Không thể là chuyện nhỏ
Chỉ trong một đêm, 147 gốc đào chờ Tết của nhiều hộ dân ở phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã bị kẻ xấu chặt hạ, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng. Điều đáng buồn là những sự việc đáng tiếc như vậy vẫn cứ diễn ra gây bất an cho người dân. Cần vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các lực lượng chức năng nhằm tìm ra những kẻ phá hoại và có hình thức xử lý đích đáng. Đó chính là đòi hỏi của dư luận xã hội.
Vườn đào ở Bắc Ninh bị kẻ xấu phá hoại.
Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp nhiều gia đình bị kẻ xấu chặt phá hoa màu khi chuẩn bị đưa ra bán Tết. Còn nhớ hồi cuối năm 2017, tại Hòa Bình cũng xảy ra trường hợp một gia đình bị chặt 500 gốc cam vào ngày 28 Tết. Không chỉ với các loại cây có giá trị, ngay vào mùa Tết năm ngoái, 3 nông dân ra ruộng khoai lang rộng hơn 10 ha của mình ở xã Thành Lợi (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) thì phát hiện bị rũ lá vàng hoe. Ruộng khoai của họ bị kẻ gian phun thuốc chết hết dây còn củ bị teo tóp không bán được. Cả một mùa Tết của gia đình trông cậy vào ruộng khoai đành thở dài lo kiếm tiền trả nợ.
Và mới đây, ngày 4/1/2019, tại xã Tân Tiến (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cũng xảy ra sự việc kẻ xấu phá hoại vườn quất cảnh bán dịp Tết của gia đình ông Nguyễn Văn Phòng, trú tại đội 14, thôn Ấp Đa Phúc) gây thiệt hại lớn cho gia đình...
Chặt phá cây cối, chém giết gia súc, gia cầm để giải quyết những mắc mớ, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, đó là thực tế đáng lo ngại đã và đang diễn ra tại một số nơi, nhất là ở khu vực nông thôn. Hậu quả của hành vi đó không chỉ làm thiệt hại về vật chất mà còn tạo tâm lý bức xúc, nặng nề và ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trận tự cùng hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong cộng đồng dân cư.
Tại sao những vụ phá hoại như thế vẫn cứ tiếp diễn và nó thường xảy ra khi Tết đã cận kề? Đó là vì chế tài xử lý những vi phạm này còn rất nhẹ, người ta thường coi đây là vụ việc nhỏ! Đơn cử như trong hàng loạt vụ hủy hoại mùa màng của nông dân nhưng cơ quan chức năng chỉ tìm ra thủ phạm một số vụ, trong đó xử lý hình sự vài vụ, còn lại xử phạt hành chính thì những kẻ xấu khó chùn tay. Chẳng hạn, tại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) xảy ra tới 12 vụ hủy hoại tài sản như nhổ, phá chặt gốc bưởi, cam của người dân. Cơ quan điều tra làm rõ 6 vụ nhưng trong đó chỉ xử lý hình sự 3 vụ và 3 vụ xử lý hành chính, 6 vụ còn lại coi như đã chìm xuồng. Truy tìm thủ phạm không tới cùng, xử thì nương tay, chủ yếu là phạt hành chính có lẽ không làm kẻ ác chùn tay.
Rõ ràng, những vụ phá hoại thế này không hề nhỏ, ranh giới pháp luật đã dễ dàng bị vượt qua bởi những kẻ xấu. Trong khi đó hình phạt thiếu nghiêm khắc thì làm sao có thể đủ sức răn đe những kẻ xem thường pháp luật và làm sao bảo vệ cuộc sống của bao người dân lương thiện?
Ở không ít nơi, người nông dân lo sợ những thanh niên lêu lổng bắt nạt, bởi phật ý chúng có thể bị chúng hủy cả ruộng vườn. Nhiều người trồng cao su tiểu điền phải cống nạp tiền để chúng không phá phách. Có người báo cơ quan chức năng thế là hôm sau bị chặt hạ cả vườn. Những người nuôi cá một thời vác chiếu ra ao ngủ cả đêm không phải để chống lại kẻ xấu mà chỉ phòng khi gặp chúng thì còn năn nỉ để không bị quăng thuốc độc vào ao. Chặt cây, phá hoại vườn rau... không đơn giản là những vụ việc nhỏ lẻ, mà chính là xâm hại sự bình yên của xã hội. Muốn kẻ ác chùn tay không thể dừng lại ở sự giáo dục mà phải có hình phạt đích đáng.
Có thể nói hành vi phá hoại cây trồng, nông sản không chỉ đơn giản là gây thiệt hại nhỏ về vật chất mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người người dân, nhất là gây mất an ninh trật tự khu vực nông thôn, là tội ác. Do đó, các cơ quan chức năng không nên coi đây là chuyện nhỏ, phá hoại vặt mà bỏ qua, không xử lý đến nơi đến chốn sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.