Nhà thiết kế Kim Ngọc: Trong đời có đạo
Sau thành công của 2 bộ sưu tập trước đó, nhà thiết kế Kim Ngọc lần này đặt tên cho bộ sưu tập trang phục phật tử của mình là Ban Mai với ý nguyện về một sự khởi đầu của năm mới tinh khôi và trang nhã.
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.
Lý giải nhân duyên thiết kế nguyên vẹn một bộ sưu tập phật tử dành cho mùa xuân Kỷ Hợi, nhà thiết kế Kim Ngọc (Thiện Phát Design) cho biết: “Thời khắc chuyển giao từ cũ sang mới, từ đông sang xuân, từ lạnh lẽo sang ấm áp, trong lòng người đều ước mong những điều tốt đẹp. Đưa ra những thiết kế trang phục phật tử vào dịp này là với mong muốn mọi người rộn ràng đi lễ đón Xuân vừa giữ được nét tôn nghiêm vừa tiện dụng lại vẫn thời trang”.
Vẫn dùng những gam màu chủ đạo như nâu, lam, vẫn là những thiết kế giản dị thể hiện sự tôn nghiêm nơi cửa chùa, Ban Mai lần này có thêm những ý tưởng độc đáo, gợi sự lưu luyến vấn vương về một lễ phục đi chùa ngày tết sao cho trang nhã, an lành.
Khác với các trang phục đi lễ được bày bán sẵn ở khắp nơi, thiết kế của Kim Ngọc chú trọng đầu tiên đến chất liệu cho bộ sưu tập mới lần này và tính ứng dụng của một dòng thời trang không phải chỉ để làm đẹp sàn diễn.
Đó là chất vải lụa mềm mại, rất ít nhăn, tạo sự thoải mái tối đa cho người mặc, thích hợp với tiết xuân của cả 2 miền Nam - Bắc. Những trang phục từ vải lụa tạo nên sự sang trọng, tinh tế, tôn thêm vẻ đẹp cho người đi lễ, toả ra cả vẻ đẹp lấp lánh từ trong lòng người đón xuân. Nhà thiết kế Kim Ngọc tâm sự rằng không phải ngẫu nhiên chị chọn một loại chất liệu mới, mà đó là cả một hành trình tìm tòi, nghiên cứu, đặt mình vào vị trí người mặc trang phục để thấu hiểu, sẻ chia.
Điểm nhấn duyên dáng của bộ sưu tập trang phục lễ chùa lần này là nét tinh tế mà nhà thiết kế đưa vào với những bông hoa điểm xuyết nơi ngực áo, những dải khăn buộc hờ hững trên vai…
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.
PV: Điều gì khiến một nhà thiết kế lại theo đuổi một dòng thời trang khác người, đi vào trang phục cho người đi lễ chùa?
NTK Kim Ngọc: Tôi là người có niềm tin tâm linh sâu sắc. Chính cuộc sống sinh hoạt đời thường khiến tôi trăn trở làm ra những bộ trang phục đi lễ vừa đẹp vừa phù hợp với việc đi lễ, hành lễ, vừa không lạc lõng với cuộc sống hiện đại. Vậy là phải bắt tay vào làm trang phục cho mình. May mắn tôi học mỹ thuật công nghiệp, có chút chuyên môn về thiết kế nên việc này không quá khó khăn với tôi. Khi tôi mặc trang phục do chính mình thiết kế thì thấy nhiều người quan tâm nhờ may giúp. Thế là bắt tay vào thiết kế. Có thể nói là nhân duyên khởi nghiệp cũng đơn giản thôi… Càng ngày, khi các bộ sưu tập nối tiếp nhau ra đời thì tự mình cũng thấy thoả lòng vì đã đem tâm sức và trí tuệ giúp ích cho cộng đồng xã hội.
- Bộ sưu tập Ban Mai lần này được chị kỳ vọng và gửi gắm những ý tưởng gì?
Tôi mong mỏi điều lớn nhất kể từ khi bắt tay sang con đường thiết kế này là văn hoá ăn mặc ở những nơi thờ tự được trang nghiêm hơn. Váy quá ngắn, áo thiếu vải thì có nên đến chùa không? Mỗi trang phục đều có một thứ ngôn ngữ riêng tự nó nói lên văn hoá của người mặc trong một môi trường nhất định. Tôi không chỉ đưa ra trang phục mà tôi muốn truyền cảm hứng cho tất cả mọi người ăn mặc trang nghiêm tại chốn tôn kính. Trang phục của chúng tôi kén chất liệu, chỉn chu từng đường kim mũi chỉ nên cũng không kỳ vọng ngay lập tức có được số lượng khách hàng lớn, mà chỉ mong muốn truyền cảm hứng về văn hoá mặc đúng mực cho tất cả mọi người đi lễ xuân này.
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.
- Là một nhà thiết kế hướng tới văn hoá dân tộc, chị suy nghĩ gì về vấn đề thực hành tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật hiện nay, sao cho vừa đảm bảo việc tôn trọng tín ngưỡng lại vừa không quá sa đà?
Tết đến xuân về luôn là khoảng thời gian mỗi người Việt thường lắng tâm hướng về tổ tiên ông bà cha mẹ, về cội nguồn tâm linh và cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Mặc một bộ trang phục nghiêm trang, đúng đạo đứng lễ trước ban thờ gia tiên hay đi lễ chùa cầu an vào ngày xuân sẽ khiến cho mọi người tự tin hơn, lắng lòng hơn, thành kính hơn trong giây phút nguyện cầu linh thiêng ấy. Tôi luôn tâm niệm trong đời có đạo và người đời phải hành đạo trong cuộc sống đường trần, nên ngay cả trong thiết kế trang phục tôi cũng hướng tới sự hội nhập vào đời sống đương đại.