Ở nơi bên lở, bên bồi...
Ở Nam Định có một hiện tượng thiên nhiên rất lạ. Chỉ cách nhau cửa con sông Ninh Cơ nhưng phía huyện Nghĩa Hưng cứ mươi năm lại được biển bồi đắp cho một phần diện tích tương đương diện tích một xã trong đất liền, được gọi là vùng biển bồi. Ngược lại, phía huyện Hải Hậu lâu lâu lại bị biểm “ngoạm” mất một ít đất, bị gọi là vùng biển lở.
Thế mới có chuyện ngôi thánh đường ở xã Hải Lý xưa nằm phía trong đê quốc gia, biển lấn dần, cả đê biển lẫn xóm làng, xứ đạo phải dịch vào phía trong, riêng ngôi Thánh đường không thể di chuyển, phải nằm lại, giờ đứng ngay cạnh mép nước. Người Nam Định gọi Hải Hậu, Nghĩa Hưng bên lở, bên bồi là vậy!
Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản-một trong những nghề chính của người dân ven biển Nam Định.
Dù bồi hay lở, các huyện ven biển của Nam Định đều thường xuyên phải hứng chịu gió bão. Một lãnh đạo của tỉnh từng đúc kết rằng: Làm lãnh đạo ở Nam Định việc gì có thể không biết chứ không được không biết chỉ đạo phòng chống bão. Đơn giản, bão vào thường xuyên, dân vất vả đường dân, lãnh đạo vất vả đường lãnh đạo. Nhớ năm 2005, bão số 7 ập vào, trùng lúc triều cường dâng cao, dọc 72 km bờ biển của tỉnh một số đoạn đê vỡ toác. Sau đận ấy, Nhà nước phải bỏ ra một lượng tiền khổng lồ để kiên cố, từ thân đến mặt đê. Giờ, ô tô có thể chạy trên đê nhanh như chạy trên quốc lộ...
Chiều cuối năm, trời lạnh nhưng nắng lại vàng, đi dọc con đê biển Nam Định thấy ngạc nhiên. Mặc gió bão, những làng quê, xứ đạo nơi đây vẫn đang mỗi ngày thêm trù phú, bừng thức và sống động. Nhà cửa toàn cao tầng, biệt thự; những ngôi nhà mái bổi hoặc nhà ngói ba gian truyền thống còn lại rất ít. Cứ vài cây số vuông lại hiện diện một ngôi thánh đường, ngôi nào ngôi ấy sừng sững, uy nghi. Từ trên những ngọn tháp cao vút, chuông nhà thờ thong thả, ngân nga, lan tỏa xuống xóm làng, đồng ruộng...
Điều gì đã khiến những làng quê, xứ đạo ven biển, vốn được xem là “vùng xa, vùng sâu” của Nam Định giờ đây lại bừng thức, phát triển như vậy? Đầu tiên phải nói đến là hạ tầng giao thông. Những tuyến giao thông huyết mạch, từ quốc lộ, đến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đều đã được làm mới, nâng cấp, vươn xa, kết nối với vùng kinh tế biển của tỉnh. Giao thông phát triển đến đâu, giàu có xuất hiện đến đó cũng là điều dễ hiểu. Còn người dân nơi đây, họ cũng đang tranh thủ mọi tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven biển để làm giàu.
Ghé thăm cơ sở nuôi cá bống bớp của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thị trấn Rạng Đông, gần tuyến đê Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) phần nào hiểu được vì sao nhiều hộ dân ven biển lại giàu. Lăn lộn trên vùng bãi bồi ven biển mấy chục năm, hết nuôi tôm đến nuôi cua, gần chục năm nay ông Sơn chuyên tâm với nghề nuôi cá bống bớp, theo một quy trình khép kín, từ ươm giống, nuôi cá thương phẩm đến xuất bán sang Trung Quốc.
Từ nghề “canh trì”, nhờ sự năng động, nhạy bén gia đình ông Sơn xây được biệt thự cao tầng, đi xe hơi đắt tiền và có điều kiện cho con đi du học tại Nhật Bản. Tìm hiểu, quan sát mới hay trên vùng bãi bồi rộng bạt ngàn của huyện Nghĩa Hưng này không chỉ có một “ông Sơn”. Đến xã Giao Xuân (Giao Thủy)- thủ phủ ngao vạng của Nam Định, của miền Bắc mới hay dẫu thỉnh thoảng các chủ đầm ngao vạng ở đây có lâm cảnh “ngao ngán” vì ngao mắc dịch, đồng loạt “há mồm” nhưng mấy chục năm nay chưa bao giờ họ chán con vật nuôi bé tẹo teo này. Đơn giản, lúc thắng, lúc bại nhưng con ngao vẫn giúp nhiều gia đình ở đây trở thành tỷ phú, xây được nhà lầu, sắm được xe hơi.
Chính vì vậy, vùng bãi triều Giao Xuân vẫn là nơi hội tụ của những người “có gan làm giàu”. Nhìn cái cách họ xách những chiếc xô ngao giống, trong đó chứa những con giống mắt thường chưa nhìn thấy được nhưng giá đầu tư lên đến mấy trăm triệu đồng/xô, nhẹ nhàng đổ xuống đầm bãi mà thấy “phục lăn” bản lĩnh làm giàu của họ...
