Nhà văn Văn Phác, một phác thảo gần
Nhà văn Văn Phác - người Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội đầu tiên - quê ở xã Lý Thường Kiệt -Yên Mỹ - Hưng Yên. Từng là du kích chống Pháp, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hưng Yên khi vừa tròn 19 tuổi. Thật đặc biệt, ông có mặt trong đội quân bảo vệ Lễ mít tinh khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Người thiết kế Lễ đài độc lập cũng là một người con quê Hưng Yên - kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh. Khi chúng tôi làm phim về người dựng Lễ đài độc lập có phỏng vấ
Vợ chồng thiếu tướng nhà văn Văn Phác thời trẻ.
Cái duyên Văn Phác đến với văn chương khá kỳ lạ. Từ năm 1952, đã có tờ Sinh hoạt Văn nghệ Quân đội ra đời ở khu kháng chiến Việt Bắc nhưng chỉ phát hành trong nội bộ quân đội với nhiệm vụ vận động, hướng dẫn phong trào văn nghệ quần chúng. Tới ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, Bộ Quốc phòng chuyển về Hà Nội, đặt các cơ quan làm việc trong thành cổ Hoàng Diệu. Cơ quan Tổng cục Chính trị bao gồm văn nghệ sĩ và báo chí được bố trí ở trong thành. Những ngày ấy, các lực lượng văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội rất đông. Phố nhà binh Lý Nam Đế có một ngôi nhà chỉ cần nhắc đến tên là người yêu văn chương cả nước nhiều thế hệ đều biết đến. Đó là ngôi nhà số 4 - một địa chỉ văn học lớn - nơi các thế hệ nhà văn từ tiền chiến, chống Pháp, chống Mỹ, thời Đổi mới đến hôm nay. Từ mái nhà số 4, các nhà văn vào chiến trường, chiến đấu, sáng tác văn học và hy sinh như Nguyễn Thi - nhân vật trở thành Anh hùng và nhà văn cũng trở thành Anh hùng cũng là điều thật đặc biệt. Từ mái nhà số 4, văn chương đồng hành cùng nhân dân và chiến sĩ cả nước đã trên nửa thế kỷ.
Văn nghệ Quân đội là tạp chí sáng tác văn học và bình luận văn học nghệ thuật, xuất bản từ năm 1957 với Ban biên tập đầu tiên là những tên tuổi như: Văn Phác, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh, Lưu Trùng Dương, Mai Văn Hiến, Đỗ Nhuận, Hà Mậu Nhai, Xuân Thiêm, Vũ Sắc, Minh Giang, Tạ Hữu Thiện… Đây không chỉ là nơi hội tụ của các thế hệ nhà văn quân đội mà còn là địa chỉ quen thuộc của các cây bút trong cả nước, là diễn đàn tin cậy của nhà văn Việt Nam.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tạp chí luôn có mặt ở các mặt trận. Ở đâu có bộ đội, ở đó có Văn nghệ Quân đội. Bộ đội đọc Văn nghệ Quân đội trên đường hành quân, bên cánh võng, trong căn hầm dã chiến hoặc giữa hai trận đánh. Nhiều cuốn do bom đạn đã xém lửa, đôi khi thấm máu được bộ đội chuyền tay nhau đọc. Có thể thấy, những trang văn trang thơ trên Văn nghệ Quân đội đã luôn đồng hành với nhân dân và chiến sĩ suốt chặng đường đánh giặc.
Ngôi nhà số 4 - mái ấm văn chương của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội luôn nhớ đến và biết ơn tới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội, sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên - là người quyết định phân ngôi nhà số 4 cho Văn nghệ Quân đội. Đại tướng luôn dành tình cảm đặc biệt cho các nhà văn quân đội. Nhiều khi, thủ trưởng lặng lẽ đến thăm các nhà văn, lắng nghe, san sẻ và truyền lửa cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Nối tiếp truyền thống tốt đẹp ấy, các thủ trưởng Tổng cục Chính trị các thời kỳ luôn sâu sát, động viên, khích lệ, coi tạp chí như một kênh thông tin văn học chuẩn mực và tin cậy.
Văn Phác là người chăm bẵm các thế hệ Văn nghệ Quân đội để có nhiều nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như: Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Xuân Thiều và hàng chục nhà văn khác được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng và các Giải văn học quốc tế (Bông Sen, Asean, Sông Mê Công). Những tên tuổi như: Thanh Tịnh, Vũ Cao, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Chí Trung, Dũng Hà, Mai Ngữ, Nhị Ca, Thu Bồn, Triệu Bôn, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Thị Như Trang, Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Hồng Diệu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Trường, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh đều trưởng thành từ đây. Thế hệ lãnh đạo đầu tiên của tạp chí phải kể đến Văn Phác. Thiếu tướng nhà văn Văn Phác sau đó đảm đương cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tiếp đó ông làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Ở Văn Phác thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và tầm nhìn văn hóa sâu rộng, những nền tảng, cốt cách chính yếu hình thành Văn nghệ Quân đội. Ông làm Chủ nhiệm từ 1957 đến 1963.
Văn Phác kể lại, số đầu tạp chí Văn nghệ quân đội ra đời tháng giêng năm 1957 và mấy số sau nữa vẫn chỉ phát hành trong quân đội để nghe ngóng dư luận. Mãi tới số 5, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ lần thứ tư, tạp chí mới chính thức phát hành rộng rãi ra cả nước. Toàn thể tòa soạn hồi hộp theo dõi tình hình. Phương Đình Lợi, một cán bộ trị sự, rất có công, rất nhiệt tình xông xáo trong công tác cổ động cho tạp chí. Rất mừng là đã nhận được sự cổ vũ mạnh ngay từ đầu. Nhiều bạn đọc cả trong và ngoài quân đội cho biết rất thích đọc các sáng tác trên tạp chí. Nhưng không phải đã có những bài hay ngay trong mấy số đầu mặc dầu chúng tôi đã cố gắng thực hiện ý định đó ngày từ đầu. Phải tới số 4, tạp chí mới có bài đánh động được dư luận. Đó là truyện ngắn “Đẹp” của Xuân Cang, một bạn viết công tác ở ngành quân giới. Ngay lập tức truyện ngắn này gây dư luận khen chê rất khác nhau tạo sự tranh luận sôi nổi. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gọi điện chỉ đạo cần phải có những truyện có vấn đề vừa phải có tư tưởng và nghệ thuật hấp dẫn mới có ích cho đời sống bộ đội.
Cuối năm 1964, theo yêu cầu nhiệm vụ, Văn Phác vào chiến trường bằng đường biển đi trên tàu không số lênh đênh hàng tháng trời cùng với vũ khí đạn dược vào miền Nam. Ông có bí danh là Tám Trần, được giao nhiệm vụ là Chánh văn phòng Quân ủy miền, Bí thư riêng cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tiếp đó kiêm chức Chủ nhiệm Cục chính trị Quân Giải phóng. Những bút ký đặc sắc của ông gửi ra từ chiến trường nóng bỏng đã cho thấy một bút lực thâm hậu của Văn Phác. Còn nhớ trong chống Pháp, Văn Phác từng có cuốn Trong khói lửa do nhà văn Nguyễn Công Hoan viết lời tựa. 60 năm cầm bút và cầm súng ông đã in: Từ mùa Thu ấy, Một mùa Xuân rực rỡ, Còn mãi với thời gian... tạo thương hiệu riêng.
Trong một tâm sự của mình, Văn Phác nói về ngôi nhà số 4, nơi ông từng gắn bó từ những ngày đầu: “Đối với tôi, ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế là một phần quan trọng trong đời sống và công tác của tôi. Quên làm sao được cái không khí trẻ trung, lành mạnh và ấm cúng của tòa soạn thời đó. Ngày thì ai làm việc ấy, tối đến tôi và anh em lại kéo nhau đi học chương trình đại học văn, sử tại chức ở trường Đại học Tổng hợp. Tối nào không học lại chúi đầu vào sáng tác cá nhân, và chuẩn bị bài vở tạp chí. Sau đó, người thì chơi đàn, người thi đấu cờ, đấu bóng bàn mãi tới khuya, không có kèn cựa, đố kỵ cá nhân. Tuy nhiên vẫn có những cuộc đấu tranh nội bộ nẩy lửa về quan điểm tư tưởng, về trách nhiệm đạo đức của người cầm bút. Chính vì thế mà tạp chí Văn nghệ quân đội ngày càng đứng vững và phát triển được bạn đọc, bạn viết cả trong và ngoài quân đội yêu mến, tin cậy. Nhớ lại những năm tháng đẹp tuyệt vời ấy tôi hoàn toàn tin tưởng tờ tạp chí Văn nghệ quân đội thân thiết của chúng tôi luôn luôn là tiếng nói lành mạnh, có sức cuốn hút mạnh mẽ, luôn luôn là những sáng tác có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật được bạn đọc ưa thích và cố gắng vẫn là cái lò sản sinh ra những cây bút mới, những văn nghệ sĩ có tài cho quân đội và đất nước”.
Văn Phác đi qua nhiều cuộc chiến tranh. Lịch sử Việt Nam là lịch sử các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, cuộc nào cũng vô cùng khốc liệt. Với nhà văn, sống ở thời bình đã khó, đương nhiên bước qua nhiều cuộc chiến tranh như thế đã là đi hết bao nhiêu cung bậc, thật không thể gọi ra hết được. Giống như sự mất mát hi sinh của nhân dân làm sao có thể gọi hết ra. Nhân dân đã trải qua bao nhiêu cơ cực, lầm than, mất mát đau thương với hàng triệu tính mạng bị tước đoạt, đi từ người nô lệ đến ngày thống nhất đất nước, đến cuộc sống hôm nay. Hẳn trong những biển dầu vạc lửa đó, một trái tim như Văn Phác chắc chắn là rất đồng cảm, đớn đau. Ông đã đi cùng nhân dân để gạn lọc và nâng niu những hạt vàng cho đời sống văn học nghệ thuật.
Tôi đọc các tác phẩm của ông và bỗng bâng khuâng. Một thế hệ những người như ông thanh thản ra đi vào chốn vô cùng khi đã đi trọn vẹn cuộc đời mình, những cống hiến, lựa chọn bằng trí óc, bằng máu và bằng mạng sống đã cho tôi, thế hệ chúng tôi sự bâng khuâng chăng? Hãy như ông, thế hệ ông, hãy lập tức làm gì cho đời sống hôm nay mới là điều căn bản. Suy nghĩ vốn dễ dàng mà hành động sao khó khăn quá đỗi. Mới thấy được sự bản lĩnh của Văn Phác khi một mực cầm súng, cầm bút từ năm mười tám tuổi. Từ toàn bộ cuộc đời cống hiến của Văn Phác, thế hệ chúng tôi đã nhận ra sâu sắc một điều rằng, đối với người nghệ sĩ - chiến sĩ, ở mọi thời điểm đều phải hướng trái tim và ngọn bút về phía nhân dân. Chính nhân dân luôn thảo thơm, tình nghĩa mới là lẽ sống của người chiến sĩ.