Dệt may hái nhiều 'trái ngọt'

Minh Phương 06/01/2019 22:11

Năm 2018 là một năm thành công với đối với ngành dệt may Việt Nam. Điều này thể hiện ở con số 36,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 16,01% so với năm 2017. Theo giới chuyên gia, trong năm 2019, dệt may có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng vì đây là năm nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi.

Dệt may hái nhiều 'trái ngọt'

Ngành dệt may dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong năm nay.

Xuất khẩu bứt phá

Nhận định về kết quả đạt được năm 2018, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nhấn mạnh: 36,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng hơn 16% so với năm 2017, đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành dệt may kể từ năm 2015 trở lại đây. Đáng lưu ý, năm 2018 cũng đánh dấu mốc mới khi giá trị thặng dư ngành đã đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39%. Tỷ lệ giá trị tăng thêm theo đó đạt 49,4%. Nhìn chung về lĩnh vực may mặc toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam đã tăng trưởng khá ngoạn mục khi duy trì ở mức hai con số.

Với đà tăng trưởng này, lãnh đạo ngành dệt may bày tỏ kỳ vọng, năm 2019 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đặt mục tiêu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, bảo đảm việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.

Mục tiêu này được ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas, nhìn nhận rằng khá khả thi, khi mà ngay ở thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm 2019. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư đổ vào ngành dệt may trong nhiều năm trở lại đây cũng đã và đang dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may trong nước, từ đó tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn. Đây cũng là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập.

Theo giới chuyên gia kinh tế, năm 2019 là năm bắt đầu thực thi nhiều FTA, do đó sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành dệt may. Chính bởi vậy, đây được coi là cơ hội, song cũng mang đến nhiều thách thức đối với các DN ngành dệt may. Thách thức ở chỗ, nếu các DN trong ngành không đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ không thể “đọ” được với các sản phẩm đến từ các nước khác. Mặc dù vậy, chúng ta có nhiều cơ sở để khẳng định, ngành dệt may nước nhà đã và đang rất chủ động để cạnh tranh khi các FTA được thực thi.

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các DN trong tập đoàn đã chủ động đầu tư, nâng cao công nghệ sản xuất. Theo đó, một loạt dự án mà Vinatex đầu tư trong giai đoạn 2015, 2016 đến nay bắt đầu cho “trái ngọt”, lãi cao. “Có dự án, theo tính toán hết năm 2018 vẫn lỗ và phải sang năm 2019 mới có lãi những thực tế đã có lãi ngày từ 2018, do đó lợi nhuận của tập đoàn được đẩy lên cao” – ông Hiếu cho biết.

Chủ động đầu tư, liên kết

Cũng theo ông Hiếu, năm 2018, Vinatex không chủ định đầu tư mở rộng mà tập trung đầu tư theo chiều sâu, thay thế hoàn toàn các dây chuyền, máy móc cũ lạc hậu bằng thiết bị tiên tiến, với mục tiêu duy nhất là tăng năng suất, nâng sức cạnh tranh. “Điều này dễ nhận thấy ở ngành sợi và dệt vì đây là hai ngành có cơ hội để áp dụng tự động hóa, thiết bị tiên tiến. Còn ngành may khâu, nhiều đơn vị đã đầu tư khâu cắt vải tự động” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Đại diện Vitas cũng cho biết, các DN trong ngành dệt may cũng đang chủ động liên kết, bắt tay nhau để tận dụng hiệu quả nhất các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; phát triển công nghệ, quản trị tiên tiến, coi đây là biện pháp cốt lõi cho toàn ngành từ khâu đầu tới khâu cuối; xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất); liên kết chặt chẽ để giải quyết nguồn cung thiếu hụt; tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đưa sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cũng có đề xuất rằng, để các DN ngành dệt may có những điều kiện thuận lợi tăng sức cạnh tranh, tận dụng các cơ hội từ các FTA, nhà quản lý cần tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các DN dệt may trong việc xây dựng nhà xưởng, thuê mặt bằng làm sao để có chi phí thấp, từ đó có thể tăng sức cạnh tranh.

Minh Phương