[ẢNH] Đào Nhật Tân tấp nập 'xuất vườn'
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều hộ trồng đào ở Hà Nội đang nhộn nhịp các hoạt động chăm sóc và chuyển các chậu hoa đi tiêu thụ.
Những ngày gần Tết này, nhiều người trồng đào ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị công việc đánh chuyển đào vào các chậu cảnh do khách đến đặt cho vụ Tết. Theo họ, thời tiết mưa rét gần đây thuận lợi cho việc chăm sóc, đưa hoa đào nở đúng dịp để phục vụ thị trường.
Trao đổi với báo chí, anh Lê Đình Phong, chủ một vườn đào Nhật Tân chia sẻ: "Thời gian cận Tết, gia đình tôi rất bận rộn với công việc đánh chuyển đào để phục vụ nhu cầu chơi đào tết của khách hàng, việc đánh chuyển các cây đào to phải rất cẩn thận và cần nhiều nhân công. Năm nào tôi cũng phải thuê thêm người làm để chuyển các chậu cây đưa đi tiêu thụ".
Nghề trồng đào ở Nhật Tân vốn có tiếng lâu đời ở Hà Nội, tuy nhiên từng có thời gian mai một do đô thị hóa, quỹ đất trồng đào bị thu hẹp. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nghề trồng đào được khôi phục ở khu vực bãi giữa sông Hồng, với các vườn đào trồng nhiều loại như đào bích, đào trắng, đào phai, đào lai ghép, đào thất thốn, đào rừng cổ thụ...
Các chủ vườn đào cho biết, để cho hoa đào ra đẹp nhất, ngoài việc tuốt lá để hoa ra đúng dịp Tết còn phải chú ý tới việc tỉa bớt những bông hoa đã nở sớm, chóng tàn
Để giúp cây đào sau khi đánh chuyển vào chậu được tươi, người chăm sóc phải đánh chuyển cẩn thận, giữ nguyên bầu đất và chùm rễ
Trước khi đánh chuyển đào, người dân thường dùng dây nilon hoặc dây nhựa mềm để quấn tán và cành đào gọn lại, tránh việc gãy và rơi rụng hoa trong lúc di chuyển
Hiện ở vườn đào Nhật Tân có một cây đào trắng (bạch đào) 12 năm tuổi. Theo chủ vườn đào, quá trình trồng và chăm sóc đào trắng rất khó khăn, hơn nữa không phải năm nào cây cũng ra hoa đúng dịp. Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây có nhiều hoa.
Chị Nguyễn Thị Phúc làm công việc dọn dẹp để tiện cho việc đánh chuyển các gốc đào.
Những cành đào đã bung nụ theo chân chủ nhân mới đón tết sớm.