Thị trường tranh Việt - Làm mới những tên tuổi cũ
Thị trường tranh Việt Nam năm vừa qua vẫn tiếp tục đà khởi sắc từ 5 năm trước, khi bắt đầu xuất hiện một số sàn đấu giá trong nước. Số lượng các nhà sưu tập Việt Nam tăng dần đều từng năm. Nhiều doanh nhân đã nhìn nhận tranh là một nguồn có thể đầu tư thu lãi. Với những họa sĩ trẻ, không còn ảo tưởng về đẩy một mức giá cao quá mức so với chất lượng, giá thành được giữ ở mức phù hợp để người thích tác phẩm có thể mua được.Tranh các họa sĩ trẻ chủ yếu bán thông qua gallery, trong một số nhóm về ng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân.
Giá tranh Việt Nam đang được đẩy lên cao dần từ các sàn đấu giá quốc tế đến trong nước, chủ yếu vẫn là những tác phẩm của các danh họa thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và thời kỳ Đổi mới. Cũng chính vì vậy, vấn nạn tranh giả luôn là mối quan tâm của thị trường. Nhiều tranh giả đã được phát hiện ngay chính tại các sàn đấu giá uy tín, tại các gallery, thậm chí chào bán công khai trên mạng, báo chí đồng loạt lên tiếng phản ánh, nhưng chúng vẫn được bán, và lưu thông trên thị trường.
Để có thêm nhìn nhận khách quan về thị trường tranh hiện nay, Đại Đoàn Kết số Tết xin được giới thiệu ý kiến của hai nhà nghiên cứu mỹ thuật hàng đầu Việt Nam hiện nay: Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân và nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Không có họa sĩ lớn chỉ có thị trường lớn
PV:Theo ông, thị trường tranh Việt đang nhận được nhiều quan tâm của các nhà sưu tập, các gallery ngoài nước ra sao?
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Từ đầu những năm 1990 khi thế giới biết đến hội họa Đổi mới rồi bùng nổ thị trường-tức người nước ngoài ồ ạt mua tranh của các họa sĩ Việt Nam đương đại. Dần dần họ lần ngược về các thế hệ trước bậc thầy của lớp chúng tôi để có toàn cảnh hội họa Việt Nam suốt một thế kỉ. Sưu tập, bảo tàng, cá nhân “ngoại” chiếm 90 đến 95% trong khi các nhà sưu tập trong nước lại “bán đổ bán tháo” ra ngoài. Song từ khoảng 10 năm nay gió đã đổi chiều, mới mấy năm trước một chủ gallery khoe đã có tới 30% khách mua là người Việt. Bây giờ nhiều gallery hay nhà đấu giá nói 95% khách mua là khách nội. Thật đáng mừng vì như vậy ta mới có thị trường thực sự không còn là gia công hàng xuất khẩu hay xuất khẩu tại chỗ nữa. Đó là sự trưởng thành của thị trường -chưa chắc là của nghệ thuật.Trong khi sự tham gia của các gallery Việt ở các sự kiện nước ngoài không nhiều và doanh số hình như cũng không lớnthì các nhà đấu giá ngoại quốc lại bán nhiều hơn nhiều với giá cao hơn nhiều, tranh giả, nhái đến mức scandal cũng nhiều.
Rõ ràng với 95% là nhà sưu tập trong nước, việc mua, sở hữu các bức tranh có giá trị cũng đang được mở rộng, thưa ông?
- Có chuyển động tích cực như nói trên nhưng tôi đang chờ đợi các quỹ văn hoá,quỹ nghệ thuật, bộ sưu tập, bảo tàng tư nhân của các tập đoàn và các đại gia như một chiến lược kinh tế văn hoá quốc gia chứ không phải mua bán chụp giật kinh doanh manh mún ngẫu hứng hoạc để khoe mẽ với công chúng.
Tranh của ông cũng nằm trong mối quan tâm của các nhà sưu tập và hiện đang có giá rất tốt?
- Tôi đã bán vài trăm tranh suốt ba chục năm, luôn thuộc loại “giá tốt” ở nước ta nhưng giá tăng không đột phá như khi thị trường bùng nổ ở các nước ngoài (Trung Quốc,Hàn Quốc trước đây hay Thái Lan, Philippins, Indonesia gần đây).Châm ngôn của thị trường nghệ thuật là:Không có họa sĩ lớn chỉ có thị trường lớn!
“Dưới bóng thời gian”- trong bộ 4 tranh Dưới bóng thời gian, kích cỡ: 150/200cm (2018) của Nguyễn Quân.
Thưa ông, qua những cuộc đấu giá tại các sàn quốc tế vừa rồi, có thể thấy tranh Việt, đặc biệt là những tranh của các tác giả Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đang được bán với giá rất cao?
