NSƯT Công Lý: Tôi cảm thấy 'sợ' khi nghĩ về Táo Quân
Trong buổi gặp gỡ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết mới đây, nghệ sĩ Công Lý đã có những chia sẽ rất thẳng thắn khi anh thừa nhận rằng cảm thấy rất “sợ” mỗi khi chương trình Táo Quân bắt đầu.
NSƯT Công Lý.
PV:Anh đã bao giờ cảm thấy nhàm chán khi qua các năm, vai Bắc Đẩu vẫn không có quá nhiều sự thay đổi, đôi khi khiến cho khán giả cảm thấy nhàm chán?
NSƯT Công Lý: Mỗi năm, tôi đều nhận được khá nhiều câu hỏi như thế này. Tôi chỉ nghĩ rằng, tại sao khi nhắc đến Táo Quân người ta lại thường nhắc rất nhiều đến Bắc Đẩu. Với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy nhân vật đó không bình thường nên mới gây được sự chú ý của người xem. Chính sự quan tâm của khán giả với vai diễn này đã làm cho tất cả các thành viên trong ê-kíp thực hiện Táo Quân, từ biên kịch đến đạo diễn rồi nhà thiết kế đều chăm chút cho vai diễn này nhiều hơn.
Nhưng đúng là mười mấy năm nay, nhân vật này xuất hiện chỉ với một màu sắc như thế và khi nhắc đến nhân vật này khán giả cũng mặc định là sẽ như thế. Cho nên, bây giờ muốn làm khác đi cũng sẽ rất khó và cũng không nhất thiết phải làm khác đi làm gì. Bởi vì chúng tôi nghĩ ra hình thức thể hiện nhân vật Bắc Đẩu với hình hài và tính cách như vậy là để chuyển tải thông tin dễ hơn - lạ hơn những nhân vật khác. Cùng đều là đả kích hoặc đề cập một vấn đề nào đó nhưng khi thông qua lời nói của Bắc Đẩu thì nó sẽ trở nên chát chúa, nanh nọc và đanh đá. Và đó chính là cái làm người ta cảm thấy thấm thía, cảm thấy “đã”… bởi giải tỏa được cơn bức xúc trong lòng họ. Nhờ cách xây dựng nhân vật Bắc Đẩu như thế mà mang lại những hiệu quả nhất định, góp thêm một màu sắc khá lạ vào Táo Quân.
Hành trình Táo Quân 15 năm đã qua. Nếu năm nay được phép sáng tạo và làm mới nhân vật Bắc Đẩu, anh có muốn làm khác đi không?
Tôi nghĩ điều đó không cần thiết. Cách đây khoảng 5 - 6 năm chúng tôi cũng đã nghĩ tới hướng làm khác đi nhưng nhận thấy không hiệu quả bằng cứ để nhân vật đó như thế. Đó chính là năm Nam Tào - Bắc Đẩu đổi vai cho nhau. Thực ra, đó chỉ là trò vui trên sân khấu thôi chứ không phải cách để chuyển tải nội dung. Muốn thay đổi gì thì thay đổi nhưng vẫn phải dựa trên cốt lõi là kịch bản. Để vào vai Bắc Đẩu tôi phải “tấp” lên người hàng mớ quần áo, hàng mớ phụ kiện và trát cả “mớ” son phấn. Tôi cảm thấy mệt mỏi bởi mất hàng tháng trời tập đêm tập hôm nhưng cuối cùng chỉ để diễn có 4 tiếng đồng hồ trên sân khấu.
Mà để có được hình ảnh rõ nét về Bắc Đầu trong 4 tiếng đó, không chỉ có thoại, có diễn xuất mà còn phải trải qua một công đoạn hóa trang cực kỳ phức tạp. Điều khó nhất với Bắc Đẩu chính là phải giữ được cái giọng đặc trưng. Đáng ra tập đêm tập hôm thì hôm sau phải được nghỉ ngơi để giữ giọng mà cứ nheo nhéo như thế thì sẽ cực kỳ mệt đối với một nghệ sĩ biểu diễn. Tôi cảm thấy mệt mỏi vì sức khỏe chứ không mệt mỏi vì nhân vật.
