Tuyển sinh ĐH 2019: Người học chủ động hơn trong chọn ngành, chọn trường
Theo chủ trương của Bộ GDĐT, năm nay các trường ĐH-CĐ chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh, đảm bảo nguyên tắc tự chủ. Ở thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2019 nhằm giúp cho người học chủ động chọn ngành, chọn trường.
Ưu tiên trình độ ngoại ngữ
Năm 2019, kỳ thi THPT quốc gia có 4 điều chỉnh lớn đã sớm được Bộ GDĐT công bố. Những đổi mới này đã giúp cho công tác tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ giảm phụ thuộc vào điểm thi THPT quốc gia. Như vậy, kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào ĐH. Các trường đều sử dụng đa dạng các phương án tuyển sinh riêng để gia tăng nguồn tuyển đạt chất lượng.
Đơn cử như ngay những ngày đầu tháng 1/2019, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) đã công bố phương án tuyển sinh năm 2019. Theo đó, tổng chỉ tiêu vào các trường, khoa thành viên của ĐHQG HN năm 2019 là 9.000 chỉ tiêu. Đối tượng tuyển sinh bao gồm: Thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge (Anh) có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range lớn hơn hoặc bằng 60); Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi); Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn). ĐHQG HN cũng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GDĐT và của ĐHQG HN.
Cùng với đó, phương thức xét tuyển 2019 của trường ĐH Ngoại thương cũng có thêm hình thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập 3 năm THPT; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; Xét tuyển thẳng. Cụ thể, ở phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT, trường dự kiến triển khai vào tháng 5/2019 - ngay khi chương trình học THPT kết thúc. Thí sinh đăng ký nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia các phương thức xét tuyển còn lại. Phương thức này áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, thuộc ngành ngôn ngữ, chuyên ngành ngôn ngữ thương mại. Chỉ học sinh các lớp chuyên của trường chuyên, có điểm trung bình học tập chung 3 năm THPT từ 8 trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt yêu cầu trường đề ra và một số tiêu chuẩn điểm học tập, hạnh kiểm... mới đủ điều kiện xét tuyển. Còn lại, phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 về cơ bản không thay đổi so với phương thức xét tuyển của năm 2018. Năm 2019, nhà trường dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển D01 cho ngành ngôn ngữ Pháp, chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại. Dự kiến tổng chỉ tiêu cho hệ chính quy của trường ĐH Ngoại thương là 3.850, giữ ổn định so với năm 2018. Trong đó, tại cơ sở Hà Nội là 2.750, tại cơ sở TPHCM là 950 và tại cơ sở Quảng Ninh là 150.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết: Năm 2019, trường dự kiến phát triển thêm các chương trình tiên tiến và chất lượng cao thuộc các ngành đào tạo theo chiến lược định vị sản phẩm đào tạo theo ba cấp: Chương trình tiêu chuẩn, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến.
Mở thêm ngành đào tạo bằng tiếng Anh
Mới đây nhất, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã chính thức công bố phương án tuyển sinh 2019. Theo đó năm 2019, tổng chỉ tiêu dự kiến của trường là 5.650 chỉ tiêu, tăng 2,7% so với năm 2018. Ngoài 37 mã ngành tuyển sinh như năm 2018, trường dự kiến sẽ mở thêm 7 ngành mới (học bằng tiếng Anh) được xây dựng theo hướng liên thông quốc tế, tích hợp liên ngành và phù hợp với thời đại công nghệ số.
Cụ thể, các ngành mới mở là: Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế, Kinh doanh - quản trị khách sạn quốc tế, Phân tích kinh doanh, Kinh doanh số, Quản trị chất lượng, cùng 2 chương trình đào tạo đặc thù là Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Quản trị điều hành thông minh.
Trong những ngành mới này, ngành Kinh doanh số là ngành học mà trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ là trường tiên phong đào tạo tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực kinh tế số trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo cử nhân Kinh doanh số. Sinh viên sẽ được cấp bằng chính quy, với mục tiêu đào tạo ra những cử nhân quản trị kinh doanh, có khả năng ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin và công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả công việc trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2019, 9 tổ hợp xét tuyển sẽ được trường ĐH Kinh tế Quốc dân duy trì ổn định như năm 2018 gồm : A00, A01, D01, D07, D09, D10, B00, C03 và C04.
Một cơ sở đào tạo khác cũng mở ngành đào tạo bằng tiếng Anh là trường ĐH Hà Nội. Cụ thể, trường sẽ mở thêm hai ngành mới và bổ sung ba chương trình đào tạo chất lượng cao, trong đó, hai ngành mới mở của trường là Truyền thông đa phương tiện và Marketing sẽ đều dạy bằng tiếng Anh. Còn ba chương trình chất lượng cao dành cho các ngành ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Hàn Quốc, ngôn ngữ Ý.
Năm 2019, trường ĐH Hà Nội quyết định sẽ tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo phương án tuyển sinh 2019 của ĐH Hà Nội, các ngành đào tạo ĐH chính quy đều có môn ngoại ngữ nhân hệ số 2. Vì vậy, thí sinh xét tuyển vào trường nếu đạt điểm cao môn ngoại ngữ sẽ có lợi thế.
Ở phía Nam, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng thông tin: Sẽ có thêm ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Quản lý hạ tầng kỹ thuật xây dựng, Vật liệu Dệt may, Kinh doanh Quốc tế, trong đó, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo sẽ chỉ tuyển 20 chỉ tiêu, thí sinh đạt 24 điểm trở lên và ưu tiên học sinh trường chuyên. Sinh viên theo học sẽ được miễn giảm hoàn toàn học phí, đào tạo bằng tiếng Anh do giáo viên Việt Nam và quốc tế giảng dạy…
Nhìn vào phương án tuyển sinh và phương án mở ngành mới năm 2019 mà các trường vừa công bố, có thể thấy rõ các cơ sở đào tạo ĐH đã chú trọng hơn chất lượng đầu vào; chủ động trong chương trình đào tạo hướng theo yêu cầu và xu thế của thị trường, của xã hội, nhất là những ngành nghề mới có tính tự động hóa cao.
* Mùa tuyển sinh 2019, còn có một chương trình tư vấn hướng nghiệp do Bộ GDĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với các cơ quan quản lý đào tạo và tuyển sinh Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, các trường ĐH, CĐ, tỉnh thành đoàn các địa phương… tổ chức. Hoạt động này đã bắt đầu từ đầu tháng 1, kéo dài đến tháng 7/2019. Theo ban tổ chức, chương trình sẽ có 2 giai đoạn (trước và sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2019), gồm các hoạt động: tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp và tư vấn xét tuyển. Dự kiến có 15 chương trình tư vấn ở các tỉnh, thành trên khắp cả nước và 5 ngày hội lớn ở TP. HCM, Hà Nội, Cần Thơ.
* Để có thông tin toàn cảnh về chỉ tiêu tuyển sinh, thí sinh đón đọc Cẩm nang Tuyển sinh ĐH-CĐ 2019 (dự kiến phát hành cuối tháng 1/2019). Cuốn sách sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết những thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ năm 2019. Cẩm nang Tuyển sinh ĐH-CĐ 2019 vừa giúp các trường chuyển tải thông tin đầy đủ, hiệu quả đến thí sinh, vừa góp phần tư vấn hướng nghiệp, định hướng tương lai cho người học.