- So với các nước khác vừa nói thì việc đẩy giá các danh họa tiền bối nhằm tạo một thương hiệu cho một dòng sản phẩm “Hội họa Việt Nam” chẳng hạn thì việc đẩy giá tranh Việt như vừa qua là chưa đủ cao, mạnh và vững chắc (thí dụ với những vụ gian lận, làm nhái, làm giả, mạo danh...
Vì thế, việc “giới thiệu lại” lại các tên tuổi họa sĩ Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước cùng tác phẩm của họ đang là sự ưu tiên của thị trường tranh Việt?
- Tôi thấy có vẻ là cách làm hàng của họ hơn là nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Bởi các danh họa Đông Dương từ lâu đã được tôn vinh ở Việt Nam trong các giáo trình, sách lịch sử nghệ thuật, là danh nhân và bảo vật quốc gia cả rồi. Thị trường ưu tiên cũng chủ yếu về giá trị doanh thu mà thôi. Có một khía cạnh văn hoá đáng chú ý ở cuộc “tôn vinh lại, đánh giá lại” này là quan niệm khác đi về di sản văn hoá thời thực dân và “công lao” của người Pháp đã “khai hóa” và “dậy dỗ” học trò Việt làm sơn dầu, sơn mài và lụa như thế nào!!!
Theo ông, những tên tuổi họa sĩ nào đang được thị trường quan tâm?
- Điều này chỉ các CEO hay Curator các cơ sở kinh doanh nghệ thuật, các “ông chủ”thị trường nghệ thuật trả lời được vì họ gom hàng, maketing và gõ búa.
Tuy nhiên cũng vì nhu cầu cao của thị trường mà tranh giả xuất hiện và vẫn là vấn đề nhức nhối?
- Nói nhu cầu cao hay thấp cũng là nói tình hình cung cầu thị trường, không phải chuyện thẩm mỹ hay nghệ thuật. Chẳng hạn ở thị trường thế giới có cơn sốt Van Gogh và phái Expressionism/Biểu hiện rồi sau nó lụi đi thì đến cơn sốt Monet và chủ nghĩa ấn tượng/Impressionism chẳng liên quan gì đến việc yêu thích, giá trị hay nhu cầu thẩm mỹ của ai cả. Dân Tây không đột nhiên cần Van Gogh rồi đột nhiên chán ông ta, không phát hiện lại Monet và cứu vớt Impressionism. Ở cái thị trường mini của ta cũng thế thôi. Một anh kia gom tranh Việt ở Paris làm sách đẹp, bầy triển lãm ở bảo tàng, cùng các nhà đấu giá thổi “làn gió mới”, bán sạch hàng và lãi khủng. Mới đây có in một nghiên cứu mới, mộttriển lãmđẹp rồi truyền thông rầm rộ về một “danh họa ít tai biết tới” những năm 1930. Curator trẻ của một trung tâm nghệ thuật ở Sài Gòn nói: “Đó là những chuẩn bị bài bản cho việc đưa “ông danh họa” này lên sàn đó! Họa sĩ này là người ai chả biết và tranh đang treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam!”
Vậy theo ông, làm thế nào để việc giới thiệu tác giả tác phẩm xưa được đảm bảo về mặt uy tín cũng như chất lượng cho thị trường tranh Việt?
- Người làm nghệ thuật không làm thị trường không thể trả lời câu hỏi này. Tôi thấy các anh Vi Kiến Thành và Lương Xuân Đoàn đã trả lời nhiếu lần. Các CEO, Curatore, chủ các nơi xẩy ra các vụ việc chỉ xin lỗi khi có sự cố, chưa chia sẻ gì về việc bảo vệ thị trường. Cả Christie’s, Sothebey hay anh Hubert nào đó “chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam” của họ cũng “im như hến”. Với tôi thị trường nghệ thuật cũng rất bí ẩn. Mọi năm trước báo chí phỏng vấn cuối năm về tình hình nghệ thuật còn năm nay phỏng vấn về tình hình thị trường nghệ thuật. Đó là một cái mới thú vị trong sự quan tâm văn hóa của công chúng ta chăng!