Hôm trước nghệ sĩ Xuân Bắc có chia sẻ là các táo đã đeo kính hết cả rồi. Chắc là trong suốt 15 năm vừa qua khi chương trình diễn ra anh đã có rất nhiều cảm xúc đúng không ạ?
Thực ra tôi vẫn hay đùa là cảm xúc lớn nhất của tôi mỗi dịp tập Táo Quân đó là cảm xúc sợ vì nó quá mệt mỏi. Cuối năm ai cũng bộn bề công việc, ban ngày chạy ngược chạy xuôi, rồi lo việc cơ quan, việc nọ việc kia, chỉ có đêm là mới có thời gian ngồi cùng nhau để tập nên nó mệt mỏi một cách kinh khủng. Thêm vào đó áp lực về mặt tâm lý, bởi sự chờ đón và yêu thích của khán giả. Năm nay được mọi người khen hay thì sẽ suy nghĩ là năm sau sẽ làm gì, làm thế nào để nó hơn năm cũ hoặc ít nhất thì cũng phải bằng năm cũ.
Nghệ sĩ Xuân Bắc cũng có chia sẻ một số bức ảnh kèm theo status là “đừng tập đêm nữa nhé!”. Không biết có phải là do các nghệ sĩ của chúng ta chạy show nhiều quá nên phải tập đêm không? Hay là do có người đến muộn nên khiến cho cả đoàn phải tập đêm?
Không chỉ riêng trong chương trình Táo Quân, mà trong các dự án phim, hay chương trình khác thì người phải để mọi người chờ lâu nhất lại chính là Xuân Bắc. Điều này không chỉ tôi mà còn có người bạn đồng nghiệp, bạn lâu năm của Xuân Bắc là nghệ sĩ Tự Long đã nói, rất lâu rồi, chứ không phải bây giờ mới nói (cười).
Vậy khi mà anh bỏ ra nhiều công sức như thế nhưng kết thúc lại phải đối diện với nhiều lời khen chê thì anh cảm thấy như thế nào?
Một chương trình thì đương nhiên là phải có người khen và người chê, điều đó chúng tôi đã quen rồi, những ý kiến trái chiều là điều bình thường bởi nó là một sản phẩm mang ra ngoài để công chúng xem. Nhưng thật ra tôi lại rất thích lắng nghe những ý kiến trái chiều để xem là nó không hay ở chỗ nào? không đúng ở đâu? Còn thiếu sót ở chỗ nào để mình còn khắc phục.
Mới đây, nghệ sĩ Quang Thắng có chia sẻ là tập Táo Quân bạc hết cả đầu. Không biết là với nghệ sĩ Công Lý thì tập Táo Quân có áp lực gì không?
Anh Thắng thì bạc làm sao được, bởi vì anh ý hói rồi, anh ý chả còn chỗ nào để mà bạc nữa cả, (cười). Còn với tôi áp lực lớn nhất như tôi đã nói ở trên đó là sự yêu thích và tình cảm của khán giả dành cho chương trình khiến cho tôi mỗi năm đều phải cố gắng nhiều hơn nữa để không khiến khán giả thất vọng. Ngoài ra thì còn là về sức khỏe và thời gian của tôi nữa. 15 năm đã qua rồi, chúng tôi cũng không còn trẻ, sức khỏe cũng không còn được như trước nữa. Thời gian dành cho việc tập cũng không còn nhiều, khiến cho mọi việc càng trở nên áp lực.
Năm nay là năm thứ 16 gắn bó với nhau, chắc hẳn anh có rất nhiều kỉ niệm cùng với ekip của Táo Quân đúng không? Vậy kỉ niệm nào khiến anh ghi nhớ nhất?
