhà nước phải tinh giản biên chế 10%. Vì thế các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt theo quy định này để tinh giản đồng bộ và đạt kết quả cao nhất. Trong vấn đề này có giao trách nhiệm cho người đứng đầu bộ, ngành, các địa phương để thực hiện nhiệm vụ. Bộ, ngành, địa phương nào giảm biên chế không đạt chỉ tiêu cần có sự kiểm điểm trách nhiệm.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu hàng năm phải tinh giản biên chế, có nghĩa đã có chỉ đạo của Chính phủ là giao trách nhiệm cho người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế. Nơi nào không thực hiện được, hoặc chỉ tiêu thực hiện không đúng quy định phải kiểm điểm trách nhiệm để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Ông vừa đề cập đến tăng cường xử lý trách nhiệm người đứng đầu nhưng thời gian qua gần như rất ít người đứng đầu bị xử lý. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Quy định cũng đã có nhiều và cũng đã nói nhiều rồi, nhưng có lẽ từ nay trở về sau cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là Đảng đã quy định xử lý “không có vùng cấm”. Ngay Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mới được ban hành cũng quy định về vấn đề này, hay các văn bản hiện hành cũng đã có quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cho nên quan trọng là cách xử lý và xử lý như thế nào? Có xử lý đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật và xử lý không có vùng cấm hay không? Đây là vấn đề quan trọng, qua đó sẽ tạo được lòng tin cho nhân dân.
Nhưng thưa ông, thực tế khi xảy ra các sai phạm thì nhiều người đứng đầu thường cho rằng do cấp dưới hoặc do phân cấp và chỉ nhận trách nhiệm chung chung?
- Đúng là có vấn đề như vậy trên thực tế và trong công tác cán bộ cũng đã có phân cấp cụ thể, rõ ràng. Trung ương quản lý đến đâu? Địa phương từ cấp tỉnh cho tới cấp, huyện, xã quản lý đến đâu? Tuy nhiên, có trường hợp người ta cho rằng đã phân cấp rồi nhưng sự việc xảy ra đó là việc của anh, của chị, của em chứ không phải của tôi. Vì vậy phải xem lại việc phân cấp và phải kèm theo trách nhiệm của người được phân cấp và người tổ chức thực hiện cấp đó. Anh đã được phân cấp thì anh phải kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, giám sát. Nếu thiếu kiểm tra, đôn đốc giám sát thì anh phải có trách nhiệm liên đới.
Tại hội nghị Trung ương 9 vừa qua, chúng ta đã bỏ phiếu Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Vậy theo ông nếu người đứng đầu nơi nào mà tinh giản biên chế không đạt kế hoạch, chúng ta có thể xem xét loại ra ngoài quy hoạch của đại hội tới nếu họ đang nằm trong diện quy hoạch?
- Chúng ta đã có quy định về nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Chưa kể còn là sự nêu gương của người đứng đầu, cho nên trong tất cả các lĩnh vực được phân công nhiệm vụ, trong đó có vấn đề thực hiện tinh giản biên chế thì phải làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp trên giao. Vì vậy nếu bộ, ngành, địa phương nào mà không thực hiện, hoặc thực hiện nửa vời, chưa “đến nơi đến chốn” cần xem như là không hoàn thành nhiệm vụ. Đã không hoàn thành nhiệm vụ thì không đưa vào quy hoạch cán bộ chủ chốt của nhiệm kỳ tới. Như vậy mới thực hiện nghiêm minh. Và tôi nhấn mạnh rằng Hội nghị Trung ương 9 vừa qua đã hết sức minh bạch, cụ thể trong việc nêu gương, nhất là đối với người đứng đầu bộ, ngành, địa phương khi không thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình trên tất cả các lĩnh vực.
Trân trọng cảm ơn ông!