Tôn vinh các tác phẩm âm nhạc
Ngày 22/1, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng âm nhạc năm 2018.
Trao giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018.
Theo đó, ở giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2018, BTC đã nhận được 195 tác phẩm của 195 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước tham dự. Trong đó, thanh nhạc có 160 tác phẩm (trong đó 143 ca khúc và 14 ca khúc thiếu nhi, 3 ca khúc nghệ thuật); 6 tác phẩm hợp xướng và ca cảnh; 15 tác phẩm khí nhạc (gồm giao hưởng, độc tấu, tứ tấu, hòa tấu nhạc cụ); 4 chương trình biểu diễn; 10 công trình lý luận.
Hội đồng nghệ thuật đã làm việc nghiêm túc và công tâm để chọn được 61 công trình, tác phẩm xuất sắc, có chất lượng tốt để trao giải thưởng 2 giải A, 8 giải B, 29 giải C, 19 giải Khuyến khích và 3 tặng thưởng. Trong đó, 2 giải A được trao cho Liên khúc Đồng dao (lời: Đồng Dao và Trương Quang Tuyến, nhạc: Trương Quang Tuyến) ở thể loại ca khúc thiếu nhi; 20 bài nghiên cứu phê bình công bố năm 2017, 2018 (tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu) ở thể loại báo chí.
Đánh giá về giải thưởng, NSND Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết về thể loại khí nhạc nhìn chung các tác phẩm được viết với ngòi bút chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các tác phẩm chưa có những sáng tạo nổi bật do những nhược điểm như một số tác phẩm như sao chép lại ngôn ngữ cổ điển phương Tây, thậm chí ở giai đoạn cổ điển. Gần như vắng thủ pháp Polyphonie, trong lúc thủ pháp này rất thích hợp với tư duy đơn âm của phương Đông phát triển theo chiều ngang. Bên cạnh đó, việc sử dụng hình tượng từ thơ ca cổ điển với tác giả kinh điển như Nguyễn Du, trong lúc ngôn ngữ hoàn toàn không ngang tầm cỡ.
Còn về Hợp xướng, theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các ca khúc đều mang tính thời sự, tuy nhiên không được quên tính nghệ thuật. Ở đó, vẫn tồn tại nhược điểm không rõ lời, lẫn lộn giữa hợp xướng và hợp ca. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực Thanh nhạc các tác phẩm trong lĩnh vực thanh nhạc chủ yếu vẫn là ca khúc, đã bám sát chủ đề chính là ca ngợi cuộc sống mới, con người mới, tình yêu quê hương đất nước, tri ân những giá trị truyền thống cách mạng. Kịp thời viết về những đề tài như biển đảo, nông thôn mới, tình yêu đôi lứa trong sáng thủy chung. Ngôn ngữ âm nhạc đa dạng phong phú. Một số mang âm hưởng dân ca các dân tộc, nhiều ca khúc viết theo phong cách mới, sử dụng tiết tấu hòa thanh hiện đại. Nếu như thơ ca chắp cánh cho âm nhạc, thì lần này vui mừng nhận thấy đã có 16 nhà thơ là đồng tác giả của các nhạc sĩ, tạo nên những ca khúc đặc sắc, có chất lượng về nội dung và nghệ thuật. Tuy nhiên, còn ít những ca khúc mang tính sáng tạo đột phá, phần nhiều giai điệu dễ nghe, quen thuộc, chủ đề chưa có những phát hiện mới. Ngoài ra, ở hạng mục các công trình về lý luận phê bình, còn ít về số lượng…
“Về các bài viết trên báo chí chất lượng được nâng cao, mang tính học thuật phê bình, lý luận, định hướng cho dư luận trong đời sống âm nhạc, tiêu biểu như “20 bài nghiên cứu phê bình đã công bố năm 2017 – 2018” của nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu. Chương trình biểu diễn, số lượng còn ít”- NSND Đỗ Hồng Quân cho biết thêm.