Dám nói và nói trúng ý nguyện của Nhân dân
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Những phát ngôn, sự phát hiện, kiến nghị của ĐBQH xuất phát từ quá trình giám sát thực tế. Nhưng làm sao để phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của ĐBQH trong quá trình hoạt động, hay qua giám sát có những kiến nghị sát với đời sống người dân?
Ông Đặng Ngọc Huy. Ảnh: Quang Vinh.
Phải được Nhân dân tin yêu
Là Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đặng Ngọc Huy nhìn nhận: Trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, một trong những bài học kinh nghiệm đã được Quốc hội chỉ ra, đó là: “Quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, phục vụ dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân góp phần tạo ra sức mạnh cho Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội bám sát sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội, có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân.” Do vậy,để tạo nên sức mạnh của Quốc hội, theo ông Huy: “Mỗi vị đại biểu phải được Nhân dân tin yêu, đồng tình, chia sẻ, ủng hộ, đóng góp ý kiến và giám sát mọi hoạt động”.
Ông Huy chia sẻ: Qua hơn nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, chúng ta có thể nhận thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của Quốc hội. “Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội như:Giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có nhiều đổi mới, tạo được nhiều dấu ấn thông qua lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dự luận xã hội quan tâm. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP; về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân”- ông Huy bày tỏ.
Từ đó ông Huy đưa ra đánh giá: Những thành công này của Quốc hội trước hết phải có sự đóng góp của mỗi vị ĐBQH, tự đổi mới mình, thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân.
Tăng cường giám sát ĐBQH
Vậy trước bài toán được cử tri và Nhân dân đặt ra là làm sao có thể phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của ĐBQH trong quá trình hoạt động, hay qua giám sát để có những kiến nghị sát với đời sống người dân và góp phần vào quá trình phát triển đất nước, ông Huy nhìn nhận: Từ nay đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vẫn còn rất nhiều việc phải làm, từ phía các cơ quan của Quốc hội và từ phía ĐBQH, từ phía Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cử tri.
Ở góc độ chuyên môn quản lý ĐBQH, ông Huy cũng cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường hoạt động giám sát ĐBQH theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giám sát đại biểu dân cử. Bởi đây là cơ sở để góp ý với đại biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, là cơ sở để tiến hành hiệp thương người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Nhưng một vấn đề quan trọng mang tính “căn cơ” được ông Huy đề cập đến chính là cử tri cả nước thực hiện việc giám sát ĐBQH mà mình bầu ra và ĐBQH của cả nước. Bởi theo ông Huy, có như vậy mới thấy được đại biểu nào có trách nhiệm với công việc? đại biểu nào hoạt động tốt? đáp ứng được mong muốn của cử tri, nhất là đến năm 2021 cử tri cả nước sẽ tiếp tục thực hiện quyền lựa chọn đại biểu thông qua lá phiếu. Bên cạnh đó, các vị ĐBQH cần phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri, hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách mà nhân dân tin tưởng. Theo đó, ĐBQH cần tăng cường gắn bó với cử tri, không chỉ qua một năm 4 kỳ tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, mà cần coi việc tiếp xúc cử tri là thường xuyên, phải gắn bó chặt chẽ với cử tri, có như vậy mới lắng nghe được nguyện vọng của Nhân dân, của cử tri để chuyển tới diễn đàn Quốc hội.
Cần tránh “tư duy nhiệm kỳ”
“Quốc hội có nhiệm kỳ nhưng ĐBQH cần tránh tư duy nhiệm kỳ, không nên có tư duy này. Trở thành người đại biểu của dân, đại diện cho cử tri cả nước là niềm tự hào, trách nhiệm cao cả, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước do vậy, ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội này phải nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do vậy phạm vi quyết định của Quốc hội rất rộng, liên quan tới toàn bộ đời sống xã hội, có những nội dung đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, do vậy, đại biểu Quốc hội cần nâng cao trình độ, học tập để khi biểu quyết thể hiện được chính kiến của mình”- ông Huy nhấn mạnh, đồng thời nhìn nhận, bên cạnh năng lực, trình độ thì ĐBQH cần tự rèn luyện bản lĩnh, bản lĩnh, không chỉ là việc dám nói mà phải nói đúng, nói trúng ý nguyện của Nhân dân.
“Khi đại biểu phát biểu không chỉ là ý kiến cá nhân đại biểu, cái “tôi”; mà là người đại diện của Nhân dân nên phải nói được tiếng nói của người dân”- ông Huy đề nghị.
Ông Bùi Văn Xuyền. Ảnh: Quang Vinh.
Phải biết hy sinh lợi ích cá nhân
Từ quan điểm của một vị ĐBQH được 2 nhiệm kỳ, cũng như ở góc độ luật pháp, ông Bùi Văn Xuyền- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận: Muốn nâng cao hoạt động của Quốc hội phải bắt đầu từ nâng cao chất lượng của ĐBQH. Bởi trong Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của ĐBQH nhưng để ĐBQH có những chính kiến, kiến nghị sát với đời sống người dân, góp phần vào quá trình phát triển đất nước phụ thuộc vào chất lượng, năng lực, thể hiện chính kiến của từng ĐBQH.
Để có những kiến nghị sát thực tế, ĐBQH phải giám sát và đeo đuổi tới cùng những vấn đề bản thân mình phát hiện, song theo ông Xuyền, giám sát của ĐBQH vẫn phụ thuộc chung vào giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giám sát của đoàn ĐBQH. Còn giám sát riêng của từng ĐBQH là vấn đề khá khó khăn vì khả năng và thời gian. Cho nên cơ chế hỗ trợ cho hoạt động của ĐBQH cần rõ ràng hơn nữa như: phải có cơ chế để đại biểu phát hiện ra vấn đề, thuê chuyên gia tư vấn và các đơn vị hỗ trợ để bản thân ĐBQH có thể tự đi giám sát, từ đó mới có những kiến nghị sát với thực tiễn cuộc sống người dân.
Nhấn mạnh đến việc mỗi phát biểu của ĐBQH có một tác động rất lớn tới đời sống xã hội, theo ông Xuyền, điều đó đòi hỏi những phát biểu của ĐBQH phải chính xác, chuẩn xác, đúng pháp luật và đảm bảo đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Muốn vậy đòi hỏi năng lực và trình độ giám sát của ĐBQH phải rất cao, và sâu.
“Điều quan trọng nhấtchính là bản lĩnh của ĐBQH, ĐBQH phải dám nói, dám đương đầu và chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân của mình, có khi phải chấp nhận thiệt thòi”- ông Xuyền nói, đồng thời cho rằng: “Muốn vậy phải có những biện pháp tổng thể, đổi mới cơ cấu tổ chức của Quốc hội, hỗ trợ ĐBQH, đặc biệt là phải chọn được những ĐBQH thực sự có năng lực, đi cùng với đó là phải bản lĩnh, chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân, bản thân để làm việc vì cử tri theo đúng tinh thần là đại biểu của nhân dân”.