Công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng
Đó là đề nghị của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khi đến kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chiều 17/1, tại Hà Nội.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Nhiều kết quả tích cực trong phòng chống tham nhũng
Báo cáo kết quả công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hàng năm, thực hiện chương trình hành động thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, các cấp công đoàn đã quan tâm chỉ đạo thực hiện trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động.
Đảng đoàn Tổng LĐLĐ đã ban hành 56 Nghị quyết liên quan đến công tác cán bộ. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành 37 văn bản liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng. Tổng LĐLĐ Việt nam cũng chủ động, tích cực tuyên truyền, quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp công đoàn đã tổ chức hơn 172 nghìn cuộc tuyên truyền tới trên 9,3 lượt đoàn viên, công nhân viên, người lao động.
Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp đã thực hiện được 2.162 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện 2 cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm và chỉ đạo hướng dẫn Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cấp dưới thường xuyên nắm tình hình, phát hiện và kiểm tra kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm. Phát hiện 60 tổ chức và 49 cá nhân vi phạm, trong đó 31 tập thể và 58 cá nhân phải xem xét xử lý kỷ luật, vi phạm chủ yếu là về việc quản lý, sử dụng tài chính, trích nộp kinh phí công đoàn, nguyên tắc, chế độ sinh hoạt, thủ tục kết nạp đoàn viên, việc thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ, đoàn viên công đoàn.
Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cũng đã phát hiện, xử lý tham nhũng và sai phạm về quản lý kinh tế 3 đơn vị là LĐLĐ tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Tây Ninh. Kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng địa phương, cơ quan Nhà nước khác cũng phát hiện, xử lý tham nhũng và sai phạm về kinh tế 3 đơn vị là LĐLĐ Kiên Giang, Lâm Đồng, Sơn La.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc.
Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, công đoàn các cấp đã nhận 4.581 đơn khiếu nại, 286 đơn tố cáo. Chủ động giải quyết được 914 đơn khiếu nại và 40 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền phối hợp giải quyết 3.131 đơn khiếu nại, 125 đơn tố cáo.
Các cấp công đoàn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các ngành có liên quan triển khai thực hiện việc giám sát tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Theo đó, công đoàn các cấp đã chủ trì giám sát 4.418 cuộc, tham gia giám sát 7.753 cuộc. Giám sát thông qua nghiên cứu xem xét 5.174 văn bản, thông qua thành lập đoàn giám sát là 2.563 cuộc. Nội dung tập trung việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, năng suất lao động và thực hiện nâng lương định kỳ, đột xuất và thực hiện quy định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật...
“Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng được thực hiện trong hệ thống công đoàn Việt Nam thông qua việc công khai, minh bạch; phát huy trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc việc sử dụng tài sản và tài chính đảm bảo dân chủ, công bằng, minh bạch và đúng quy định; thực hiện tốt công khai tài chính; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, ông Ngô Sách Thực đề nghị, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của đoàn viên công đoàn, tổ chức công đoàn các địa phương trong tham gia phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó kịp thời có các hình thức biểu dương, phương thức tiếp nhận thông tin của công nhân và người lao động liên quan tham nhũng lãng phí
Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần thực hiện thực chất các biện pháp công khai minh bạch để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, công khai về tự chủ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát phản biện xã hội trong việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giám sát các nguồn lực đầu tư cho người cho người lao động...
Ông Phạm Gia Túc, Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục tuyên tuyền để công đoàn viên, người lao động, người dân chủ động tích cực tham gia phòng chống tham nhũng. Song song với đó phải những giải pháp cụ thể đảm bảo công khai minh bạch trong tác cán bộ, quản lý tài chính, tăng cường công tác kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm để đủ sức răn đe.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đại hội XII của Đảng đã xác định, đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc.
Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân, công tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt từ đó củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác PCTN, nhất là việc tuyên truyền về PCTN tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên phạm vi cả nước và việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ trong cơ quan.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn vẫn còn trăn trở khi công tác tuyên truyền, giáo dục hiện nay hiệu quả chưa cao; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động về PCTN; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; phát hiện và xử lý tham nhũng chưa có chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm;…
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, Tổng Liên đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thống nhất cao về ý chí và hành động, trước hết là sự gương mẫu quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Cần thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch; kiểm soát có hiệu quả để quản lý tài chính của công đoàn, việc quản lý tài sản được nâng lên nhằm đảm bảo phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức công đoàn được đảm bảo. Phải để phòng chống tham nhũng có kết quả, hiệu quả, đi vào chiều sâu hơn nữa trong hệ thống công đoàn”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý, Tổng Liên đoàn tiếp tục quan tâm công tác đào đạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn từ trung ương đến địa phương, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi người lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công nhân viên chức, người lao động đối với hiện tượng tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan đơn vị công tác.
Bên cạnh đó cần thực hiện đúng quy định người đứng đầu cấp ủy tiếp công đoàn viên, người lao động định kỳ, đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý phản ánh, kiến nghị, từ đó khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
“Tổng Liên đoàn cần phát huy vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí để công đoàn thực sự là tổ chức tin cậy của giai cấp công nhân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn.
Trung Hiếu