Gần Tết lại lo hàng giả, hàng gian
Thời điểm cận Tết Nguyên đán hoạt động buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lại diễn biến với nhiều thủ đoạn, phức tạp. Tại TP Hồ Chí Minh, vấn đề này được coi là khá nóng.
Lực lượng chức năng TP HCM kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường. Ảnh: Hồng Phúc.
Khó phát hiện hàng giả
Qua các đợt ra quân từ đầu năm đến nay, các Đội Quản lý thị trường (QLTT) của TPHCM cho biết, lượng hàng hóa trôi nổi và hàng giả đang có xu hướng gia tăng, nhất là các mặt hàng này được trà trộn vào các điểm bán lẻ và chợ truyền thống, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, ngăn chặn.
Mới đây, các Đội QLTT (6-29, thuộc Cục QLTT TP HCM) bất ngờ kiểm tra một kho hàng trên đường Phạm Văn Chí (Q.6) đã phát hiện gần 60.000 sản phẩm hàng hóa nghi giả mạo thương hiệu của các hãng nổi tiếng của Pháp, Mỹ, như Chanel, Gucci, Dior, D&G,…Tại thời điểm kiểm tra, đại diện chủ kho hàng đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ lô hàng. Quá trình kiểm tra, các Đội QLTT đã phát hiện toàn bộ lô hàng có xuất xứ từ Trung Quốc sản xuất và được thu mua qua mạng internet với số lượng lớn. Cùng thời gian này, khi Đội QLTT số 29 tiến hành kiểm tra kho hàng trên đường Hoàng Xuân Hoành (Q.Tân Phú) tiếp tục phát hiện hơn 3.000 giày dép có xuất xứ do Trung Quốc sản xuất, nhưng chủ hàng cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Đại diện Cục QLTT TP HCM cho biết, không chỉ riêng đối với các mặt hàng cao cấp được làm giả, các đợt tuần tra, kiểm tra của các Đội QLTT trước Tết Kỷ Hợi 2019 còn phát hiện, tạm giữ hàng chục ngàn đơn vị sản phẩm của nhiều thương hiệu bánh kẹo, mứt tết bị làm nhái, làm giả; gần 80.000 thực phẩm đóng gói và trên một tấn nhãn khô, táo tàu, vải khô đủ loại tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Bách- quyền Cục trưởng Cục QLTT TP, trong thời điểm trước, trong và sau Tết các lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các khu vực giáp ranh các tỉnh luôn diễn ra hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả hết sức phức tạp.
Ngoài công tác QLTT, thời điểm trước Tết Nguyên đán, các lực lượng Hải quan TPHCM cũng mở các đợt ra quân kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của thông quan hàng hóa để nhập khẩu hàng lậu vào trong nước. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tìm cách làm thủ tục hàng quá cảnh, chuyển tiếp, tạm nhập tái xuất,…cố tình vi phạm đưa hàng gian lận thương mại vào trong nước tiêu thụ.
Theo ông Đinh Ngọc Thắng- Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, thời gian qua cơ quan này đã lập hơn 1.300 biên bản vi phạm, với số lượng hàng hóa vi phạm gần 780 tỷ đồng, chuyển cơ quan chức năng đề nghị khởi tố 30 vụ việc vi phạm.
Đối với một số chủ hàng khi bị bắt giữ hàng hóa, chờ xử lý vi phạm đã bỏ trốn, cũng gây nhiều khó khăn đối với công tác quản lý. Mới đây, khi Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM kiểm tra một cơ sở giết mổ nghi thịt bẩn tại huyện Hóc Môn đang trong quá trình đưa đi tiêu thụ. Chủ hàng không xuất trình được xuất giấy tờ của lô hàng 15 tấn thịt bẩn, đã bị lực lượng chức năng vận chuyển hàng hóa về kho riêng quản lý, với chi phí 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, cho đến khi ra được quyết định xử phạt thì chủ hàng đã bỏ trốn, trong khi toàn bộ chi phí lưu kho Ban Quản lý ATTP phải tự chi trả.
Bánh kẹo đã bày bán rất nhiều đón Tết.
