Tư tưởng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm: Sáng mãi tinh thần và trí tuệ Việt Nam
Trên logo của Viện Trần Nhân Tông, sáng lấp lánh 4 chữ “Hòa Quang Đồng Trần”- một tư tưởng xuyên suốt của Phật giáo Trúc Lâm mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã kế thừa từ nguồn tuệ giác của các bậc thiền sư lỗi lạc đương thời và làm cho nó trở thành một triết lý Phật giáo. Một dòng chân tu và trí tuệ Phật giáo mang bản sắc Việt Nam.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử.
Với sự ra đời của Viện Trần Nhân Tông (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) cách đây 2 năm, lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Và càng đi sâu nghiên cứu, các nhà khoa học càng thấy sáng hơn tầm vóc tư tưởng lớn mà Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại.
Việc ra đời Viện Trần Nhân Tông, đặt tại một đại học hàng đầu của Việt Nam, từ góc độ học thuật sẽ tôn lên mạnh mẽ tư tưởng Trần Nhân Tông và văn hóa truyền thống Việt Nam.“Chúng tôi muốn đem ánh sáng của trí tuệ, lòng từ bi và nhân ái, tình yêu thương rộng lớn của Trần Nhân Tông rạng tỏa cho hậu thế qua con đường giáo dục” – PGS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, khẳng định.
Cũng theo PGS Nguyễn Kim Sơn, tư tưởng Trần Nhân Tông mỗi lần tiếp cận lại nhìn thấy những ánh sáng mới và công cuộc nghiên cứu Trần Nhân Tông dường như mới bắt đầu.
Đức Trần Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam cho đến ngày nay vẫn là người duy nhất từ đỉnh cao quyền lực rồi thành Phật. Bởi thế cũng là người duy nhất được gọi là Phật Hoàng. Điều đáng nói là khi ấy, Hoàng đế Trần Nhân Tông đã đạt tới đỉnh cao của chiến công mà sau này thế giới phải kính phục với hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông và triều đại nhà Trần trong 15 năm ở ngôi của ông là thời kỳ cực kỳ thịnh trị, một thời kỳ hiển hách nhất cả về võ công và văn trị. Tất nhiên vai trò cố vấn của vua cha Trần Thánh Tông và tài quân sự kiệt xuất của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo góp phần rất lớn nhưng là người nắm quyền lực chính, Trần Nhân Tông chính là linh hồn của xã tắc ở thời kỳ ấy. Nghĩa là ông đang là một trong những Hoàng đế anh minh nhất của lịch sử đất nước lúc đang ngồi ở ngôi cao khi ấy.
Lên ngôi năm 20 tuổi (1278), 15 năm hiển hách chiến công, 35 tuổi vị Hoàng đế có trí tuệ và tầm tư tưởng vào bậc nhất ấy nhường ngôi cho con là Anh Tông để làm Thái Thượng hoàng.
Thái Thượng hoàng bỏ nốt kinh đô vàng son về núi Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái Phật giáo phản ánh một cách ưu tú bản lĩnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam. Người - ngay cả khi đã từ bỏ quyền lực và lầu son gác tía - vẫn đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết thảy. Lúc ở ngôi cao Hoàng đế Trần Nhân Tông chứng minh sức mạnh của một dân tộc tưởng như nhược tiểu đã có một sức mạnh quân sự vĩ đại để chiến thắng kẻ thù.
Còn khi từ bỏ quyền lực trở thành bậc tu hành, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đưa tư tưởng văn hóa Việt Nam vượt tầm thời đại.“Phật giáo Trúc Lâm là Phật giáo bản địa đầu tiên của người Việt, đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông Việt hóa nhằm nêu cao ý chí tự lực tự cường và thống nhất các tổ chức hệ phái của Phật giáo thành một giáo hội độc lập thuần túy của dân Việt, theo nguyện vọng của người Việt, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước Đại Việt và bản sắc văn hóa Việt, có thể nói đây là nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo và dân tộc Việt Nam”- Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định.
Trong rất nhiều giá trị tư tưởng Trần Nhân Tông, cho đến ngày nay, thế giới ngày càng biết đến rộng rãi tư tưởng về hòa hợp và hòa giải. Chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Hoàng đế Trần Nhân Tông bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp.
