Lái xe sử dụng ma túy: Báo động đỏ!
Vụ tai nạn thảm khốc tại Km 76+410, QL5, thuộc địa bàn xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương xảy ra ngày 21/1 làm 8 người chết, nhiều người bị thương, cùng nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng khác xảy ra thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng lái xe, đặc biệt tình trạng lái xe sử dụng ma túy.
Những vụ tai nạn thảm khốc diễn ra liên tiếp khiến người dân vô cùng lo lắng.
Khi lái xe dương tính với ma túy
Như chúng tôi đã thông tin, vụ tai nạn xảy ra tại km 76+410, Quốc lộ 5 là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến lái xe. Đoàn cán bộ và người dân xã Kim Lương với hơn 60 người đi viếng nghĩa trang đã không thể ngờ tai nạn xảy ra với mình, bởi họ đang đi ở phần sát đường, chiếc xe tải hung thần đang đi giữa đường bất ngờ lao vào đoàn người. Đau thương, tang tóc ập đến với bao gia đình, chính quyền, đoàn thể xã Kim Lương khi Tết đã cận kề.
Theo kết quả xét nghiệm ban đầu của Trung tâm y tế huyện Kim Thành, lái xe Lương Văn Tâm (28 tuổi, quê quán tại Cao Bằng) người điều khiển xe ôtô tải mang BKS 29C - 719.53 chạy theo chiều Hà Nội – Hải Phòng có dương tính với ma túy. Tâm khai đã sử dụng ma túy đá, không nhớ ngày nào. Tâm cũng khai đã ngủ gật, nhưng còn cụ thể như thế nào cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ. Tổng cục Đường bộ cho biết, qua kiểm tra hệ thống thông tin giám sát hành trình của Tổng cục, thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải BKS 29C-719.53 do Tâm lái không bật thiết bị giám sát hành trình. Thậm chí, cả năm 2018, chiếc xe này cũng không bật thiết bị hộp đen nên không có bất cứ dữ liệu nào được gửi về Tổng cục.
Vụ tai nạn thảm khốc tại Hải Dương xảy ra khi dư luận còn chưa nguôi vụ tai nạn thảm khốc tại Bến Lức, tỉnh Long An vào lúc 15h35 ngày 2/1/2019. Xe container do Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, trú tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An) điều khiển đã đâm vào hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Bình Nhựt khiến 3 người chết tại chỗ, 1 người chết ở bệnh viện, hàng chục người bị thương. Tại cơ quan công an, tài xế Hiếu thú nhận có dùng rượu bia trưa hôm gây ra tai nạn và khi kiểm tra Hiếu có dương tính với ma túy. Chiếc xe container cũng không hề hỏng phanh như tài xế đã khai báo.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, trong năm 2018 và tháng 1/2019 cả nước đã xảy ra 24 vụ tai nạn nghiêm trọng. Các tài xế có thâm niên lái xe trung bình 10 năm, trong đó có 9 vụ tài xế có giấy phép lái xe hạng E, 6 hạng B2, 4 hạng C, 3 hạng D và 2 hạng FC. Mặc dù các lái xe đều có thâm niên, trình độ nhưng ở đây rõ ràng chất lượng, trình độ là có vấn đề. Chỉ nói về hai vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây nhất, lái xe đều dương tính với ma túy.
Xung quanh vấn đề lái xe dương tính với ma túy, theo khảo sát ngay từ 6 năm trước đã có hơn 30% tài xế container (bằng lái FC) dương tính với ma túy. Con số hiện nay thì chưa rõ. Thực tế khi triệt phá nhiều vụ án ma túy, qua điều tra cho thấy không ít lái xe là đối tượng tiêu thụ ma túy, nhất là ma túy đá. Dư luận, công luận cũng đã liên tục cảnh báo, vậy nhưng không hiểu sao tình trạng này vẫn tồn tại và tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn liên tục xảy ra.
Chủ doanh nghiệp hầu như vô can
Trước tình trạng lái xe sử dụng ma túy và gây ra các vụ tai nạn thảm khốc, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện về phía quản lý Nhà nước đã quy định đầy đủ từ việc sử dụng lao động như thế nào. Phải có hợp đồng lao động, thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ và quản lý đối với lái xe. Chúng ta không thiếu quy định pháp luật về việc này, vấn đề thực hiện nằm ở các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải… Nếu lái xe là lao động tại doanh nghiệp thì anh em trong đội xe hàng ngày biết ai là người nghiện, có sử dụng ma túy hay không? Tuy nhiên hiện nay các chủ doanh nghiệp hầu như “vô can” trong chuyện này cho nên cần phải quy trách nhiệm đối với các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải. Bởi những lái xe đã có hợp đồng lao động với doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý những lái xe này.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương.
Bên cạnh đó, theo ông Thanh hiện còn có một thực tế là có một số lái xe “vật vờ” không phải của doanh nghiệp nhưng khi các doanh nghiệp thiếu người, ký hợp đồng mà không biết ai là người nghiện, ai không nghiện. “Chính vì vậy lái xe thuộc dạng hợp đồng mà nghiện ma túy cần quy trách nhiệm đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bởi theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải có trách nhiệm quản lý lái xe, có trách nhiệm tổ chức lái xe và giám sát sức khỏe của người lao động thường kỳ. Khi phát hiện ra lái xe nghiện ma túy cần có biện pháp xử lý ngay”- ông Thanh chia sẻ.