Quan trọng là ý thức người bán
Ghi nhận tại một số quầy hàng, cửa hàng bách hóa và chợ truyền thống tại TP HCM, nhiều tiểu thương thừa nhận việc rất khó phát hiện và phân biệt giữa hàng giả và hàng thật nếu chúng được xáo trộn. Bà P.T.Tr., một chủ cửa hàng buôn bán trái cây tại chợ Tân Lập (P.Bình Trưng Đông, Q.2) cho biết, thời gian gần đây một số mặt hàng trái cây như cam Canh, quýt có xuất xứ Trung Quốc được nhập về, sau đó được tiểu thương trộn lẫn với hàng cùng loại có xuất xứ từ Mỹ, để giao lẻ về các cửa hàng và ki-ốt tiêu thụ. Lý do chính vẫn là lợi nhuận nên nhiều tiểu thương vẫn “nhắm mắt” làm liều.
Theo ông Nguyễn Nhu- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, hiện nay phần lớn các mặt hàng trái cây ở chợ đều có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc và BQL chợ có dành khu vực riêng cho mặt hàng này. Để kiểm soát chặt chẽ, tổ ATTP của chợ đầu mối này thường xuyên kiểm tra đầu vào và tiểu thương phải có đầy đủ giấy tờ, chứng từ mới được xuống hàng để bốc xếp vào kho.
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, BQL chợ cũng đã tăng cường việc kiểm tra lấy mẫu đối với các loại hàng hóa nghi pha chế hóa chất độc hại để hàng hóa đẹp hơn. Khi phát hiện sai phạm, tổ ATTP đã mời những chủ hàng đến để tuyên truyền về những nguy cơ độc hại trên và yêu cầu, vận động họ ký cam kết không tái phạm.
Cũng theo ông Nhu, thực tế để kéo giảm hàng hóa có xuất xứ không rõ ràng hoặc không đảm bảo vệ sinh ATTP thì phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các chủ hàng, tiểu thương. Do đó, về dài hạn cần có quy định chặt chẽ về thực hiện ghi chép sổ nguồn gốc hàng hóa và tập huấn ATTP định kỳ. Thế nhưng, ông Nhu cũng thừa nhận là việc vận động tiểu thương tham gia xây dựng thương hiệu cá nhân còn gặp nhiều khó khăn do họ chưa thấy được lợi ích khi tham gia xây dựng thương hiệu.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng ban Quản lý ATTP TP HCM, qua một số hoạt động kiểm tra chuyên ngành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh môi trường, sử dụng hóa chất, chất bảo quản, chất phụ gia trong bảo quản hàng hóa vào thời điểm cuối năm đã phát hiện nhiều mặt hàng có nguy cơ sử dụng hóa chất cao như hành, tỏi, ớt xay, củ cải trắng, măng chua, cải chua, chanh, bắp chuối,…
Các sai phạm cũng được xác định trong một số khâu đóng gói hàng hóa vào bao bì, chế biến,…không đảm bảo vệ sinh ATTP. Để đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bà Lan khuyến nghị tăng cường việc lấy mẫu để đánh giá nguy cơ. Các chợ truyền thống và chợ đầu mối cần phải thực hiện ghi chép sổ sách đầy đủ để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc khi kiểm tra, phong tỏa lô hàng, xử lý kịp thời.
* Nhiều tiểu thương TP HCM cho biết, rất khó phát hiện và phân biệt giữa hàng giả và hàng thật nếu chúng được xáo trộn. Một chủ cửa hàng buôn bán trái cây tại chợ Tân Lập (P.Bình Trưng Đông, Q.2) nói rằng, thời gian gần đây một số mặt hàng trái cây như cam Canh, quýt có xuất xứ Trung Quốc được nhập về, sau đó được tiểu thương trộn lẫn với hàng cùng loại có xuất xứ từ Mỹ, để giao lẻ về các cửa hàng và ki-ốt tiêu thụ. Lý do chính vẫn là lợi nhuận nên nhiều tiểu thương vẫn “nhắm mắt” làm liều.