Vui và buồn, mừng và lo
Các nhà triết học với tầm nhìn xa trông rộng, thấu suốt cuộc đời đến hàng thế kỷ, soi sáng đến mọi kiếp người, nên các ngài đã ban cho các “anh em sinh đôi” sau đây luôn đồng hành với con người.
Đó là các cặp song sinh triết học: Vui và buồn, mừng và lo, phúc và họa, khôn và dại, thắng và thua... Có người trách các nhà hiền triết rằng sao không chỉ ban cho con người các phần hay, phần tốt, phần đẹp của các cặp song sinh đó có phải đời sẽ vui hơn, đỡ vất vả hơn không. Song, đáng buồn thay, dù đã thắc mắc và đã đề đạt nguyện vọng như vậy biết bao nhiêu năm rồi nhưng chẳng thấy hồi âm. Vì vậy, mọi số phận, mọi cuộc đời cứ đành phải chấp nhận cả phần dương tính lẫn âm tính, vì như ai đó đã nói: “Phải có âm dương mới là trọn vẹn, mới là đầy đủ”.
Bài này xin bàn về “vui và buồn, mừng và lo”.
Theo Từ điển tiếng Việt, trang 1041, thì: “Vui là: có tâm trạng tích cực, thích thú của người đang gặp việc hợp nguyện vọng hoặc điều làm cho mình hài lòng. Thí dụ: Vui cảnh gia đình đoàn tụ. “Khi vui non nước cũng vui, khi buồn sáo thổi kèn đôi vẫn buồn” (ca dao). Trang 82 thì: “Buồn: là có tâm trạng tiêu cực, không thích thú của người đang gặp việc đau thương hoặc đang có điều không được như ý. Thí dụ: Mẹ buồn vì con hư. “Cảnh nào cảnh chẳng gieo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Trang 588 thì: “Mừng là: có tâm trạng rất thích thú vì được như mong muốn, như cầu mong. Thí dụ: Biết anh không việc gì tôi rất mừng. “Lòng riêng khấp khởi mừng thầm” (Nguyễn Du). Trang 511 thì: “Lo là: ở trong trạng thái phải bận tâm, không yên lòng vì việc gì đó do cho rằng có thể xẩy ra điều không hay. Thí dụ: Con ốm, mẹ lo cuống quýt. “Lo việc gì ấy mà lo, kiến bò miệng chậu có bò đi đâu?” (Nguyễn Du).
1. Vui, buồn, mừng, lo trong đời sống hàng ngày:
- Bố mẹ Lan đều là nông dân, vất vả nuôi con khôn lớn, nay được tin em vừa trúng tuyển vào trường Đại học Y Hà Nội. Cả xóm, cả họ ai cũng vui mừng và đến chúc mừng gia đình em. Bố mẹ Lan vui sướng vô cùng. Nhưng sau khi mọi người về hết, Lan khóc, bố mẹ Lan cũng khóc vì lo, vì buồn. Biết lấy đâu ra tiền cho Lan đi học 6 năm trời trên Hà Nội. Không biết có vay được tiền ngân hàng hỗ trợ sinh viên không? Có ai trong bè bạn, họ hàng xa gần giúp gì được không? Một không khí lo âu, bối rối tràn ngập gia đình Lan.
