Hài nhảm khó qua mặt khán giả
NSND Quốc Anh là gương mặt quen thuộc trong các sản phẩm phim hài Tết. Tuy nhiên, dưới góc độ làm nghề NSND Quốc Anh thừa nhận sự lấn lướt của các sản phẩm hài nhảm đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị hiếu của người xem, cũng như hình ảnh của các nghệ sĩ.
NSND Quốc Anh (bên phải) trong phim hài Tết “Phim và đời”.
PV: Thưa anh! Gắn bó nhiều năm với các sản phẩm phim hài Tết, anh đánh giá sao về xu hướng phim hài hiện nay?
NSND Quốc Anh: Muốn đánh giá được chất lượng của một bộ phim, tiêu phẩm hài hay hay dở thì những người công tâm nhất chính là khán giả. Phải nói rằng trong 10 năm trở lại đây, trình độ dân trí phát triển rất nhanh.
Do đó nhu cầu thưởng thức các sản phẩm hài chất lượng, tinh tế hiện nay là rất cao. Mỗi người dân hàng ngày, hàng giờ đang được tiếp xúc với công nghệ, mạng xã hội, những thành tựu khoa học kỹ thuật nên họ biết phải chọn lọc những “món ăn tinh thần” nào thật bổ ích, lý thú và sách sẽ để xem.
Thú thực xem phim giờ toàn khoe chân dài, thân hình gợi cảm… thì chắc họ chị xem vài phút rồi chuyển kênh ngay. Hơn nữa, chúng ta đang ở thời 4.0, nên phim hay hay dở, chỉ cần một cú nhấp chuột là khán giả biết ngay.
Chính vì vậy, những hài kém chất lượng khó mà “qua mắt” được khán giả bây giờ. Nhưng không thể phủ nhận “mô típ” hài khoe thân, hài nhảm đang là xu hướng mà nhiều đoàn làm phim đang hướng tới. Tuy nhiên, tôi nghĩ chỉ một thời gian nữa thôi xu hướng này sẽ bị đảo thải. Bởi các thể loại hài này khó có thể tìm được chỗ đứng trong kỷ nguyên công nghệ số đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Với cá nhân tôi, đã gọi là hài thì phải đọng lại trong lòng người xem một điều gì đó. Phải có chút nhân văn, có chút cảnh báo trong đó. Ví dụ, người ta đưa ra hình tượng ông quan là để người xem thấy quan bây giờ cũng có người nọ người kia và mình làm dân thì nên có ứng xử như thế nào cho hợp lý.
Năm 2018, làng hài phía Bắc gặp một tổn thất lớn bởi sự ra đi đột ngột của đạo diễn Phạm Đông Hồng. Phải chăng sự mất mát này đang lại một khoảng trống quá lớn, thưa anh?
-Có thể khẳng định một điều rằng, riêng mảng hài dân gian thì đạo diễn Phạm Đông Hồng đúng là người làm rất cẩn thận, đâu ra đấy. Từ kịch bản, bối cảnh, phục trang, đạo cụ và diễn viên đều được chọn lựa rất kỹ. Vì thế, năm nay không còn phim hài dân gian do chính đạo diễn Phạm Đồng Hồng đạo diễn nữa thì sẽ khuyết thiếu đi một “đặc sản” trên “mâm cỗ tinh thần” ngày Tết. Thực sự là tôi cũng cảm thấy rất tiếc và nghĩ đến lại xót xa.
Bản thân tôi năm nay cũng nhận được nhiều lời mời của các hãng phim hài tết. Nếu nhận lời thì cũng cỡ 6 đến 7 phim chứ không phải ít, nhưng tôi chỉ dám nhận lời 3 phim thôi. 3 phim đó, tôi đọc kịch bản thấy vai hợp với mình nên nhận lời. Tôi bây giờ cũng đã lớn tuổi rồi nên không ham hố gì nữa. Bây giờ cứ chọn vai nào thú vị và hợp với tính cách của mình thì mới nhận. Những vai xô bồ là tôi tuyệt đối không nhận. Những vai đó kể cả có được trả cát sê cao đến mấy tôi cũng không nhận. Thế nên, phải những phim nào có kịch bản nội dung hay, hấp dẫn, đọng lại trong lòng khán giả những cảm xúc đẹp, ý nghĩa, thì tôi sẽ đồng ý tham gia.
Ngoài câu chuyện hải nhảm, các sản phẩm phim hài hiện nay đang bị lấn át, chi phối bởi các sản phẩm quảng cáo. Anh nghĩ sao về thực tế này?
-Tôi khẳng định là đa phần phim hài hiện nay đưa sản phẩm hoặc thương hiệu vào phim hơi phô, hơi lộ liễu. Cho nên khâu biên kịch, đạo diễn rất quan trọng bởi đó sẽ là người chỉnh nắn làm sao để việc đó thật hài hoà, khéo léo. Mình đưa sản phẩm này vào nhưng phải hết sức đời sống, phù hợp với tình huống kịch… thì khán giả mới chấp nhận được.
Chúng ta cũng không nên đả kích quá nhiều về chuyện này vì bản thân việc quảng cáo sản phẩm cho nhà tài trợ không có gì phản cảm cả. Nó chỉ hơi gây khó chịu cho người xem thôi. Nhưng nói đi nói lại thì người xem cũng nên rộng lòng với nhà sản xuất bởi đó là việc họ không thể không làm. Dù tôi không phải là nhà sản xuất nhưng cũng phải nói thật, nếu không có các doanh nghiệp, nhà tài trợ hoặc mạnh thường quân thì các nhà làm phim không thể làm nổi phim hài đâu. Chỉ có điều là khi đưa sản phẩm hoặc thương hiệu vào phim thì phải làm thế nào cho thật khéo léo để không bị phô, bị lộ liễu quá.
Không chỉ biết tới là một nghệ sĩ gắn bó nhiều năm trên sân khấu, mới đây NSND Quốc Anh còn được bổ nhiệm là quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Với nhiệm vụ mới này anh có gặp nhiều khó khăn?
-Thú thật, tôi đã từng đóng không biết bao nhiêu vai diễn nhưng chưa vai diễn nào khó như “vai” lãnh đạo một nhà hát với hơn 130 con người như hiện nay. Cả đời chỉ làm nghệ sĩ với hát chèo, múa chèo, diễn chèo... nay làm người quản lý là một công việc cực kỳ khó khăn đối với tôi. Tuy nhiên, vì danh dự cá nhân, vì Nhà hát, vì anh em nghệ sỹ nên tôi vẫn nhận trách nhiệm này.
Mặc dù hiện tại, Nhà hát Chèo Hà Nội vẫn được Nhà nước bao cấp toàn bộ kinh phí, nhưng thời gian tới đây, các đoàn nghệ thuật Nhà nước (trong đó có Nhà hát Chèo Hà Nội) sẽ phải tự nuôi sống bản thân, không đuợc sự bao cấp của Nhà nước nữa.
Vì thế, nếu bây giờ có ai đó dám hứa, sẽ lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội để tự nuôi sống mà không cần dựa vào ngân sách nhà nước, tôi sẵn sàng nhường vị trí ngay lập tức. Bởi với tôi chức vụ không phải là điều bản thân ham hố, mà quan trọng nhất là chèo lái “con thuyền” Nhà hát để ngày càng phát triển, tiếp nối truyền thống hơn 60 năm hình thành và phát triển của chèo Hà Nội mà từ lâu, nó đã trở thành một “thương hiệu” mạnh của làng chèo Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn anh!