Điểm sáng hoạt động đối ngoại Việt Nam

M.Loan (ghi) 16/01/2019 07:16

Sáng 15/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng  Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo giới về công tác đối ngoại Việt Nam.

Điểm sáng hoạt động đối ngoại Việt Nam

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí sáng 15/1.

PV: Xin Phó Thủ tướng đưa ra đánh giá về công tác đối ngoại 2018?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Tình hình thế giới diễn biến bất thường, nhưng xu hướng chung vẫn là hòa bình, ổn định. Có những diễn biến không như chúng ta dự đoán, như chiều hướng các nước quay lại chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề dân túy… Điều này khiến nhiều nước cảm nhận được sự bất ổn, điều chỉnh không kịp dẫn đến nhiều vấn đề xảy ra trong quan hệ quốc tế.

Trong bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta vẫn triển khai đầy đủ. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao chúng ta đến các nước vẫn được mở rộng. Số lượng lãnh đạo, nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam mặc dù các khu vực khác còn rất nhiều vấn đề và cả trong nước họ cũng có nhiều việc phải giải quyết đã cho thấy các hoạt động và các chuyến thăm vẫn diễn ra và mở rộng… Một dấu ấn hết sức quan trọng là việc Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động đa phương. Việc tổ chức các diễn đàn có thể vẫn là sự kiện thường niên các năm nhưng vấn đề quan trọng là được diễn ra tại Việt Nam với vai trò dẫn dắt của chúng ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, khẳng định hoạt động đối ngoại là điểm sáng trong thành công của Việt Nam 2018.

Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về diễn biến trên Biển Đông trong năm qua, quan điểm của Việt Nam cũng như những giải pháp giải quyết vấn đề?

- Biển Đông vẫn là vấn đề được quan tâm, không chỉ của Việt Nam mà của các nước trong khu vực và các nước ngoài khu vực. Bởi bất cứ vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cũng tác động tới môi trường hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, thương mại hàng hải, giao lưu trên khu vực Biển Đông.

Năm 2018, tình hình diễn biến phức tạp vì sự thay đổi nguyên trạng Biển Đông, do kết quả của vấn đề mở rộng các đảo đá, quân sự hóa các đảo đá khu vực, làm cho các nước hết sức lo ngại. Chúng ta nhất quán quan điểm rằng Biển Đông là mối quan tâm chung, không được tiến hành các hoạt động có thể gây xung đột trong khu vực. Việt Nam là nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Lập trường của chúng ta là tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nhưng, chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy và hoan nghênh các sáng kiến góp phần duy trì hòa bình trên Biển Đông.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sắp có hiệu lực. Dưới góc nhìn của ngoại giao, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có cơ hội và thách thức nào trong đầu tư và mở rộng thương mại?

- Có rất nhiều nguyên nhân thành công trong phát triển kinh tế của chúng ta, nhưng một trong những nguyên nhân là kinh tế đối ngoại hay thương mại đầu tư đóng góp tích cực vào kinh tế Việt Nam. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế chúng ta rất rộng mở so với các nền kinh tế trên thế giới, cho thấy chúng ta hết sức quan tâm tới vấn đề thương mại, đầu tư và tự do thương mại, đầu tư. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia hết sức tích cực và đàm phán cũng như ký kết, phê chuẩn các FTA. Cho tới nay, có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương cũng như đa phương mà Việt Nam đã tham gia, cũng như đang thảo luận, ký kết.

Ngày 14/1, CPTPP bắt đầu có hiệu lực. Hiện theo tính toán CPTPP có thể mang lại tăng trưởng trên 1,3% cho GDP Việt Nam hay xuất khẩu tăng trên 4%, tạo ra công ăn việc làm. Nếu tận dụng được hết những điều khoản hay dòng thuế mà chúng ta được hưởng trong CPTPP thì mới đạt được như vậy. Điều này nói lên rằng, cơ hội trong CPTPP là rõ ràng nhưng thách thức cũng tồn tại, đó là khả năng cạnh tranh. Việt Nam cần phải tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nếu muốn thụ hưởng thuận lợi, cơ hội mở ra của CPTPP cũng như EVFTA. Nếu chúng ta tận dụng được thì mới có các lợi thế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2019, chúng ta sẽ triển khai các hoạt động đối ngoại cấp nhà nước đến những nước có vai trò, vị thế quan trọng. Trong 2019 cũng sẽ có rất nhiều đoàn vào thăm Việt Nam, cho tới thời điểm này, nhiều nước đã đề xuất thăm Việt Nam, thậm chí số lượng cao hơn năm 2018 là khoảng 33 đoàn. Điều đó cho thấy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước sẽ tiếp tục được củng cố. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai chỉ thị của Ban Bí thư nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện ở chỗ đi sâu, tích cực chủ động để tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương. Nếu vươn lên thì phải có những sáng kiến, đề xuất tại các diễn đàn đa phương, đây không phải là điều dễ dàng bởi vì cần phải đáp ứng được những mong đợi chung, quan tâm chung của các nước, phù hợp với lợi ích của ta.

M.Loan (ghi)