Bên cạnh đó ở góc độ luật pháp, khi doanh nghiệp có nhiều lái xe dương tính với ma túy cũng khó có thể tước giấy phép kinh doanh hoạt động đối với các doanh nghiệp này, vì Luật Doanh nghiệp không cho phép cơ quan nào làm việc đó.
“Vì vậy chúng ta cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, quy trách nhiệm cho các chủ doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải và phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Những trường hợp lái xe test dương tính với ma túy thì chấm dứt hợp đồng lao động”- ông Thanh khuyến nghị.
Nói về việc tài xế sử dụng ma túy, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết, với tài xế đường dài thì việc này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng với tài xế chạy đường ngắn, ví dụ như tài xế xe container gây tai nạn ở Long An thì không thể nói là tài xế chịu áp lực công việc. Pháp luật có quy định về việc khám sức khỏe định kỳ cho tài xế và chủ doanh nghiệp phải thực hiện điều này. Nhưng theo ông Quản để theo dõi một tài xế có sử dụng ma túy hay không lại là điều không đơn giản.
Về mặt doanh nghiệp là vậy, còn với lái xe? Như anh Trần Văn Thanh, một lái xe ở quận 12 TP HCM cho biết, giữa doanh nghiệp và lái xe có thỏa thuận ngày làm việc 8 tiếng, nếu quá thời gian trên thì hai bên tự thỏa thuận, bên nào gây ra hậu quả thì bên đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Anh Thanh cũng cho hay, việc doanh nghiệp, chủ phương tiện ép tài xế chạy nhiều hơn thời gian quy định là hoàn toàn có thật. Bởi vậy, đối với tài xế để chịu được áp lực của doanh nghiệp vận tải, của chủ phương tiện, nhiều khi phải sử dụng chất kích thích, chất ma túy.
Giao xe cho con nghiện là tội ác
Mới đây, trong cuộc gặp mặt báo chí cuối năm 2018, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP HCM cho rằng, để hạn chế người nghiện ngồi sau vô lăng, cần phải siết trách nhiệm chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện giao thông cơ giới trong việc sử dụng lao động. Công an TP HCM mong muốn sắp tới, ngành chức năng cần có thêm các quy định xử phạt chủ phương tiện, thậm chí trong một số trường hợp chủ phương tiện phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự. “Biết lái xe nghiện nhưng anh vẫn giao cho họ thì xảy ra tai nạn phải bị xử lý. Hoặc là những trường hợp tai nạn do lái xe bị ép chạy xe tốc độ cao, quay vòng cho nhanh, việc này cần xem xét ở tội danh khác” – ông Minh nói.
Theo Luật gia Đặng Đình Thịnh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam, việc quy trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải về mặt pháp lý Bộ luật Hình sự hiện nay quy định chưa rõ ràng, nhưng áp dụng ngay vẫn có thể được ở hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong an toàn giao thông đường bộ. Nếu là chủ phương tiện khi giao cho tài xế, họ phải biết phương tiện đó còn hạn sử dụng, còn quyền lưu hành, tài xế có bằng cấp, đủ sức khỏe đặc biệt không mắc bệnh tật, có sử dụng chất kích thích hay không? Biết lái xe nghiện mà vẫn giao xe là tội ác.
Khi tình trạng người nghiện, người sử dụng ma túy, chất kích thích vẫn còn ngồi sau vô lăng thì người tham gia giao thông vẫn bị đe dọa tính mạng nghiêm trọng. Thiết nghĩ, việc quản lý các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện hay quản lý tài xế được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ và một số nghị định của Chính phủ. Thêm vào đó, việc đề xuất xử lý hình sự đối với chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải trong một số trường hợp cũng là mong muốn đề cao ý thức hơn trong kinh doanh. Vì vậy, trước mắt, các ngành, các địa phương cần siết chặt hơn sự giám sát đối với chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải và tài xế trong việc thực hiện các quy định khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông. Hoạt động này phải diễn ra định kỳ, thường xuyên, nghiêm túc chứ không làm theo kiểu rầm rộ một thời gian rồi tạm lắng.
Khởi tố vụ án Ngày 22/1, Công an huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đã khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về tham gia giao thông”, liên quan đến vụ án xe tải đâm vào đoàn cán bộ xã Kim Lương đi bộ ven đường sau khi viếng Nghĩa trang liệt sỹ, khiến 8 người chết, tại huyện Kim Thành, xảy ra ngày 21/1. Hiện cơ quan công an tiếp tục củng cố lời khai, hoàn tất hồ sơ xem xét khởi tố tài xế trong vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này. Đức Sơn |
Dốc sức cấp cứu nạn nhân Ngày 22/1, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện các bác sĩ của BV đang cấp cứu và điều trị cho 1 nạn nhân bị thương nặng nhất trong vụ tai nạn bị xe tải đâm ở Hải Dương khiến 8 người chết và nhiều người khác bị thương. Cụ thể, đêm ngày 21/1, BV Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân H.V.D. (67 tuổi, ở Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương) - bệnh nhân bị thương nặng nhất. BS Trần Đạt - Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân D. bị máu tụ trong não thái dương trái; có thể phải mổ nếu chụp phim tổn thương to lên, máu tụ to lên gây chèn ép máu trong não, tri giác chậm, buồn nôn... Ngoài ra, bệnh nhân bị chân vỡ ổ cối phải, trật khớp háng phải. Hiện toàn trạng ổn định, các bác sĩ tiếp tục theo dõi tri giác, đồng tử, hô hấp... của bệnh nhân X.Thủy |