Thấy Tết là thấy quê hương

Hoài Nam 04/02/2019 10:00

Xuân Kỷ Hợi đã đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp năm châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Hiểu được nỗi lòng người xa xứ, năm nào Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cũng tổ chức Tết cộng đồng để nhiều thế hệ người Việt cảm nhận không khí và hương vị Tết cổ truyền, để bà con kiều bào thấy gần nhau hơn…

Thấy Tết  là thấy quê hương

Bà con kiều bào người Việt tại Mỹ đến lễ chùa Bà Thiên Hậu bang Houston (Mỹ) nhân dịp đầu năm mới.

Chung niềm vui trong nỗi buồn xa xứ

Nepal là đất nước mà khắp nơi từ góc nhỏ trên phố đến những quảng trường lớn đâu cũng thấy đền đài, tu viện, đâu cũng nhuộm một màu nâu đỏ cổ kính. Con người ở đây chân tình và phóng khoáng. Có lẽ đó là lý do để Võ Thị Kim Cương quê Long An chọn Nepal là quê hương thứ hai của mình. Hiện chị là chủ thương hiệu phở “Pho 99”, “Saigon Pho” với nhiều địa điểm ở Nepal…

Năm qua công việc kinh doanh của chị rất thuận lợi, thực khách Việt Nam và Nepal đến đây rất ủng hộ món ăn của Việt Nam. “Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đối với Nhà hàng Phở 99 hiện tại là không thể mua nguyên liệu trực tiếp ở địa phương mà phải nhập toàn bộ từ Thái Lan. Chúng tôi, hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có chuyến bay thẳng sang Nepal để công việc kinh doanh của bà con kiều bào được dễ dàng hơn nữa” – chị bày tỏ và cho biết, mình nói được 5 thứ tiếng nhưng lần nào về nhà má cũng dặn, tụi con ra ngoài đường nói tiếng gì má không cần biết nhưng về nhà là phải ăn cơm Việt nói tiếng Việt.

Và những ngày Tết truyền thống với Kim Cương nói riêng và kiều bào Nepal nói chung luôn là điều thiêng liêng. “Mặc dù, sống xa quê hương gần 20 năm, nhưng Tết luôn là niềm vui và hạnh phúc của tôi và gia đình nhỏ ở xứ người. Nhà hàng Phở 99 cũng thường tổ chức đón Tết cho các gia đình bà con kiều bào tại Thủ đô Kathmandu. Mọi người tập trung ăn uống và chia sẻ niềm vui cũng như công việc, cuộc sống của nhau trong suốt một năm qua. Tuy người Việt sinh sống ở Nepal không đông như các quốc gia khác, nhưng Tết ở đây vẫn có bánh chưng, mâm cỗ và cúng lễ như ở quê nhà. Chúng tôi tự hào vì đã đóng góp được phần nào vào việc gìn giữ và bảo vệ nét đẹp truyền thống - Tết cổ truyền của Việt Nam” – Võ Thị Kim Cương tự hào.

5 năm rồi gia đình chị Nguyễn Thu Hằng, sống ở bang Queensland (Australia) đều không vắng mặt trong lễ đón năm mới do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Thời điểm Tết Nguyên đán ở Việt Nam là cuối mùa hè ở Úc, trời xanh ngắt và đầy nắng. Nếu người dân sở tại thường ra bãi biển hay công viên cây xanh tổ chức tiệc BBQ cuối tuần thì tại Thủ đô Canberra ngày cận Tết Nguyên đán có rất nhiều hoạt động ấm lòng người xa xứ như gói bánh chưng, cắm hoa, tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ... Một số đại diện đại sứ quán các nước bè bạn cũng bày tỏ sự phấn khởi được tham dự Tết của Việt Nam, qua đó hiểu biết thêm các phong tục văn hóa của Việt Nam.

Theo chị Hằng, đời sống của kiều bào tại Australia ngày càng ổn định và phát triển nên đời sống tinh thần cũng được chăm lo tốt hơn. Bận rộn cả năm, ngày Tết cũng là dịp để nhiều thế hệ người Việt đến từ các thành phố như Melbourne, Brisbane, Sydney... cùng tụ về Thủ đô Canberra. Có những ông, bà đã ngoài 80 tuổi, có cả những cháu nhỏ tiếng Việt còn bập bẹ rồi cả dâu, rể người Úc với những bộ trang phục truyền thống, áo dài thướt tha, gương mặt ai cũng ngập tràn nét Xuân.

