Đóng bảo hiểm tự nguyện phải làm thủ tục như thế nào?

Đức Toàn 19/01/2019 09:00

Theo Bảo hiểm xã  hội (BHXH) Việt Nam hiện nay thủ tục tham gia và đóng BHXH tự nguyện khá thuận lợi và đơn giản.

Cụ thể theo Luật BHXH năm 2014 và Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, thì khi tham gia BHXH tự nguyện người dân chỉ cần đến Đại lý thu BHXH, BHYT đặt tại UBND xã, phường hoặc Bưu cục của Bưu điện trên địa bàn để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện và làm thủ tục nộp tiền tại đó.

Cũng theo BHXH Việt Nam, chỉ có một mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện là 22% của mức thu nhập mà người tham gia đăng ký đóng. Mức thu nhập này do người tham gia lựa chọn tùy thuộc vào khả năng tài chính của người tham gia và được quy định thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Về phương thức đóng: Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đóng hàng tháng; Đóng 3 tháng một lần; Đóng 6 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Người đang tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện. Việc thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Về nguyên tắc của BHXH: Mức đóng cao thì mức hưởng lương hưu cũng cao tương ứng. Để có được mức lương hưu khoảng 3.000.000 đồng/tháng thì phải đóng hàng tháng với thu nhập khoảng 5.500.000 đồng và mức tiền phải đóng hàng tháng là 22% bằng 1.210.000 đồng (đây chỉ là số tính tương đối, bởi vì khi tính chế độ hưu thì mức thu nhập làm căn cứ đóng hàng tháng còn được áp dụng chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ - chỉ số trượt giá, khi đó lương hưu sẽ ở mức cao hơn).

Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện được nghỉ để hưởng lương hưu khi có đủ 2 điều kiện: Về thời gian: Đã đóng BHXH tự nguyện từ đủ 20 năm trở lên; Về tuổi đời: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Trong trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi đời để nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức nêu trên cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định.

Đức Toàn