Câu chuyện Qatar
Trong phần lớn thế kỷ 20, Qatar chỉ là một vùng nước tù trên Vịnh Ba Tư, nơi đầy rẫy băng nhóm cướp biển. Từ chỗ cực kỳ khó khăn, Qatar dần trở thành nước giàu có bậc nhất thế giới nhờ trữ lượng khí đốt dồi dào. Và dù có trải qua hơn 1 năm bị cấm vận, đất nước này vẫn chẳng mảy may lo lắng.
Thủ đô Doha.
Từ đói nghèo trở thành giàu có
Trong thời cơ cực hồi đầu thế kỷ 20, người dân Qatar cực kỳ nghèo đói, chủ yếu đi lặn tìm ngọc trai vào mùa Hè và chăn lạc đà vào mùa Đông để kiếm ăn. Trong suốt nhiều thập kỷ, họ đã bị Arab Saudi bỏ xa. Nhưng đến năm 1971, Qatar phát hiện ra mỏ khí tự nhiên. Dù đây được coi là mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới, nhưng ban đầu Qatar lại tỏ ra thất vọng vì đó không phải một giếng dầu. Tuy nhiên, đến những năm 1990, công nghệ mới đã cho phép Qatar sản xuất khí hóa lỏng và được xuất khẩu trên các con tàu chuyên chở hạng nặng.
Quốc vương lúc bấy giờ, Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani, đã đánh một canh bạc lớn. Ông đổ 20 tỷ USD để xây dựng nhà máy hóa lỏng tại Ras Laffan, vùng bờ biển phía Bắc Qatar, với sự hỗ trợ từ tập đoàn dầu khí khổng lồ Exxon Mobil của Mỹ. Thắng canh bạc lớn. Khí tự nhiên phát triển bùng nổ ở Qatar, và đến năm 2010, vương quốc này đã đóng góp tới 30% khí tự nhiên cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Kể từ đó, đất nước Qatar - với khoảng 300.000 dân - đã trở nên siêu giàu. Thu nhập trung bình của người dân nước này lên tới 125.000 USD, cao nhất thế giới, và gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân của Mỹ hay Arab Saudi.
Cũng kể từ đó mà gia tộc của Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani trở nên tham vọng, mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng, mà đáng chú ý nhất là việc thành lập ra mạng lưới truyền hình khổng lồ Al Jazeera. Trong lúc gia tăng tầm ảnh hưởng của mình, Qatar đôi lúc theo đuổi những chính sách xung đột: Họ tuyên truyền về hòa bình, giáo dục và quyền của phụ nữ trong khi hỗ trợ các tổ chức cực đoan ở Syria và cho phép Mỹ lập căn cứ quân sự lớn nhất ở Trung Đông trên lãnh thổ nước họ.
Đối với Arab Saudi và UAE - và cả Bahrain và Ai Cập, những bên cũng tham gia cấm vận - thì Qatar là “kẻ gây rối đầy phiền nhiễu” cần phải bị trừng phạt.
Cấm vận thậm chí giúp Qatar khai thác được nội lực tiềm ẩn, cuộc sống sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Sống khỏe dù cấm vận
Kể từ tháng 7/2017, đất nước nhỏ bé Qatar đã trở thành mục tiêu trừng phạt và cô lập của các nước láng giềng lớn hơn - Arab Saudi và UAE. Chỉ sau một đêm, tất cả các chuyến bay và tàu chở hàng tới Qatar đã bị buộc phải thay đổi hành trình, quan hệ ngoại giao bị cắt đứt và đường biên trên đất liền duy nhất giữa Qatar với Arab Saudi đã bị đóng cửa.
Các nước láng giềng cáo buộc Qatar rót tiền cho chủ nghĩa khủng bố, tăng cường quan hệ với Iran. Quốc vương Tamim đã bác bỏ cáo buộc này, chỉ ra rằng các nước láng giềng đang tỏ ra đố kỵ với họ.
Đến nay, sau hơn 1 năm bị cấm vận, do giá dầu tiếp tục ở mức thấp và rạn nứt ngoại giao đè nặng lên nền kinh tế của Qatar nên giá bất động sản của quốc gia này đã giảm khoảng 11%. Tiền gửi khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính nước ngoài cũng như quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia đã giảm 40 tỷ USD.