Còn ông Nguyễn Việt Hùng, kiều bào ở Pháp, cho biết anh em chúng tôi ở đây ai cũng háo hức mong chờ đến ngày Tết truyền thống để được cùng quây quần, chia sẻ những thành quả làm việc trong một năm, chung niềm vui trong nỗi buồn xa xứ. Những năm trước, chúng tôi còn phải gói bánh chưng bằng giấy bạc và luộc bằng lò điện, nên thiếu đi mùi vị của lá dong. Nhưng giờ thì khác, mọi thứ đều có đủ nên bánh chưng cũng xanh và đẹp như ở quê nhà vậy. Với chúng tôi chiếc bánh chưng không chỉ đơn thuần là món ăn, mà đã trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Thấy Tết  là thấy quê hương - 1

Chương trình Tết cộng đồng do Đại sứ Việt Nam tại Moroco tổ chức.

Không khí Xuân lan tỏa từ khói hương trầm

Cùng với mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên, nhiều bà con kiều bào vẫn giữ truyền thống đi lễ chùa đầu năm để cầu bình an cho gia đình. Đây là một nét tín ngưỡng, văn hóa đẹp không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt xa xứ. Và họ đến lễ chùa không chỉ đi một mình mà còn có những nàng dâu, chàng rể hoặc bạn bè người sở tại, những người yêu thích văn hóa cổ truyền Việt Nam, cùng mong muốn gìn giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt tự bao đời nay.

Tại ngoại ô Paris (Pháp) có hai ngôi chùa lớn của người Việt đó là chùa Khuông Việt và Trúc Lâm. Năm nào cũng vậy, vào những ngày đầu năm mới, đông đảo bà con người Việt đều đến chùa cầu bình an, may mắn cũng là để đắm mình trong không khí Xuân lan tỏa từ khói hương trầm thơm ngát. Hòa thượng Thích Tịnh Quang – Trụ trì chùa Khuông Việt, TP. Orsay (Pháp) cho biết, trong những ngày đầu năm mới chùa thường làm lễ cầu an, cầu cho quốc thái dân an, gia đình phật tử mạnh khoẻ, thuận hoà. Sau khi làm lễ, trụ trì sẽ phát lộc cho từng người và mời mọi thưởng thức bữa ăn chay đầu năm mới.

Nguyễn Bích Phạm, hiện sống ở bang Houston (Mỹ) cho biết, các chùa ở thành phố Houston, bang Texas đêm giao thừa thường đón hàng trăm người gốc Việt đến cầu tài lộc, bình an. Trong đó, chùa Bà Thiên Hậu luôn là một địa điểm quen thuộc của nhiều người Việt. Đến đây, trong khói hương trầm mặc, mọi người cùng cầu chúc một năm an khang thịnh vượng và tỏ lòng thành kính biết ơn tới các bậc tổ tiên, ông bà. Chị Phạm luôn nhắc nhở các con mình dù mình sống ở xứ người nhưng không được quên nguồn cội Việt Nam và ngày Tết cổ truyền dù bận tới đâu cũng phải cùng về sum họp.

Còn tại Bỉ, Chùa Hoa Nghiêm là một trong hai ngôi chùa duy nhất của cộng đồng Việt Nam tại Brussels, thu hút khá nhiều phật tử và người Việt đi lễ đầu năm.Theo ni cô Thích Nữ Đàm Phương – trụ trì nhà chùa, Tết cổ truyền nhà chùa thường tổ chức rất nhiều hoạt động cầu an cho cộng đồng phật tử cũng như cầu cho quốc thái, dân an.

Đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nên dù ở nước ngoài, nét văn hóa này vẫn được gìn giữ và phát huy. Có lẽ vì vậy nên ngày càng nhiều ngôi chùa được dựng nên nơi đất khách, bồi đắp thêm nét đẹp tâm linh cho những người con đất Việt, giúp họ phần nào vơi đi nỗi nhớ quê nhà trong thời khắc linh thiêng ấy…

* “Tuy người Việt sinh sống ở Nepal không đông như các quốc gia khác, nhưng Tết ở đây vẫn có bánh chưng, mâm cỗ và cúng lễ như ở quê nhà. Chúng tôi tự hào vì đã đóng góp được phần nào vào việc gìn giữ và bảo vệ nét đẹp truyền thống Tết cổ truyền của Việt Nam” – Võ Thị Kim Cương – chủ thương hiệu Phở 99 tại Nepal chia sẻ và gửi lời chúc bà con trong nước và kiều bào trên toàn thế giới một năm Kỷ Hợi nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bình an!

Hoài Nam