Hồi sinh tranh Kim Hoàng
Cách trung tâm Hà Nội gần 30 km về phía Tây, làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) vốn nức tiếng với dòng tranh Kim Hoàng. Nhưng rồi, cũng như nhiều dòng tranh dân gian khác, tranh Kim Hoàng dần mai một. Tới nay, nhờ những người yêu tranh, những bức tranh Kim Hoàng đã hồi sinh.
Bản khắc tranh gà trống.
Ông Nguyễn Thế Nhuận- nguyên Trưởng ban Quản lý di tích Đình Kim Hoàng cho biết, dân làng Kim Hoàng xưa chủ yếu là những người di cư từ Thanh Hóa ra, bắt đầu từ năm 1701, gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Tranh Kim Hoàng nổi lên từ nửa cuối thế kỷ 18. Sang thế kỷ 19, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh và nổi tiếng không kém gì tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống với hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế đi đầu trong việc làm tranh. Đề tài trong tranh Kim Hoàng cũng tương tự như tranh Đông Hồ, đó là những gì quen thuộc trong cuộc sống giản dị, mộc mạc của người nông dân như lợn, gà, trâu, bò, cảnh ngày Tết, ông Công, ông Táo... Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ, màu sắc tươi, không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nên giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu.
Với tranh Kim Hoàng, người vẽ chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do sáng tạo, chấm phá màu sắc theo ý thích, cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế mỗi bức tranh đều có diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc.
Theo ông Nhuận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lụi tàn của dòng tranh Kim Hoàng, trong đó phải kể đến trận lụt năm 1915. Nhiều làng mạc từ thị trấn Phùng đến Cầu Giấy ngập trắng trong nước. Đê Liên Mạc vỡ, nhiều nhà bị đổ, ván in trôi phần lớn, mất sinh kế làm ăn, dân làng Kim Hoàng phải tha phương cầu thực khắp nơi. Thậm chí người ta còn phải đổi ván in để lấy gạo ăn, phường tranh tan dần rồi gần như mất hẳn vào khoảng giữa thế kỷ 20.
Cách đây gần 3 năm, lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, người dân Thủ đô và cả nước được chiêm ngưỡng lại dòng tranh Kim Hoàng “Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong số những dòng tranh đặc sắc khi đó, tranh Kim Hoàng gây ấn tượng mạnh bởi sự độc đáo, mới lạ. Nhưng để có được những thành quả đó, nhóm nghiên cứu của nhà sưu tập sinh năm 1977, Nguyễn Thị Thu Hòa đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết.
Theo chị Hòa, việc khôi phục những bản khắc gỗ của tranh Kim Hoàng được thực hiện dựa trên một số hình ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và đặc biệt là trong cuốn sách Imagerie populaire Vietnamienne của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand, xuất bản năm 1960. Tuy nhiên, việc phục chế bản khắc đòi hỏi nhiều sự kỳ công nên đến nay, nhóm nghiên cứu mới khôi phục được khoảng 30% mẫu tranh trên tổng số hơn 100 bản mẫu của làng tranh Kim Hoàng thời đỉnh cao.
Tranh Kim Hoàng hiện có một người kế thừa xuất sắc, đó là anh Đào Đình Trung, sinh năm 1980, một người con của làng Kim Hoàng, được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa dìu dắt, hướng dẫn, tạo điều kiện. Một điều may mắn nữa là Dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” do nhóm nghiên cứu của chị Hòa khởi xướng cũng nhận sự ủng hộ rất nhiệt tình của chính quyền và người dân xã Vân Canh.
Trung tâm phục dựng tranh Kim Hoàng hiện nay nằm trong khuôn viên Nhà truyền thống của xã. Để bảo tồn và phát huy giá trị dòng tranh dân gian này, UBND huyện Hoài Đức đã đề nghị Sở Công thương Hà Nội hỗ trợ kinh phí, định hướng đầu tư, phát triển Kim Hoàng trở thành làng nghề du lịch truyền thống. Để mỗi dịp Tết đến, xuân về, những bức tranh “lợn”, tranh “gà” mang thương hiệu Kim Hoàng lại được mang đi bày bán, như một nét đẹp ngày xuân.