Tăng trưởng khu vực kinh tế phi dầu mỏ của Qatar đã giảm từ 5,6% xuống còn khoảng 4%. Qatar cũng phải rút tiền từ nguồn dự trữ và bán bớt tài sản ở nước ngoài để bơm tiền vào nền kinh tế cũng như trợ giúp các ngân hàng địa phương.
Thực tế Qatar có rất ít tài sản trong nước, phần lớn tài sản của Qatar là ở nước ngoài (những tài sản này do Quỹ đầu tư quốc gia, Cơ quan đầu tư Qatar nắm và quản lý); theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2017 Qatar có khoảng 318 tỷ USD tài sản ở nước ngoài, khi cuộc khủng hoảng nổ ra, họ đã bán bớt một số cổ phần, giúp Qatar có một số lượng lớn tiền mặt cũng như phương án linh hoạt trong sử dụng tiền tệ.
Dù vậy thì tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Qatar đã giảm từ 31 tỷ USD năm 2016 xuống còn 15 tỷ USD vào năm 2017; con số này đã lên tới 18 tỷ USD vào cuối tháng 1/2018, báo hiệu nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu ổn định trở lại.
Tuy nhiên, dường như các lệnh cấm vận đã giúp cho nền kinh tế Qatar khơi được các nội lực tiềm tàng. Nền kinh tế của nước này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% trong năm 2018 và tăng gần 3% trong năm 2019. Mức tăng trưởng này thậm chí còn lớn hơn mức tăng 2,2% mà kinh tế Qatar đã đạt được vào thời điểm trước khi bị cấm vận. Trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh nhóm các nước Arab mà Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vừa qua, Qatar giữ vị trí số 2, tiếp tục trở thành nền kinh tế năng động nhất trong khu vực Trung Đông.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi bị phong tỏa, Qatar đã có những bước đi linh hoạt trong việc phá vòng vây cấm vận. Là quốc gia giàu có, nhưng Qatar phụ thuộc nhiều vào nguồn thực phẩm nhập khẩu, trong đó 1/3 là hàng nhập từ Arab Saudi và UAE. Khi mới bị cô lập, người dân Qatar rất lo ngại về nguy cơ khan hiếm thực phẩm. Tuy nhiên, nỗi lo nhanh chóng lắng xuống nhờ Qatar tìm được nguồn cung thực phẩm thay thế từ Iran, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Chính phủ Qatar khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường làm nông nghiệp sạch, sản xuất rau, sữa và những hàng hóa cơ bản để bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc từ bên ngoài. Với kinh phí khoảng 700 triệu USD, Qatar đã tự cung, tự cấp được nguồn sữa tươi với mong muốn mở rộng việc tiêu thụ sản phẩm từ sữa trong nước.
Nhằm khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài, Qatar gần đây đã mở cửa toàn bộ thị trường bất động sản nước này cho khách mua là người nước ngoài. Qatar tuyên bố sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu toàn bộ công ty ở nước này, thay vì chỉ được giữ cổ phần thiểu số trong liên doanh với đối tác trong nước. Bên cạnh đó, nước này dự kiến chi khoảng 3 tỷ USD để thành lập khu kinh tế tự do thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như: Hậu cần, hóa chất, sản xuất nhựa, công nghệ trí tuệ nhân tạo...
* Cuộc đối đầu ở khu vực Vùng Vịnh này thực chất không khác gì một cuộc tranh cãi trong gia đình. Qatar, Arab Saudi và UAE đều bắt nguồn từ các bộ lạc du mục, cùng chia sẻ một tôn giáo và ăn cùng một loại thức ăn. Bởi vậy tranh chấp của họ cũng giống như những người họ hàng đang cãi vã, nhưng vấn đề là họ đều sở hữu khối tài sản khổng lồ cùng máy bay chiến đấu của Mỹ. Trong suốt năm 2018, các nỗ lực hòa giải của Kuwait trong khuôn khổ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đều thất bại. Về phần mình, Qatar tuyên bố lệnh phong tỏa của các nước vùng Vịnh thậm chí trở thành cơ hội để họ tự mình vươn lên bằng nội lực.