Ngành công nghiệp hỗ trợ: Bao giờ hết ì ạch?
Mặc dù nhà quản lý đã có nhiều động thái với mục đích thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), song thực tế, các doanh nghiệp (DN) ngành này vẫn đang rất ì ạch. Giới chuyên gia cho rằng, muốn đổi thay thực trạng này, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, cần sự nỗ lực lớn cả từ phía Nhà nước lẫn cộng đồng DN.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện nhưng chỉ có khoảng hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù đây là nền tảng để công nghiệp hóa, các năm qua số lượng các DN thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều.
Giới chuyên gia đánh giá, dù trình độ sản xuất và công nghệ của DN đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các DN CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trong tương lai không xa, ngành CNHT của Việt Nam sẽ có những bước ngoặt mới. Đó là các DN ngày càng có nhiều thời cơ để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu kéo dài, Việt Nam có cơ hội trở thành cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực cũng đã tạo ra cơ hội thị trường rộng lớn cho các ngành công nghiệp và CNHT, đặc biệt là cho các ngành điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may và da giày...
Mặc dù không ít cơ hội, nhưng theo các chuyên gia, để không bỏ lỡ hàng loạt những cơ hội nói trên, ngành CNHT cần từng bước khắc phục các hạn chế đã và đang tồn tại lâu nay. Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh năng lực của các DN trong nước còn hạn chế, chưa đủ sức để vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài; để phát triển CNHT, điều kiện tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các DN CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.