Khang trang xứ đạo Xương Điền (Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định).
Hơn chục năm trước, nếu có đi qua tuyến đê biển chạy qua địa bàn xã Hải Lý (Hải Hậu) sẽ chẳng có lý do gì để phải dừng lại. Biển lấn dần, con đê phụ bị sóng đánh vỡ. Trước đó, từ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, chính quyền địa phương phải di dời gấp nơi ở của mấy chục hộ giáo dân xứ đạo Xương Điền vào phía trong đê chính. Xóm làng, xứ đạo nhiều đời quần tụ trở nên hoang tàn, chỉ còn ngôi Thánh đường với phần còn lại là tháp chuông đứng chơ vơ bên mép sóng. Ấy vậy mà giờ, khi qua, thấy không khí khác hẳn, nhộn nhịp, đông vui.
Đơn giản, đê quốc gia qua đây đã được kiên cố lại. Khu vực ngôi nhà thờ đổ giờ đã trở thành điểm du lịch. Trong dòng xe cộ đổ về đây có nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh, đủ thấy điểm du lịch nhà thờ đổ rất có sức hấp dẫn. Người được hưởng lợi đầu tiên từ sự thay đổi này có lẽ là những người như ông Đỗ Văn Phương- ngư dân địa phương chúng tôi gặp ngay trên bãi biển gần nhà thờ.
“Từ dạo có khu du lịch hải sản chúng tôi đánh bắt được cũng được giá hơn, bao nhiêu cũng được các nhà hàng ở đây thu mua hết!” ông Phương vui vẻ khoe với chúng tôi. Trong câu chuyện, Chủ tịch UBND xã Hải Lý Mai Xuân Hòa cho hay huyện Hải Hậu đã có đề án quy hoạch vùng bãi biển của xã, rộng 20 ha để làm Khu du lịch chứng tích biến đổi khí hậu và sinh thái môi trường biển. “Trước đây, đất ở Hải Lý chẳng mấy ai để ý đến. Giờ giá toàn tiền tỷ, mà cũng không còn để mà mua”- Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết.
Mai Xuân Hòa là một cán bộ còn khá trẻ. Mới chỉ 40 tuổi nhưng anh đã lần lượt kinh qua các vị trí Bí thư huyện Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện. Hơn một năm trước anh được huyện điều động luân chuyển về Hải Lý làm Chủ tịch UBND xã. Như anh chia sẻ, khi anh về Hải Lý công tác, xã ven biển này đã đạt đủ các tiêu chí của xã nông thôn mới. Nói vậy không có nghĩa cán bộ Hải Lý bây giờ hết việc. Như các xã khác trong huyện, Hải Lý đang tập trung thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện, với các tiêu chí “đường có điện có hoa, nhà ở có khuôn viên, có vườn kiểu mẫu; sông không có rác, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”.
Không chỉ có điện thắp sáng, hoa trồng hai bên, như lời Chủ tịch UBND xã Hải Lý, toàn bộ các nút giao thông trên địa bàn xã mới đây đều đã được lắp đặt hệ thống camera để phục vụ công tác đảm bảo an ninh. Nói chuyện xây dựng nông thôn mới, anh Hòa khoe một chuyện hơi lạ nhưng cho thấy việc xây dựng nông thôn mới ở đây đang đi vào chiều sâu, hướng đến sự văn minh, đổi mới thực sự, đó là xã đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động... ăn cỗ không lấy phần.
Theo Chủ tịch UBND xã Hải Lý, từ rất xưa, người dân Hải Hậu có lệ mỗi khi đi ăn cỗ thường lấy phần mang về. Lệ này xuất phát từ xa xưa, khi đời sống còn khó khăn, thiếu thốn, mọi người ít khi được miếng ăn ngon, trừ khi được mời đi ăn cỗ nơi đình đám, giỗ chạp. Lấy phần mang về khi đi ăn cỗ là cách mọi người quan tâm, chia sẻ với người thân ở nhà, ông bà dành cho con cháu, con cháu dành cho bố mẹ, ông bà. Tuy nhiên, giờ đây cuộc sống đã đủ đầy hơn, việc duy trì thói quen, tập tục chia cỗ mang về không còn phù hợp. Bởi, chẳng đẹp mắt chút nào khi trong bữa cỗ người đến dự mải lo chia phần. Phải làm thêm cỗ để cho khách chia phần mang về cũng khiến gia chủ vất vả, tốn kém hơn rất nhiều. Người đến dự vì vậy cũng băn khoăn với việc phải chuẩn bị món mừng sao cho tương xứng, tóm lại ai cũng phải lo!
“Thay đổi một thói quen, tập tục là một việc rất khó nhưng vẫn phải tập trung thực hiện cho bằng được. Đơn giản, việc gì không còn phù hợp thì phải thay đổi!”- anh Mai Xuân Hòa chia sẻ.