Tiểu thuyết đương đại Việt Nam: Có rừng mà không có cây to
Một cuốn sách thực sự được gọi là tiểu thuyết trước hết nó phải được viết từ tâm huyết, sự trải nghiệm cuộc sống đớn đau của người sản sinh ra nó. Sự hời hợt, dễ dàng không bao giờ sản sinh ra tiểu thuyết.
1. Ba mươi năm trở lại đây tiểu thuyết vì sao ít được đón nhận, ít gây được tiếng vang như thời kỳ 1986 – 1990? Mặc dù bây giờ người người viết tiểu thuyết; nhà nhà viết tiểu thuyết. Có người một năm viết được hai cuốn. Có người đều đặn mỗi năm một cuốn. Có lẽ chưa bao giờ viết tiểu thuyết lại dễ như bây giờ. Chỉ cần ba, bốn, năm... sáu tháng ngồi trước bàn phím là có thể ra ngay một cuốn dày ba bốn, thậm chí sáu bảy trăm trang. Nếu có hai ba chục triệu nữa là được các báo lăng xê thành tiểu thuyết hay. Người viết hai, ba, bốn cuốn như thế là thành Tiểu thuyết gia rồi.
Người viết tiểu thuyết theo lối gà công nghiệp đẻ trứng, người phê bình cũng bình cho lối công nghiệp như vậy. Lẽ ra ngọn roi của nhà phê bình phải quất cho con ngựa tiểu thuyết lồng lên. Thì ngược lại nhà phê bình lại đem cỏ tươi, thóc nếp, đến trước mõm ngựa. Trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam không số nào là không có các bài phê bình sách rất oách. Đọc xong thấy Hội đồng xét giải Nobel họ bị mù hay sao, mà sáng tác có tầm cỡ nhân loại thế này… mà tiểu thuyết ta, mấy chục năm qua, chưa có cuốn nào mon men tới được bậc thềm của giải thưởng danh giá này? Thật là phi lý, thật là bất công lắm ru!...
Một cuốn sách thực sự được gọi là tiểu thuyết trước hết nó phải được viết từ tâm huyết, sự trải nghiệm cuộc sống đớn đau của người sản sinh ra nó. Sự hời hợt, dễ dàng không bao giờ sản sinh ra tiểu thuyết. Và cái gì cũng có tiêu chí của nó. Trong tiêu chí của tiểu thuyết, để đạt được thành công, phải bao gồm nhiều yếu tố như: phải phản ánh được cái hồn của thời đại mà tiểu thuyết phản ánh trong đó; phải có tính phản biện xã hội cao; phải đa nghĩa nói đây chết cây trên rừng; phải có tính dự báo chính xác. Và trên hết nó phải có tính triết học.
Tôi xin lấy Thời xa vắng của Lê Lựu làm ví dụ nhỏ. Vì sao Thời xa vắng lại gây được tiếng vang, gần như là tiếng pháo lệnh cho sự xuất phát của hàng loạt tiểu thuyết tạm được gọi là có đôi chút thành công của thời kỳ đầu văn học đổi mới. Cái cốt lõi của cuốn tiểu thuyết này là nó đã phản ánh được cái hồn cốt của thời xa vắng chưa xa này, cộng thêm cái tài hoa của một chàng nông dân thuần phác có tên Lê Lựu.