- Mận là một cô gái quê xinh đẹp, học hết trung học phổ thông đã lấy được người chồng ưng ý, vừa là bạn cũ cùng huyện, vừa là gia đình giầu có. Một năm sau Mận đã có một cô con gái xinh đẹp, ai cũng vui mừng cho cô. Một hôm cô về nhà bố mẹ đẻ khóc lóc, khổ sở kể lại bố chồng cô bị bắt vì tội tham ô của công, nhà cửa trên huyện đã bị tịch thu. Chồng cô bỏ đi bê tha cờ bạc, rượu chè. Cô đành đưa con nhỏ về ăn bám bố mẹ ở quê. Tính ra niềm vui của Mận sau khi rời ghế nhà trường đến nay chưa được 2 năm, mà nay lại phải bắt đầu lại từ một số âm. Bạn bè cô có đứa đang học Đại học, có đứa đã đi làm, nhưng chưa đứa nào dại dột lấy chồng sớm để phải gặt hái nỗi buồn cuộc đời sớm như cô. Ru con ngủ yên, Mận lại giở cuốn album ảnh ngày cưới, ngày con đầy tháng, nhiều hoa, nhiều bộ mặt tươi cười ngày nào ở nhà chồng cô. Chợt có tiếng người gọi đi tát nước cho sào ruộng đang cạn khô, Mận vội vàng xếp lại những hình ảnh hạnh phúc trong quá khứ gần mà xa vời vợi!
- Kỹ sư An tốt nghiệp Đại học loại giỏi, lại mau mồm mau miệng nên mới về cơ quan được 3 năm đã được đề bạt phó phòng Hành chính Tổng hợp. Cuộc đời An có lẽ cứ thế trôi chảy thăng tiến nếu như không có chuyện cô con gái của ông giám đốc để ý đến anh. Cô ấy tên là Diễm Thúy, xinh đẹp, đã tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng thi trượt Đại học 2 năm liền, bây giờ chỉ ở nhà nội trợ giúp mẹ. Khi An đến chơi nhà ông giám đốc, hỏi han kỹ lưỡng mới biết Diễm Thúy có vấn đề về bệnh tâm thần. Tâm trạng An thật sự rối bời sau khi bà vợ ông giám đốc mặc cả thẳng thừng về cuộc hôn nhân: Nếu anh chấp nhận lấy con gái ông giám đốc, sẽ có nhà cao cửa rộng, sẽ được đề bạt lên cao hơn nữa. Nếu anh không chấp nhận cuộc hôn nhân theo kiểu con buôn này, cái gì sẽ đến với anh, anh tự biết.
Thời gian này An như người mất hồn, xuất thân từ một gia đình nghèo ở ngoại thành, nếu chấp nhận lấy Diễm Thúy, An có cơ hội đổi đời. Còn hạnh phúc riêng với người vợ tâm thần thì sẽ ra sao? Nếu không chấp nhận lấy con gái ông giám đốc, liệu anh còn tồn tại nổi ở cơ quan này nữa không? An thở dài ngẫm nghĩ: Trời ơi, sao cuộc đời tôi trở nên trớ trêu như thế này!
2. Văn chương chữ nghĩa nói gì?
Bàn về vui, buồn, mừng và lo, sách vở nói rất nhiều. Lý luận nào cũng có cái đáng học hỏi. Nhiều danh ngôn (Famous saying), nhiều ca dao, tục ngữ đã đề cập đến vấn đề này.
Theo các triết gia hàng đầu, sống ở trên đời có nhiều khó khăn, bất trắc có thể xẩy ra bất kỳ lúc nào, bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, vì vậy điều số một nên nghĩ đến là phải biết lo xa.
Khổng Tử với nhận định sau đây từ hàng nghìn năm trước đã được chứng minh là cực kỳ đúng đắn và trải qua nhiều giai đoạn phát triển của xã hội loài người lại càng được công nhận là chính xác, là chuẩn mực. Nhận định đó là: “Người nào chẳng biết lo xa, thì cái buồn gần chắc chắn sẽ xẩy đến” (Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu). Nhìn theo nhiều nghĩa rộng, câu này còn có nhiều ý nghĩa tương đồng như: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “Phòng cháy hơn chữa cháy”. Nếu những năm trước ta đừng chặt rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ thì nay sao phải gặp cảnh lũ, lụt, sạt lở núi triền miên. Nếu những năm trước ta không vét hết cát dưới lòng sông để bán cho người xây nhà cửa vô tội vạ thì hôm nay đâu phải chịu cảnh sụt lở đổ nhà, đổ cửa, ruộng vườn hoa màu tan hoang. Liên hệ trên con người, những ai lúc trẻ đã ăn chơi trác táng, nghiện ngập rượu chè, thuốc lá, ma túy... thì thường bị chết yểu từ lúc 40 – 50 tuổi khi trong túi của họ có thể có hàng trăm tỷ, biệt thự triệu đô có mấy cái. Thử hỏi cái giá phải trả cho bài học không biết lo xa khủng khiếp biết nhường nào. Vẫn bài học về việc lo cần đi trước mừng, triết gia G. Herbert (1593 – 1633) đã chỉ rõ: “Con chuột chỉ có một cái hang là con chuột dễ bị bắt nhất” (The mouse that had but one hole is quickly taken).
