26 người giàu nhất sở hữu khối tài sản 1,4 nghìn tỷ USD

Linh Chi 22/01/2019 09:00

Theo bản báo cáo thường niên được công bố trong hôm 21/1, giới tỷ phú trên toàn thế giới mỗi ngày có thêm 2,5 tỷ USD, trong khi những người nghèo nhất trên thế giới lại chứng kiến tài sản của họ suy giảm liên tục.

26 người giàu nhất sở hữu khối tài sản 1,4 nghìn tỷ USD

Khoảng cách giàu nghèo vẫn rất rộng.

Nước chảy chỗ trũng”

Số tỷ phú trên toàn thế giới, hiện đang ở mức kỷ lục là 2.208 người, sở hữu khối tài sản lớn hơn bao giờ hết - theo báo cáo mới nhất mà Tổ chức Oxfam Quốc tế công bố hôm đầu tuần. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng gần gấp đôi.

Bản báo cáo thường niên được công bố ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ và mang tới những con số thống kê chấn động cả về những người giàu nhất và nghèo nhất trên thế giới. Bản báo cáo dài 106 trang được đưa ra với mục đích kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trước tình trạng khoảng cách giàu-nghèo gia tăng.

Theo báo cáo mới, tổng khối lượng tài sản của 26 người giàu nhất thế giới đạt mốc 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2018 - tương đương với tổng tài sản của khoảng 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới. Con số cho thấy thực tế “nước chảy chỗ trũng”.

Phần lớn những tỷ phú siêu giàu của thế giới mang quốc tịch Mỹ - theo danh sách tỷ phú của Forbes mà Oxfam dẫn lại. Những cái tên đình đám nhất bao gồm Jeff Bezos - đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Bill Gates - người sáng lập Microsoft, Warren Buffet - Chủ tịch Berkshire Hathaway và Mark Zuckerberg- Chủ tịch Facebook. Tất cả những cá nhân trên có tổng giá trị tài sản lên tới 357 tỷ USD.

Oxfam đưa ra khuyến cáo rằng, các quốc gia trên thế giới cần áp dụng hệ thống thuế công bằng hơn, nâng tỷ lệ thuế đối với thu nhập cá nhân và tăng thuế doanh nghiệp, cắt giảm tình trạng trốn thuế của các công ty lớn và siêu giàu. Tổ chức này cũng kêu gọi các nước cung cấp chương trình chăm sóc y tế, giáo dục và dịch vụ công đại chúng.

Oxfam cũng kêu gọi Chính phủ các nước quan tâm hơn tới lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái, đầu tư vào các dịch vụ công cộng - như nước sạch, điện và chăm sóc trẻ em - để phụ nữ có thêm thời gian và hạn chế số giờ làm việc mà họ không được trả lương.

Cải thiện hệ thống thuế, bình đẳng giới

Bản báo cáo trên đã phản ánh lại thực chất quan điểm chính sách mới mà nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thông qua.

“Ở nước Mỹ và trên toàn cầu, đang có những cuộc tranh luận rộng khắp về việc cần thiết phải áp dụng một hệ thống thuế hiệu quả, công bằng, khác với hệ thống thiếu công bằng hiện nay”- Paul O’Brien, Phó Giám đốc chính sách của tổ chức Oxfam, cho hay.

Ở Mỹ, nghị sỹ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez, một nhà lập pháp mới đến từ New York, đang thúc đẩy đề xuất đánh thuế người giàu lên tới 70% để có nguồn ngân sách rót cho kế hoạch ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Bà Ocasio-Cortez gọi đề xuất của mình là “Thỏa thuận Xanh mới”.

Ngoài ra, xuất hiện một nhóm các nhà lập pháp, bao gồm thượng nghị sỹ Bernie Sanders, đang thúc đẩy chương trình “Chăm sóc y tế cho Tất cả”, với mục tiêu tăng số người dân Mỹ được bảo hiểm y tế.

Vấn đề này cũng lan rộng khắp toàn cầu. “Ở nhiều quốc gia, ngày nay, chăm sóc y tế và giáo dục chất lượng đã trở thành một món hàng xa xỉ mà chỉ có người giàu mới có được” - Oxfam nói trong bản báo cáo mới - “Mỗi ngày, có khoảng 10.000 người chết vì không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế”.

Và tình trạng đó ảnh hưởng nặng nhất là đối với phụ nữ. “Nhiều trẻ em gái bị kéo ra khỏi trường học khi gia đình chúng không có đủ tiền trả phí, nhiều phụ nữ phải làm việc suốt nhiều giờ mà không được trả lương, không có tiền cứu giúp người thân đang bị bệnh ở nhà” - Oxfam cho hay, thêm rằng “nếu tất cả các công việc không được trả lương của phụ nữ trên toàn thế giới được một công ty nhận hết, họ sẽ đạt doanh thu khoảng 10 nghìn tỷ USD”.

Vấn đề này được nhận thấy rõ nhất ở những nơi như Ấn Độ - nền kinh tế có đà tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đất nước này là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất thế giới. Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chỉ có 27% phụ nữ dưới độ tuổi 15 hoặc lớn hơn ở Ấn Độ đang tìm việc làm, hoặc được xem là thuộc lực lượng lao động.

Báo cáo mà Viện McKinsey Global công bố hồi năm ngoái cho thấy, Ấn Độ có thể thêm được 770 tỷ USD vào nền kinh tế của họ chỉ bằng cách thúc đẩy bình đẳng giới, trong khi xét trong toàn khu vực châu Á, thúc đẩy bình đẳng giới có thể giúp tăng GDP thêm khoảng 4,5 nghìn tỷ USD.

Linh Chi