Với cả một tập thể tham gia vào chương trình Táo Quân thì chúng tôi không có gì gọi là ấn tượng. Cứ mỗi dịp cuối năm làm Táo, thì cái trân trọng nhất chính là sự thương yêu nhau, biết nhau mệt mỏi, ông này thích ăn gì bà kia thích ăn gì góp vào với nhau mang đến, rồi những lúc mệt mỏi, nghỉ giải lao là cùng nhau ngồi lại. 16 năm đi cùng nhau, hiểu nhau đến từng bữa ăn, giấc ngủ, đó là điều mà tôi ghi nhớ.
Trong suốt chương trình Táo Quân, có thể nói anh và nghệ sĩ Xuân Bắc là những người có vai diễn dài hơi nhất. Vậy thì theo anh, ai là người mà anh cảm thấy là tương tác, và làm việc với mình tốt nhất ?
Phải nói là các nghệ sĩ không phải ở riêng Táo Quân mà còn các chương trình khác, các bộ phim khác chúng tôi đã làm việc với nhau rồi, nhưng chương trình Táo Quân nó là 1 chương trình khác, các vai diễn mang phong cách không giống với bất cứ một chương trình nào cả. Chúng tôi đã gắn bó với nhau từng ấy năm cho nên, để gọi là cái sự tương tác, tung hứng với nhau thì, với bất kể một diễn viên nào, một nghệ sĩ nào với chúng tôi cũng đều hiểu nhau lắm rồi nên không phải là ai hơn ai cả. Anh định nói cái gì, chưa cần nói tôi đã hiểu. Kể cả là đùa không có trong kịch bản, nhìn là tôi biết đùa cái gì. Đấy là điều mà bản thân tôi cảm thấy rất đáng quý, vì trong nghề diễn có những người diễn với nhau cả đời mà vẫn cứ bị không ăn dơ với nhau được.
Thế còn các bạn diễn viên trẻ như Trung Ruồi, Minh Tít, các bạn ấy khi diễn với các anh hình như đang gặp nhiều khó khăn trong việc tung hứng?
Đối với các bạn diễn viên trẻ, các bạn ấy đang tự gây áp lực cho mình, chứ với chúng tôi thì luôn cố gắng tạo điền kiện hết mực để giúp đỡ các bạn ấy. Các bạn sáng tạo ra cái gì, hay là các chú sẽ theo ngay, dù nó không có trong kịch bản. Còn riêng với cái lớp già như chúng tôi, chúng tôi luôn tạo điều kiện hết mức. Đang muốn nâng người ta lên còn chẳng được, sao lại đi dìm làm gì?
Năm ngoái, một nghệ sĩ có đưa ra ý kiến rằng Táo Quân nên dừng lại vì đã qua thời đỉnh cao. Cá nhân anh có đồng ý với quan điểm đó?
Táo Quân đối với riêng tôi gần như là một món nợ, một nhân duyên lớn. Tôi nghĩ rằng, chương trình này chỉ có thể dừng lại khi nào khán giả cảm thấy nhàm chán hoặc không còn được như kỳ vọng so với 10 năm trước. Lúc đó, ê-kíp buộc phải tìm một hướng đi khác, hình thức khác… để thể hiện. Ai dừng lại cứ việc dừng lại còn khán giả vẫn còn quan tâm và yêu mến thì chúng tôi không có lí do gì để dừng lại. Kể cả có tuổi rồi hoặc cách diễn bị cũ mà người xem vẫn còn muốn chúng tôi xuất hiện thì chúng tôi vẫn cố gắng không ngừng. Chúng tôi sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến của người xem để làm mới nhân vật, làm mới chương trình… chứ không vì một vài ý kiến mà sẽ “kết liễu” một chương trình đã trở thành đặc sản của đêm 30 Tết.
Xin cảm ơn anh!