Thị trường nội địa cũng là 'mỏ vàng'
Từ hôm nay, 14/1, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam. Với tổng dân số 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do có những tác động mạnh mẽ nhất đối với nền kinh tế nước ta.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực khi CPTPP được thực thi. Ảnh: TL.
Cú hích thúc đẩy xuất khẩu
Với hàng loạt các nội dung cam kết về điều kiện mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và sớm được đưa vào thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là Hiệp định có ý nghĩa rất lớn, tác động mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế Việt Nam so với các FTA thế hệ mới khác. Theo đánh giá của Bộ Công thương, các cam kết của Hiệp định, các đối tác tham gia CPTPP dành cho Việt Nam mức độ mở cửa thị trường khá cao ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Xét trên mặt bằng chung, khoảng 78-95% số dòng thuế của Biểu thuế quan sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi CPTPP có hiệu lực. Một số ít mặt hàng còn lại có mức độ “nhạy cảm” cao với các nước sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm...
Khi CPTPP được thực thi, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử và linh kiện điện tử, cao su - sẽ được hưởng ngay mức thuế 0% khi đặt chân sang các thị trường thuộc CPTPP. Đây thực sự là cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định mạnh mẽ rằng: Đây chắc chắn sẽ là một cú hích cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Với kỳ vọng này, Hiệp định CPTPP được trông đợi sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực đối với cán cân thương mại của Việt Nam, trong bối cảnh năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt được thặng dư thương mại.
Với việc CPTPP có hiệu lực ngay từ hôm nay (14/1), giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, những tác động của CPTPP tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam chắc chắn sẽ thể hiện ngay lập tức. Khi đó, những DN có năng lực, quản trị tốt sẽ có thể trụ vững còn những DN yếu, bị động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Là bởi, khi thực thi các cam kết với CPTPP, các DN Việt cần phải lưu ý rằng, “dễ người dễ ta, khó người khó ta”, có nghĩa chúng ta được những ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác trong CPTPP thì đổi lại, hàng hóa các nước xuất khẩu sang thị trường Việt Nam cũng nhận được các ưu đãi tương tự. Chính bởi vậy, tận dụng được những ưu đãi xuất khẩu, song các DN Việt cũng cần phải rất chủ động để giữ được thị trường trong nước vì chính thị trường trong nước với 90 triệu người dân mới là thị trường mà các nước đang “nhòm ngó”.
Chủ động ngay tại thị trường nội địa
Phân tích sâu về thị trường nội địa giàu tiềm năng, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, DN Việt cần phải tận dụng các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thể chế để mở rộng thị trường, song yếu tố quan trọng là DN Việt phải khai thác được chính “mỏ vàng” ở ngay tại nước nhà.
CPTPP mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Với số dân 90 triệu, thị trường trong nước thực sự rất tiềm năng. Theo ông Ngô Chung Khanh, các DN trong nước cần tận dụng cơ hội của CPTPP để phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu song bên cạnh đó cũng cần phải giữ được chính thị trường trong nước. Tại các thị trường nước ngoài, các sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu rất đắt hàng, giá cao, nhưng ngay ở trong nước chúng ta lại đang khá thờ ơ thị trường với 90 triệu dân. Nhiều người tiêu dùng trong nước có nhu cầu về hàng chất lượng cao, nhưng DN của ta lại xuất khẩu hàng chất lượng cao ra nước ngoài rồi nhập các mặt hàng mà mình mang đi xuất khẩu…“DN Việt cần quay lại đấu tranh để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài” – ông Khanh nhấn mạnh.
Nhìn nhận thêm về các cơ hội đến khi CPTPP có hiệu lực, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việc tham gia của các tập đoàn lớn khi đầu tư vào trong nước sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính bởi vậy, đây cũng là thời điểm để các chính sách về công nghiệp hỗ trợ được đẩy mạnh, từ đó có thể nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong khoảng thời gian 5-10 năm tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, chắc chắn CPTPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ. Trong đó phải kể đến các động thái bảo hộ nền sản xuất trong nước của các quốc gia. Những hàng rào kỹ thuật đặt ra đòi hỏi DN phải chủ động nâng sức cạnh tranh, đổi mới khoa học công nghệ.
Do vậy, để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, các DN cần phải nắm được các quy định có liên quan tới DN mình và chủ động tìm ra những bước đi, kế hoạch để có thể đáp ứng các yêu cầu đó. Theo ông Thành, những quy định về xuất khẩu hàng hóa trong CPTPP sẽ rất khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa, do đó, DN Việt cần phải nắm chắc về các quy định đó để từ đó xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp.