Loại bỏ 'thần chết'
Liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng khiến nhiều người chết và bị thương, kể cả đã có những chỉ đạo kiên quyết từ Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải ngay lập tức có giải pháp hữu hiệu đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Sử dụng bia, rượu, ma túy rồi điều khiển phương tiện, hay không thuộc Luật Giao thông, không đủ trình độ vẫn lái xe đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân mỗi khi ra đường. “Thần chết” cầm vô lăng đang là vấn nạn nhức nhối cần phải loại bỏ.
Nguyên nhân gây ra các vụ TNGT có nhiều, nhưng nguyên nhân chính vẫn là: Không đủ trình độ vẫn được cấp giấy phép lái xe, sử dụng bia, rượu, thậm chí là ma túy khi điều khiển phương tiện. Vì sao người không biết lái xe vẫn được cấp bằng, lái xe sử dụng bia, rượu vẫn cầm vô lăng gây tai nạn kinh hoàng, khá nhiều lái xe nghiện ma túy dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc thương tâm? Đó là những câu hỏi mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có câu trả lời sớm nhất.
Thực ra câu trả lời không quá khó, chỉ có điều các bộ, ngành, địa phương có dám nhìn thẳng vào sự thật để thừa nhận và có giải pháp khắc phục hay không mà thôi. Đơn cử một việc vì sao có khá nhiều người không biết luật, thậm chí lái xe còn chưa vững vẫn được cấp giấy phép lái xe? Đơn giản là những người có trách nhiệm tại các trung tâm sát hạch lái xe đã thiếu trách nhiệm, thậm chí là nhấm nháy, tiêu cực để cho qua những trường hợp không đủ trình độ. Chẳng thế mà dư luận vẫn rỉ tai nhau: Chỉ cần nộp phí “chống trượt” là yên tâm chắc chắn có bằng lái xe.
Chính vì có tiêu cực trong khâu sát hạch lái xe nên nhiều người không biết lái xe vẫn được cấp bằng. Đó là lý do mà khi Bộ GTVT hay sở GTVT các địa phương ráo riết kiểm tra, giám sát thì tỷ lệ thi trượt khi sát hạch lái xe là khá cao, bởi trong những dịp như thế người ta không dám “bao đỗ” cho học viên. Mới đây, trong buổi Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện tới kiểm tra đột xuất Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe PCCC (Học viện PCCC) tại Hà Nội, thì có tới 50% người thi sát hạch thực hành đã không qua được bài thi.
Đó là chưa kể trong số gần 300 học viên thi lý thuyết ngày hôm đó đã có tới hơn 1/6 số người bị đánh trượt, vài trường hợp bị Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ yêu cầu lập biên bản vì vi phạm quy định mang điện thoại lên xe khi thi thực hành. Đó là mới kiểm tra tại một trung tâm sát hạch lái xe, vậy còn những trung tâm khác thì sao, bởi trên cả nước có hàng nghìn trung tâm như vậy. Hay như câu chuyện cười ra nước mắt là nhiều người dân ở Gia Lai đã vượt hàng nghìn cây số đến Hải Phòng để học lái xe trong... 2 tuần, thậm chí có người mù chữ vẫn được cấp bằng.
Với thời gian 2 tuần thì thậm chí các học viên còn chưa nắm hết được lý thuyết Luật Giao thông đường bộ, chứ đừng nói đến kỹ năng thực hành lái xe. Song, với việc chỉ cần đóng tiền “trọn gói” sẽ được “bao đỗ” (cả phần thi lý thuyết cũng như thi thực hành) thì cũng chẳng cần đến khoảng thời gian những... 2 tuần. Với những học viên không nắm được luật, không biết lái xe mà vẫn đỗ, được cấp bằng thì hậu quả khi họ điều khiển phương tiện tham gia giao thông ra sao, chẳng cần nói cũng có thể hình dung được. Đó chẳng phải là các trung tâm sát hạch lái xe đã tạo ra “thần chết” trên đường hay sao?
“Thần chết” cầm vô lăng không chỉ được tạo ra bởi tiêu cực khi thi sát hạch lái xe, mà còn bởi ý thức của các doanh nghiệp vận tải, ý thức của mỗi lái xe và sự thiếu trách nhiệm, thậm chí vụ lợi cá nhân của những người được giao nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện cơ giới, tuần tra kiểm soát đảm bảo ATGT... Nếu như các doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm, những người thực thi công vụ công tâm, khách quan, không có tiêu cực thì các phương tiện không đảm bảo an toàn sẽ không thể lưu thông trên đường, những tài xế sử dụng bia, rượu, thậm chí là ma túy sẽ không thể gây ra thảm họa.
Để kiểm soát các lái xe, cơ quan chức năng đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải lắp giám sát hành trình, đồng thời kết nối dữ liệu về Tổng cục Đường bộ. Song, theo thống kê mới nhất thì hầu hết các lái xe ngắt kết nối giám sát hành trình dù xe vẫn đang lưu thông trên đường. Do vậy, cơ quan chức năng khó mà kiểm soát được hành vi của lái xe là có chạy quá tốc độ không, có chạy lấn làn, vượt đèn đỏ, hay có sử dụng rượu, bia thậm chí là ma túy hay không. Khi xảy ra các vụ TNGT thảm khốc cướp đi sinh mạng của nhiều người, cơ quan chức năng cũng không thể trích xuất dữ liệu để điều tra, xử lý.
Lo ngại về vấn nạn nhức nhối trên, mới đây, Chính phủ không chỉ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để đảm bảo ATGT, trong đó có việc truy cứu trách nhiệm, điều tra, xử lý cả các doanh nghiệp vận tải, các trung tâm sát hạch lái xe, cơ quan đăng kiểm, lực lượng CSGT, TTGT (nếu có vi phạm), khi xảy ra TNGT, mà còn yêu cầu lực lượng chức năng mở đợt cao điểm kiểm tra 100% lái xe tải để kịp thời phát hiện việc sử dụng rượu, bia, nhất là ma túy. Với hàng loạt chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hy vọng tới đây nỗi nhức nhối TNGT sẽ được kiểm soát.