Không chỉ tha cho kẻ phản bội, tư tưởng hòa hợp, hòa giải của Hoàng đế Trần Nhân Tông còn là tha cho kẻ thù. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có một chi tiết: “Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng”. Chỉ một chi tiết nói về việc ban thưởng cho tướng lĩnh sau chiến tranh, vì Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn hăng say đón đánh bọn giặc Nguyên trên đường tháo chạy về nước sau khi đã có lệnh của vua Trần Nhân Tông không được cản trở chúng nên không được thăng chức, cho thấy cả một tư tưởng lớn. Ở thế kỷ 13, kết thúc chiến tranh, nhà tư tưởng Trần Nhân Tông đã cố gắng xóa bỏ hận thù: Hận thù trong lòng dân tộc và hận thù với kẻ thù.
Đánh thắng giặc xong thì xây dựng hòa hợp dân tộc và hòa giải ngay cả với kẻ thù, tư tưởng Trần Nhân Tông ở thế kỷ 13 thời sự và tỏa sáng đến tận ngày nay.
Không có hòa hợp và hòa giải, Trần Nhân Tông không thể thành công trong việc an dân và định nhân tâm sau cuộc chiến. Từ tư tưởng ấy, công cuộc mở rộng bờ cõi và xây dựng nền văn hóa rực rỡ triều Trần mới quy tụ được sức mạnh trí tuệ toàn dân.
Ngay cả trước cuộc chiến, hòa hợp, hòa giải cũng chính là yếu tố thành công của chiến thắng Nguyên Mông. Hòa giải hiềm khích trong nội bộ gia tộc nhà Trần. Hòa giải để tin tưởng trao vào tay Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo quyền lực tối cao thống lĩnh quân đội. Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng được các nhà sử học sau này gọi là cuộc họp công khai và dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhằm lấy ý kiến rộng rãi về một vấn đề trọng đại của đất nước: “Trải lòng mình với trăm họ, khích động được tình cảm muôn dân, làm cho niềm cảm khái trong mọi tầng lớp vương hầu và dân chúng nhanh chóng dâng lên và quy tụ về một mối”.
Ở thế kỷ 21 nhìn lại, không khỏi khâm phục cho một tầm nhìn từ thế kỷ 13 khi Hoàng đế Trần Nhân Tông luôn tâm niệm rằng những người bên cạnh mình là anh em thân thuộc, những người phải lưu lạc và lầm lỗi là những người con xa. Điều đó lý giải vì sao vị Hoàng đế anh minh đã tụ hội được những người giỏi nhất giúp sức cho đại nghiệp.
Chỉ có hòa hợp và hòa giải mới là nền móng cho một nền hòa bình bền vững, cho việc hình thành tư tưởng và văn hóa Việt Nam nhân ái, bao dung.
Tư tưởng ấy tiêu biểu cho ánh sáng trí tuệ và tình nhân ái hình thành ngay từ lúc vị Hoàng đế chưa trở thành Tổ Đệ nhất Trúc Lâm, tư tưởng ấy là một triết lý sống mang tầm vóc và tư duy dân tộc.
Từ bỏ ngai vàng, Đức Phật hoàng dường như đã nghĩ tới một tầm vóc khác, không phải chỉ dừng lại ở sức mạnh của chiến thắng và quyền lực. Dân tộc phải được khai sáng bằng những giá trị tư tưởng. Và bằng con đường Phật giáo, Ngài giác ngộ lòng nhân ái và khả năng hóa giải các mâu thuẫn để tạo nên sức mạnh đoàn kết.
Tư tưởng lớn lao ấy của Trần Nhân Tông vượt qua gần một thiên niên kỷ bão táp, đến gần với những giá trị của nhân loại, thuộc về nhân loại. Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã hết sức thú vị khi bắt gặp được tư tưởng Trần Nhân Tông và mong muốn nó lan tỏa hơn trong thế giới ngày nay.
Trần Nhân Tông – người đã vượt lên trên cả tầm vóc của một vị vua anh minh, một nhà quân sự xuất sắc để xứng đáng là một nhà tư tưởng có tầm vóc vượt thời đại. Việc tiếp tục nghiên cứu làm tỏa sáng di sản tư tưởng Trần Nhân Tông, để tư tưởng khoan dung và hòa hợp, nhân ái của Phật hoàng là ánh sáng vô lượng còn rạng tỏa mãi tới hôm nay và mai sau.