Về sau này, có hàng loạt cuốn cũng viết theo chủ đề bi kịch cá nhân, chuyện bỏ chồng bỏ con… đẫm nước mắt, chuyện tình yêu tay ba tay tư trắc trở… Nhưng nó chỉ là chuyện của cá nhân ai đó, nó không có hồn cốt của cái thời mà người viết muốn phản ánh. Cái lối viết bắt chước này gần đây cũng nở rộ ở nhiều cuốn tiểu thuyết khác, đề tài khác. Tỷ như mô-típ lạc rừng trong chiến tranh. Cuốn này ta có ba nhân vật chính viên chỉ huy, người cần vụ của viên chỉ huy và… một nữ y tá bị bắt cóc; thì một năm sau cái mô típ này lại thấy xuất hiện ở cuốn tiểu thuyết khác. Tôi không dám khẳng định đây có phải là đạo hay không? Nhưng trong thâm tâm khi đọc cuốn sau cứ thấy ngờ ngợ thế nào? Lại nữa có người mê thần tượng văn chương của mình cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng để cái bóng của nhà văn đó trùm lút cả tác phẩm của mình thì lại là điều đáng tiếc. Có nhà phê bình đã viết rằng nhà văn Nam Cao như chiếc xe tăng hạng nặng, đi qua con đường văn chương đã để lại các vết hằn sâu trên mặt đường. Còn cái anh bị ảnh hưởng quá lớn của Nam Cao thì đèo đọc giả trên chiếc xe đạp của mình và đi lại trên con đường hằn sâu vết xe tăng của Nam Cao để lại; khiến độc giả bị sóc đến nẩy tưng tưng lên rất là khổ sở…
Đại loại với những điều kể sơ sơ, phiến diện trên đã đủ cho thấy thực trạng của tiểu thuyết đương đại Việt Nam hiện nay là: có rừng mà không thấy cây to là như vậy.
2. Về tiểu thuyết lịch sử, hơn chục năm trở lại đây cũng nở rộ như nấm sau mưa. Người thì viết bám theo chính sử từ chân tơ kẽ tóc. Người thì viết theo dã sử, truyền thuyết. Người thì pha trộn chính sử với dã sử. Theo nhà thơ Trần Nhuận Minh viết trên Hồn Việt cách đây hai năm thì Trần Hưng Đạo mất trên dưới 20 năm Trương Hán Siêu mới viết Bạch Đằng Giang phú. Ấy vậy mà có bố đã để Trương Hán Siêu đưa bài phú này lên Vạn Kiếp đọc cho Trần Hưng Đạo nghe. Và được Trần Hưng Đạo vỗ tay khen Tuyệt hay! Tuyệt hay! Nhưng dù là viết theo cách nào dù có sai về tiểu tiết có thể bỏ qua. Điều cốt lõi nhất là phải đảm bảo đúng bản chất thật của thời kỳ lịch sử mà tác giả phản ánh. Ca dao của ta có câu rất hay:
Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim thái ghém
thì mình lấy nhau
Bản chất thật của lịch sử, dù ngàn năm thậm chí là vạn năm. Thế giới có phẳng hay thế giới có đại đồng thì bản chất của các sự vật trong câu ca dao trên cũng không thay đổi. Và bản chất thật của lịch sử cũng là như vậy. Ví dụ viết về Trần Bình Trọng tác giả có quyền tưởng tượng, có quyền hư cấu về hình hài, vóc dáng, về chức vụ, hàm cấp như thế nào thì cốt lõi thật của Trần Bình Trọng phải được giữ gìn, đó là câu quát đanh thép vào mặt giặc Nguyên Mông khi sức tàn lực kiệt bị giặc bắt: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất bắc. Hay viết về Lý Thường Kiệt, có thể tả 1001 lý do cụ phải tịnh thân (tự thiến). Nhưng không thể không viết về bài thơ Thần Nam quốc sơn hà. Bài thơ mà năm 1973 Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Henry Kissinger thăm Hà Nội, được đồng chí Lê Đức Thọ đưa đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ông ta đã hóm hỉnh thốt lên “Đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam”.
Sau khi đã đảm bảo được tính trung thực, tính cốt lõi của thời kỳ lịch sử phản ánh trong tiểu thuyết thì chuyện sách hay, hay dở còn tùy thuộc vào tài năng của nhà văn. Và nhiều khi còn thuộc vào duyên của nhà văn với nhân vật lịch sử mà mình phản ánh và duyên của nhà văn với nhà xuất bản. Trường hợp điển hình ở đây là của nhà văn Xuân Khánh với tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly. Sách ra đến đâu là bán hết veo đến đó. Tính đến giờ đã tái bản gần hai chục lần rồi.
Nói như thế đã thấy rằng viết tiểu thuyết lịch sử không dễ xơi như thế nào?
3. Có phương pháp sáng tác nào có thể làm cứu cánh cho tiểu thuyết không?
Vốn tài hèn sức mọn tôi không dám trả lời cụ thể câu hỏi này. Duy có điều mắt thấy (được đọc) một số tiểu thuyết của một số nhà văn bây giờ vốn có ngoại ngữ thường hay khoe các phương pháp sáng tác tân kỳ của phương Tây trong các tác phẩm của mình. Tôi không dám chê bai nhưng quả thật cảm thấy rất khó đọc, và cũng thấy chưa có tác phẩm nào đáng vỗ tay khen ngợi kiểu một nhân vật của Nam Cao “Giỏi thật! Giỏi thật! Giỏi đến thế là cùng! Tiên sứ anh Tào Tháo”. Người áp dụng các phương pháp tân kỳ trên nhiều nhất có lẽ là nhà văn Nguyễn Bình Phương. Nhưng tiểu thuyết hay nhất của nhà văn này theo ngu ý của tôi là cuốn Mình và họ Một cuốn tiểu thuyết gần như là đầu tiên viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc. Một lối viết hiện thực xen kẽ các cảnh đồng hiện, khiến tác phẩm rất hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc. Và thực sự là cuốn tiểu thuyết có giá trị. Nếu được ông cụ Nobel để mắt tới thì có cơ không biết chừng.
Có tác giả cũng bắt chước phương pháp đã cũ mòn của phương Tây mà người ta đã chôn vùi từ lâu với châm ngôn “cũ người mới ta”. Vâng, “ra đường thấy cánh hoa rơi, hai tay nâng lấy cũ người mới ta”. Với người đẹp thì được. Chứ với văn chương thì lấy làm buồn lắm thay! Tiện đây tôi xin trích trả lời phỏng vấn của nhà thơ Trần Ninh Hồ, đương kim Chủ tịch Hội đồng Thơ với báo Tiền Phong như sau: “Bắt chước rất tài chứ không đơn giản đâu. Cậu thì giống Tagore, cậu thì giống Brecht, cậu thì giống nọ, giống kia… còn cái anh truyền thống thì cũ quá. Tức là nhân danh cách tân thì khập khiễng, nhân danh truyền thống thì cố chấp, bảo thủ”.
Tiểu thuyết hiện tại với phương pháp cách tân và truyền thống theo thiển ý của tôi cũng gần giống như nhà thơ Trần Ninh Hồ nói về thơ ở trên.
4. Bi quan hay lạc quan?
Bi quan với tiểu thuyết hiện tại hay lạc quan đều là hai thái cực nên tránh. Tôi xin dẫn ra đây câu chuyện của cố nhà văn Nhật Tuấn. Có lần qua Mỹ làm việc, được anh ruột là nhà văn Nhật Tiến mời cơm cùng một số nhà văn Sài Gòn trước 1975. Chả hiểu rượu bia nói hay Nhật Tuấn nói mà nhà văn đã cao giọng: “Các anh ở đây được tiếp xúc với văn hóa tân kỳ của phương Tây, lại thuận lợi trăm bề hơn hẳn anh em ở trong nước. Ấy vậy mà hơn ba mươi năm qua, các anh chả có tác phẩm nào ra hồn, Còn chúng tôi chí ít cũng có 10 – 12 tiểu thuyết có giá trị mà chính các anh cũng phải thừa nhận”.
Gác lại chuyện của anh em họ ở đây tôi thấy cố nhà văn Nhật Tuấn đánh giá có 10 đến 12 tác phẩm có giá trị là chuẩn. Độ 6 – 7 cuốn đã được dịch ra nước ngoài, ít nhiều gây được tiếng vang. Số còn lại chẳng kém cạnh gì nhưng lại rơi vào sự im lặng đáng sợ. Một số khác không nằm trong số trên, chất lượng văn chương chỉ tầm tầm, nhưng bằng các mối quan hệ này khác đã được dịch ra nước ngoài. Điều này lợi bất cập hại. Lợi cho nhà văn có tác phẩm được dịch. Nhưng lại hại cho văn học nước nhà. Bởi vì người đọc nước ngoài cứ nghĩ đó là các tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Họ sẽ đánh giá văn chương của ta không đáng dịch không đáng đọc nữa…