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan CẩmThượng: Thật giả cũng là điều thú vị cho thị trường nghệ thuật
PV: Thưa ông, được biết ông đã làm việc với ông Tira Vanichtheeranont, nhà sưu tập người Thái Lan, là người sưu tầm rất nhiều tranh Việt Nam, trong đó có nhiều bức quý của danh họa Tô Ngọc Vân, Tôn Đức Lượng, Bùi Xuân Phái… Ông có thể chia sẻ về bộ sưu tập tranh này?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Ông Tira người Thái từng sưu tập nhiều tranh Việt Nam, nhưng ngay cả ông ấy cũng không biết chính xác là bao nhiêu, vì phần lớn là ký họa, phác thảo thôi, còn tranh sơn dầu, sơn mài, lụa thì ít. Có ba bộ ký họa, phác thảo của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thụ, Tôn Đức Lượng của ông Tira là tương đối trọn vẹn, mỗi bộ khoảng 300 bức. Ông đều tiến hành làm sách, trưng bầy trước tiên ở Việt Nam. Hiện bộ ký họa Tô Ngọc Vân và Nguyễn Thụ đã bán lại cho các doanh nghiệp trong nước. Về Bùi Xuân Phái, ông cũng chỉ có một số ký họa nhỏ.
Vậy những đóng góp của ông Tira Vanichtheeranont đối với việc lưu giữ các tác phẩm của các cố danh họa theo ông ra sao?
- Ông Tira yêu thích văn hóa Việt Nam, vì ông ấy từng làm việc và sống ở Việt Nam lâu, nói được tiếng Việt, nhưng sưu tập cũng là để kinh doanh. Ông có gallery ở Bangkok kinh doanh đồ cổ và tranh, cái chính là kinh doanh có văn hóa và biết cách làm cho cả nghệ sỹ và bộ sưu tập của mình có giá trị.
Từ việc ông viết, giới thiệu hai họa sĩ Tô Ngọc Vân, Tôn Đức Lượng cùng các tác phẩm của họ cũng là sự đóng góp lớn cho việc cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng cho các tên tuổi dù đã nổi danh trên thế giới nhưng công chúng lại ít biết về họ?
- Ông Tira có đặt tôi viết đến bốn cuốn sách. Cuốn đầu, về một tập hợp rất nhiều họa sĩ và ký họa, phác thảo, tác phẩm có tên là: Những tác phẩm vô giá của nền hội họa Việt Nam hiện đại (tên này do nhà phê bình người Mỹ Nora Taylor đặt). Ba cuốn tiếp theo về Tôn Đức Lượng, Tô Ngọc Vân và Nguyễn Thụ. Trong mỗi cuốn ông ấy đều yêu cầu viết kỹ từng bài nhỏ cho từng bức họa, giống như lý lịch nghệ thuật, ngoài những tiểu luận về từng giai đoạn và niên phổ lịch sử của họa sĩ. Đó là một yêu cầu hết sức chuyên nghiệp.
Quá trình nghiên cứu lại tên tuổi của các họa sĩ đó của ông đã diễn ra thế nào?
- Đây là việc khó khăn, trừ Tôn Đức Lượng và Nguyễn Thụ còn sống, hầu hết các họa sĩ đã qua đời. Nhiều bức họa từ kháng chiến chống Pháp cho đến những năm 1970, tôi còn chưa học nghệ thuật.Tôi phải đi lại những vùng họa sĩ đi qua, tìm thông tin từ nhiều nguồn, so sánh với những người đương thời, hỏi được ai thì hỏi. Mỗi cuốn sách làm mất khoảng một năm, riêng cuốn Tô Ngọc Vân làm mất năm rưỡi.Thuận lợi là tôi đã làm nghiên cứu lâu năm có nhiều tư liệu và kinh nghiệm, khó khăn tất nhiên là nhiều cái không biết chính xác, và nhất là cũng có sự lẫn lộn một số tranh nhái ở đó. Ông Tira cũng nhất trí để tôi loại những cái đó ra và chịu thiệt.
Từ các cuốn sách nghiên cứu mà ông đã viết, rõ ràng là vô cùng cần thiết cho việc phân định tranh thật của các cố họa sĩ?
- Nhìn chung các ký họa, phác thảo đều có nguồn gốc, nhất là những tác giả, họa phẩm ít được biết đến, sự giả không nhiều. Như trên đã nói, cũng có một số là tranh chép, hoặc lẫn lộn giữa các họa sĩ, cũng có trường hợp họa sĩ này ký tên vào tranh của họa sĩ kia (do lúc trẻ, họ đi vẽ cùng nhau), và cũng có tranh rất tốt, nhưng lại không phải của tác giả ký trên tranh. Lại có những ký họa được cắt đôi, bán làm hai lần, mỗi mảnh một chỗ...Nói chung dính đến tiền, thế nào cũng phức tạp và rất buồn cười.
Vậy theo quan sát của ông, thị trường tranhViệt nhận được sự quan tâm của các nhà sưu tập, các gallery ngoài nước ra sao?
