Bác Tôn về thăm nhà
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đưa tàu ra Côn Đảo đón Bác Tôn Đức Thắng về đất liền. Một trong những việc đầu tiên, Bác Tôn đến Vĩnh Kim (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thăm nhà. Bác vừa đặt chân tới nhà thì cũng vào lúc đỏ đèn.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm gia đình Thiếu tướng Tô Ký ở Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán 1970.
Biết tin chồng sắp về, bác gái đi xóm trên mua cặp gà về ăn mừng. Được biết Bác Tôn về sớm, bác gái chạy nhanh về nhà, buông cặp gà đang xách trên tay, đã trả tiền rồi, gà chạy mất. Bác trai ngồi đó, trên bộ ván dầu. Khách khứa đến khá đông. Bác gái nhìn chồng, xa nhau 17 năm, nghẹn ngào không nói được lời nào, chỉ đứng ôm cột nhà mà khóc. Nước mắt của nỗi vui mừng đột ngột đến, cái khóc lúc trùng phùng của con người nặng tình chung thủy.
Năm 1967, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga, Bác Tôn được Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lê-nin. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, cộng tác viên lâu năm của báo Đại Đoàn Kết, người thầy thuốc bên cạnh Bác Tôn nhiều năm, một lần kể với chúng tôi: Lúc bấy giờ Giải thưởng Lê-nin bằng tiền rất lớn. Ngoài số tiền đó, bạn Liên Xô còn gửi biếu Bác mười ngàn rúp nữa để Bác mua quà về tặng gia đình, bầu bạn. Chỉ còn một ngày nữa là Bác rời Mátxcơva, nhưng số tiền lớn Bác nhờ tôi giữ dùm còn nguyên. Tôi nhắc Bác mua cho bác gái, muốn thứ gì tôi sẽ ra GUM (Cửa hàng bách hóa tổng hợp) mua đủ. Bác suy nghĩ hồi lâu, mới bảo tôi:
- Tính tôi ưa ăn nhất là món cá kho tộ, bỏ nhiều tiêu. Chiều nào bà ấy cũng đem tiêu hột ra đâm trong chén đá, văng tùm lum ra ngoài. Bả lại kém mắt rồi, nên cứ lò mò tìm từng hột bỏ vô lại. Vậy anh tìm mua cho tôi một cái cối xay tiêu đem về tặng, chắc bà mừng lắm.
Tôi đã chọn cối quay tay đẹp nhất bằng gỗ ở GUM, nhưng chỉ mất có 7 rúp. Còn lại 9.993 rúp đem về trao lại cho Bác Tôn.
Một lần Bác Tôn gái bệnh, vào nằm viện 108. Hôm nào viện nhận tin Bác Tôn vào thăm bác gái, thì bệnh viện tin cho bác gái hay. Bao giờ cụ bà cũng thay quần áo đẹp để đón chồng. Khó mà không xúc động khi thấy một vị Chủ tịch 80 tuổi bên vợ như đôi lứa còn xuân xanh, tóc bạc ấp ủ lên tóc bạc.
Bác Tôn gái mất năm 1974, thọ 76 tuổi.
Sau ngày giải phóng miền Nam, Bác Tôn về An Giang thăm quê. Nhà Bác ở xã Mỹ Hòa Hưng, là một cù lao bao quanh cây lá xanh tươi: Xoài, mận, vú sữa, sa bu chê, chuối, nhãn… Mỗi thứ trái cây có biết bao nhiêu loại. Xoài thì có xoài thanh ca, xoài cát, xoài tượng… Mận thì có mận hồng đào, mận da trắng…. Tại đây, bà con còn làm nghề trồng dâu nuôi tằm và nghề dệt vải mùng. Nghề trồng lác (cói) dệt chiếu cũng là một trong những nghề nổi tiếng ở cù lao bãi bồi này. Cho nên có phải là điều ngẫu nhiên trong “Bài ca Hắc Hải”, nhà thơ Nguyễn Đình Thi sáng tác năm 1958 có những đoạn làm người đọc dễ liên tưởng đến quê hương Mỹ Hòa Hưng của người thủy thủ Tôn Đức Thắng:
Việt Nam đất nước chan hòa
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa
trời xanh
Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình
thủy chung
Đất trăm nghề của trăm vùng
Khách phương xa tới lạ lùng
tìm xem
Tay người như có phép tiên
Trên tre lá cũng dệt nghìn
bài thơ...
