Thông tin về việc nhiều trẻ sốt cao sau khi tiêm vắcxin ComBE Five
Trước thông tin nhiều trẻ phản ứng sau khi tiêm vắcxin ComBE Five, chiều 7/1, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tính đến 6/1/2019 việc tiêm vắcxin ComBE Five đã triển khai tại 19 tỉnh, thành với 101.862 trẻ được tiêm.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc được ghi nhận là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Trước thông tin có tỉnh xin tạm dừng tiêm vắcxin ComBE Five, các chuyên gia khẳng định, không có việc sẽ dừng tiêm vắcxin ComBE Five. Theo nhận định của các chuyên gia, sơ bộ tỉ lệ phản ứng sau tiêm thường gặp của vắcxin ComBE Five nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới.
Vắcxin ComBE Five có thành phần tương tự như vắcxin Quinvaxem. Theo tài liệu của WHO, tỉ lệ phản ứng thông thường đối với các vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào như: Sốt từ 38-39 độ C chiếm tới 44,5%, phản ứng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên 1 triệu liều vắcxin sử dụng), các phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
Trước đó, thống kê từ Sở Y tế tỉnh Bình Định cho thấy, trong 3 ngày 25, 26, 27/12, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tiếp nhận và điều trị cho hơn 30 bệnh nhi sốt cao sau tiêm vắcxin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất. Đồng thời, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tính đến đầu tháng 1/2019, Hà Nội đã có 11 quận, huyện triển khai tiêm vắcxin ComBE Five cho 3.466 trẻ. Hà Nội cũng ghi nhận đã có 11 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, chủ yếu tại huyện Ứng Hòa với 8 trường hợp trẻ sốt cao, tuy nhiên không có trẻ nào có phản ứng phản vệ.