Nhà triết học Charles Buxton (1823 – 1871) nói một cách tổng quát mang tính quy luật về những sự lo toan, những tính toán, những dự kiến càng cẩn thận bao nhiêu, càng dễ giành thắng lợi bấy nhiêu khi ông viết: “Sống ở đời cũng như ta chơi một ván cờ, ai biết tính toán kỹ lưỡng từ trước sẽ giành chiến thắng” (In life, as in chess, forethought wins).
Thế còn niềm vui, nỗi mừng, sự khoái lạc được nói đến trong văn chương chữ nghĩa như thế nào, dưới con mắt của các triết gia ra sao, chiếm bao nhiêu phần trăm trong cuộc sống nhân sinh? Xin cứ từ từ theo dõi, thong thả chiêm nghiệm, bình tâm mà thưởng thức.
Tác giả cổ đại Hafiz Mahomed (1300 – 1388) đã có con mắt nhận xét tinh tường khi ông viết: “Không có sự vui mừng, khoái lạc nào mà không có dấu vết của sự cay đắng” (There is no pleasure without a tincture of bitterness). Chao ôi, sao từ 700 năm về trước đã có một nhận xét tài tình đến thế, đã có một tiên đoán tuyệt vời đúng đắn đến thế cho đến tận hôm nay và mãi mãi về sau. Bảy thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại lịch sử nhân loại, càng kỹ, càng sâu, càng chi tiết mới thấy cái khả năng dự báo quá giỏi của Hafiz Mahomed.
Triết gia Edward Young (1683 – 1765) còn cảnh báo cụ thể hơn cho những con người thích phè phỡn, khoái lạc: “Một con người ăn chơi trụy lạc là một con người chuốc lấy khổ não” (A man of pleasures is a man of pains). Hàng ngàn, vạn con người chết thê thảm trong bia rượu, xì ke, ma túy, bóng cười, thuốc lắc đã chứng minh cho nhận định của Young tuy đã 300 năm nhưng không hề cũ, không hề thay đổi, mãi mãi mang tính cập nhật, mãi mãi mang tính thời sự nóng hổi. Cũng theo ý này, tác giả Marlow cũng có nhận định làm rõ thêm: “Kẻ nào thích khoái lạc ắt phải vì khoái lạc mà ngã gục” (He that loves pleasure, must for pleasure fall).
Như vậy, con người chân chính, con người lương thiện chỉ tìm niềm vui, sự mừng chân chính trong lao động sáng tạo và luôn tránh xa những cám dỗ của khoái lạc tầm thường mà chứa chất đầy hiểm nguy tội lỗi.
Triết gia Walter Bagehot (1826 – 1877) đã giúp chúng ta, những người lao động bình thường, những người làm các công việc bình thường nhưng với bao khát vọng vươn lên để tự hoàn thiện mình, quyết tâm đạt được những ước mơ cháy bỏng, hiểu rằng: “Niềm vui, sự mừng lớn lao nhất trong cuộc đời mỗi con người là ta đã làm được những việc mà mọi người cho là ta không thể làm được” (The great pleasure in life is doing what people say you cannot do).
Xin chúc cho tất cả mọi người đạt được niềm vui như bậc thầy Walter Bagehot đã nghĩ hộ chúng ta từ cách đây gần 200 năm.