- Trước 1990, thị trường tranh Việt Nam rất manh nha, chủ yếu người nước ngoài mua, sự định giá rất tương đối, theo đời sống khó khăn lúc đó. Sau đó, thị trường này phát triển mạnh mẽ từ 1990 đến 1996, rồi đi xuống một thời gian dài, cho đến 5 năm gần đây, phân hóa thành nhiều nét có thể nhận biết: Thị trường tranh của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (giá rất cao, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đô). Thị trường tranh của một số (nhấn mạnh) họa sĩ Hiện tại. Người nước ngoài và các nhà sưu tập trong nước, những trí thức, công chức trung lưu mới, có người rất trẻ (khoảng 30 tuổi) là những người chơi tranh, cũng thi thoảng tham gia kinh doanh vặt. Còn hầu hết các họa sĩ khác không bán được tác phẩm.
Vậy vì sao tranh của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trên thị trường đang được bán với giá rất cao, thưa ông?
- Tranh của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã thuộc về “cổ vật” tự nó có giá trị, hơn nữa, họ hầu hết vẽ hiện thực, nên có thể nhìn thấy một Việt Nam trong quá khứ, giá trị thẩm mỹ và nghề nghiệp cũng cao, nên đương nhiên có giá trên thị trường. Chúng ta nên nhớ để thi vào Cao đẳng thời Pháp thuộc khó hơn đại học, cần đỗ tú tài và có thi tay nghề, ngoài thi lý thuyết. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine, thuộc hệ thống Éscole Supérieure còn cao hơn Cao đẳng. Trình độ của họ không hề giống với các họa sĩ học các trường đại học mỹ thuật bây giờ.
Chính vì thế đang có sự ưu ái về việc giới thiệu, tổ chức triển lãm, bán đấu giá các tranh của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trên thị trường nghệ thuật trong thời gian qua?
- Thực tế thì công việc này đang được làm nhiều, bởi nhu cầu của thị trường, nhưng cũng chính vì thế mà có nhiều điều đáng thất vọng, rất nhiều tranh giả đang được giới thiệu một cách trang trọng. Công việc nghiên cứu vẫn rất kém và ít người làm.
Theo ông, lý do thực sự vì sao tác phẩm của họ lại được ưu ái như vậy?
- Chúng tôi có một câu nói đùa: Chơi cờ bằng tai (tức là chơi thì thấp, nhưng nghe người ngoài mách nước). Việc đổ xô vào mua tranh các họa sĩ Đông Dương cũng là xem tranh bằng tai. Và người mua có tâm lý về việc có thể một lúc nào đó sẽ bán đi, nên cái gì dễ bán thì sưu tập. Sự mua bằng yêu thích nghệ thuật nội tâm còn rất lâu mới có được. Xin phép không nêu tên tuổi họa sĩ được quan tâm trên thị trường.
Chính vì vậy mà tranh giả luôn là vấn nạn của thị trường nghệ thuật Việt. Ông có thể chia sẻ dựa trên các tiêu chí nào để có thể phân định được tranh giả và tranh thật của các cố họa sĩ?
- Việc nhận biết được tranh thật giả cũng không có gì khó khăn lắm. Nếu bạn học trường nhạc, bạn nghe người khác chơi đàn, biết liền đó là tay đàn đến đâu. Chúng tôi cũng vậy, nhận biết được danh họa thì vẽ thế nào, họa sĩ thông thường và nghiệp dư vẽ thế nào. Nhưng đứng về mặt luật pháp, lại không cho phép nói ra như vậy, nêu không có trách nhiệm, vì điều này liên quan đến giá trị tiền của người mua và người bán. Cũng có nhiều cách xác định, ngoài khoa học kỹ thuật, nhưng không thể kể ở đây. Vấn đề chính cũng vẫn là người chơi tranh, thực sự yêu nghệ thuật, thì họ sẽ tự học hỏi, để khỏi nhầm lẫn, và họ cũng phải trả giá khi chơi tranh. Ở ta người chơi tranh không biết là ngây ngô hay khôn ngoan, mà cứ vác tranh đến hỏi họa sĩ, nhà nhà nghiên cứu đây là tranh thật hay giả, một việc không ai muốn trả lời.
Theo ông, làm thế nào để việc giới thiệu tác giả tác phẩm xưa được đảm bảo về mặt uy tín cũng như chất lượng cho thị trường tranh Việt?
- Một danh nhân nói đại ý rằng: con người hiện nay nói dối liên tục, bất kể lúc nào, chỗ nào, và nói dối ngay cả lúc nằm mơ. Thật giả, cũng là điều thú vị của thị trường nghệ thuật và nói như Mác: Muốn thưởng thức nghệ thuật phải được giáo dục nghệ thuật.
Trân trọng cảm ơn các ông!