Một con mương nhỏ từ sông Hậu dẫn nước phù sa đậm đặc vào ấp Mỹ An là đến nhà Bác Tôn. Trên tấm bản đồ kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của địch ngày trước, chúng tô đậm một màu vàng ở ấp Mỹ An và chú thích: “Tư tưởng quần chúng lừng chừng”. Riêng chỗ chấm đỏ cách bến đò Ô Môi chừng một cây số, chúng chú thích: “Tình nghi có thân nhân thoát ly làm việc tại Hà Nội”. Nơi có cái chấm đỏ đó là căn nhà sàn gỗ ba gian hai chái cao hơn mặt đất một mét, nửa nhà ngoài không có tường, chỉ có những thanh gỗ bắt chéo thành bao lơn bọc quanh, phía trên lợp ngói. Ngôi nhà không xây gạch, nhẹ nhàng thanh thoát như nhiều căn nhà sàn khác ở trong vùng. Bên trong nhà có bàn thờ cụ ông, cụ bà thân sinh Bác và một ít đồ dùng bình dị khác. Chính tại căn nhà ấm áp này, ngày 20/8/1888, Bác Tôn Đức Thắng chào đời.
Tháng 10/1975, Bác Tôn từ Hà Nội về thăm quê, sau bao nhiêu chục năm xa nhớ. Năm ấy, bác Tôn Đức Nhung, em ruột thứ tư của Bác Tôn còn khỏe mạnh, kể lại: Anh Hai tôi (Tôn Đức Thắng), ổng đi lâu quá mới về thăm nhà. Ổng tới cửa là hỏi liền: Ủa, cây xoài đâu rồi? Vậy là ổng nhớ tới cây xoài rất bự, trồng từ hồi nào thuở xưa ở ngay trước cổng kia. Tôi nói: Cây xoài lão quá, đổ lâu rồi. Rồi ổng hỏi tiếp: Cái mái (chum) đựng nước mưa bên hè nhà còn không? Tôi nói lâu quá bể mất rồi. Anh Hai tôi cười: Nếu còn nó cũng bằng tuổi tôi hoặc hơn.
Ổng nhìn quanh, thấy chòm xóm nhiều nhà, cây cối um tùm, ổng ngạc nhiên: Đổi thay nhiều quá! Hồi xưa ít nhà lắm, bà con ở lưa thưa… Bây giờ thì đông đúc.
Bác Tư Tôn Đức Nhung kể tiếp: Anh Hai tôi năm đó còn khỏe, ông bước lên nhà sàn nhẹ nhàng, tay bắt mặt mừng với anh em, con cháu. Rồi ông thắp hương xá trước bàn thờ ông bà, cha mẹ. Ông ngồi xuống hỏi thăm từng người trong gia đình họ Tôn, tình hình ở ấp, ở xã. Nghe xong, anh Hai tôi vui vẻ mời mọi người ra trước sân nhà chụp ảnh kỷ niệm...
Bác Tôn về thăm nhà chỉ chừng 45 phút. Bác Tư Tôn Đức Nhung hỏi:
- Sao anh Hai không ở nhà vài ngày, mà lại đi liền?
Ổng nói: “Về thăm gặp đủ mặt như vầy là mừng quá rồi! Ở lâu cũng được, nhưng tốn hao của Nhà nước”! Rồi ổng chào hết lượt mọi người. Ổng lại đi!
Bà Bảy Vân - (phu nhân của Tổng Bí thư Lê Duẩn (mới qua đời trong năm 2018), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy An Giang từng tham gia đón Bác Tôn về thăm nhà hồi tháng 10/1975, kể rằng: Bác rất xúc động khi đặt chân tới thị xã Long Xuyên. Bác hỏi: Chiếc cầu bằng cây hồi trước Bác thường đi qua, giờ đâu rồi? Đó là cầu Hoàng Diệu ngày nay rộng lớn bằng xi măng đúc thép thay cho chiếc cầu lót ván thời xưa... Rồi Bác muốn về thăm lại ngôi trường xưa, nhưng thời gian ít quá, không thực hiện được.
Nhớ lại, hồi trẻ Bác Tôn học ở thị xã Long Xuyên, ngày ngày đi đò ngang sang bên trường. Lúc lên Sài Gòn làm công nhân ở xưởng Ba Son, thỉnh thoảng chủ nhật Bác về thăm nhà một lúc, có đêm ngủ lại. Bác vào hội kín (Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội, một tổ chức tiền thân của Đảng ta, hoạt động bí mật), ít khi về. Hồi 40 tuổi, Bác về nhà được một chặp. Mới vào nhà, ngồi trên ngạch cửa, sát lan can nhìn ra thấy một kẻ lạ mặt nhìn ngó vào. Bác liền đi ngay, chưa kịp thăm hỏi gia đình. Sau mọi người biết kẻ lạ mặt là tên mật thám của bọn “phòng nhì”, tình báo của bọn thực dân Pháp. Thế là Bác đi hoạt động rồi lại bị đày ra Côn Đảo cho đến tháng 9/1945 Bác mới trở về nhà, tuổi đã 57. Buổi về thăm nhà sau Cách mạng Tháng Tám thành công cũng không lâu, chưa đầy một ngày một đêm, đi thăm một số nơi, số gia đình trong ấp, rồi ra đi vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc...