Một số bộ, ngành, địa phương vẫn xin tăng biên chế

Nguyên Khánh 15/01/2019 22:14

Dù chúng ta đang quyết liệt giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 và Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị nhưng vẫn còn một số địa phương xin tăng thêm biên chế. Đó là thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội vụ, diễn ra sáng qua 15/1. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại hội nghị.

Một số bộ, ngành, địa phương vẫn xin tăng biên chế

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vietnamnet.

Chủ động cơ cấu lại bộ máy

Năm 2018, Bộ Nội vụ đã báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của hệ thống tổ chức Bộ, ngành, địa phương. Quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện. Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan thuộc Chính phủ, chỉ còn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là chưa sửa đổi, bổ sung. Thẩm định và trình Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 10 Tổng cục và tương đương. Đã thẩm định xong số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018 đối với 63 tỉnh, thành phố.

Rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Chẳng hạn việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế theo hướng phân cấp, tự chủ và hiệu quả là một ví dụ điển hình. Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này đã có 25/42 bệnh viện (có 7 bệnh viện, trường đại học) trực thuộc Bộ đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên, theo đó giảm được 25.363 người và Nhà nước không phải trả chi phí khoảng 2.127 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, thực hiện mô hình trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm có cùng chức năng, Bộ Y tế đã chỉ đạo sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cụ thể, mỗi tỉnh, thành phố có từ 5-9 đơn vị, trung tâm, nếu lấy trung bình mỗi tỉnh là 6 đơn vị trung tâm sáp nhập lại thành 1 trung tâm thì số đầu mối sẽ giảm trên cả nước là không hề nhỏ (khoảng 315 đơn vị tuyến tỉnh). Giảm đầu mối qua đó sẽ giảm lượng người, nhất là đội ngũ lãnh đạo. Theo đó sẽ giảm 1.260 vị trí lãnh đạo với số tiền tiết giảm được là khoảng 90.720 tỷ đồng/năm…

Vẫn xin thêm biên chế

Mặc dù đạt được kết quả bước đầu như vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương đề nghị bổ sung biên chế. Việc thực hiện tinh giản biên chế, đề bạt, bổ nhiệm, quản lý công chức, cán bộ chưa đúng trình tự quy định, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, năm 2019, Bộ Nội vụ tập trung hoàn thiện dự án Luật Sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức chính phủ sửa đổi bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố để tiếp tục tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng việc quản lý biên chế hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn của các đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với khối lượng công việc lớn, tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao.

“Dù Hà Nội đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin mức độ 3 và 4, xong việc liên tục giảm biên chế là vấn đề hết sức khó khăn trong cân đối, bố trí việc làm đã được xây dựng. Công chức chịu sức ép lớn về khối lượng công việc được giao” - ông Sáng nói. Do vậy Hà Nội kiến nghị Trung ương nghiên cứu việc cắt giảm biên chế hành chính cơ học hàng năm hoặc có cơ chế cho địa phương dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn đối với một số vị trí.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện về thể chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức cần đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỉ luật. Rà soát những vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, thi nâng ngạch quản lý công chức, viên chức để có giải pháp khắc phục. Đề cao trách nhiệm giải trình thực thi công vụ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục nghiên cứu phân cấp giữa Trung ương và địa phương trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, tình hình thực tế, đồng thời phải có cơ chế kiểm tra giám sát và có chế tài xử lý các trường hợp sai phạm.

Về tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng cho rằng, cần kiên quyết tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 và 18 của Bộ Chính trị đi kèm với các giải pháp khác để nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời chấn chỉnh, thay thế người làm việc không hiệu quả trong nền công vụ.

Nguyên Khánh