Nền tư pháp văn minh
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác ngành tòa án 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Cần xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó tòa án đóng vai trò trung tâm, nhằm củng cố niềm tin của người dân vào công lý và công bằng xã hội. Trong bối cảnh cải cách tư pháp mạnh mẽ hiện nay, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước không chỉ thể hiện sự ghi nhận những thành tích ngành tòa án đã đạt được, mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cơ quan “cầm cân, nảy mực”.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại để nhấn mạnh một nguyên tắc bất dịch đã được hiến định: Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Từ đó, ông khẳng định, trong bộ máy nhà nước, tòa án có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Quá trình phát triển của tòa án luôn gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, ngành tòa án vẫn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của TAND các cấp ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước. Điều đó đã được thể hiện bằng những con số biết nói: Tỷ lệ giải quyết các vụ án đã thụ lý đạt gần 96%, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án đã giảm dần qua từng năm.
Trong bối cảnh hiện nay, quy mô dân số và quy mô nền kinh tế của đất nước ngày càng gia tăng, thì số lượng các vụ vi phạm, tội phạm, tranh chấp kinh tế, lao động, hành chính... cũng ngày càng lớn. Song, ngành tòa án vẫn không ngừng cố gắng, nỗ lực để đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng ghi nhận việc TAND các cấp đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, tội phạm tham nhũng từng bước được kiềm chế. Trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, ngành tòa án đã góp phần thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai về cho Nhà nước: Vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”)...
Trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng mà TAND các cấp xét xử thời gian vừa qua, hình phạt đưa ra đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng chính là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực, vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, qua thực tế xét xử cũng đã chỉ ra được nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm kinh tế, tham nhũng, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, những kẽ hở của cơ chế, chính sách để các cơ quan liên quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục hiệu quả vấn nạn tham nhũng.
Với nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp 2013 là kiên quyết không xử oan, sai nhưng cũng không để lọt tội phạm, một số tòa án đã kiên quyết khởi tố tại phiên tòa khi phát hiện tội phạm chưa được điều tra, xử lý. Minh chứng rõ nét nhất chính là vụ án sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình khiến 9 bệnh nhân tử vong. Với việc TAND TP Hòa Bình trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, cùng kiến nghị làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan, đã có thêm 4 bị cáo khác phải ra hầu tòa, khiến dư luận xã hội hết sức đồng tình, ủng hộ.
Song, bên cạnh việc biểu dương những thành tích mà ngành tòa án đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới: Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn cao, thậm chí có bản án áp dụng sai pháp luật; đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng và giải quyết chậm, tỷ lệ giải quyết án hành chính không đạt yêu cầu cả về chất lượng, số lượng và thời hạn. Cùng với đó, năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ trong ngành còn yếu, cá biệt có người vi phạm pháp luật bị xử lý...
Để có thể xây dựng ngành tòa án ngày càng trong sạch, xứng đáng là cơ quan “cầm cân, nảy mực”, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu mỗi cán bộ, công chức ngành tòa án cần nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót, tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, thấy rõ hơn trách nhiệm của cá nhân để tìm ra những giải pháp phù hợp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử. Có như vậy mới có thể tạo ra một nền tư pháp văn minh, tiến bộ, góp phần tích cực để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.