Bảo vệ công lý, xử án cứu người
Tòa án Nhân dân (TAND) là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, không gây oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ khẳng định, các thẩm phán phải luôn quán triệt phương châm: Xét xử phải nghiêm minh nhưng vẫn thể hiện rõ sự khoan hồng, để người phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ.
PV: Thưa Phó Chánh án, Hiến pháp 2013 quy định: TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, vậy hệ thống TAND đã có những biện pháp cụ thể nào để thực hiện tinh thần đó của Hiến pháp?
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ: Thời gian qua, hệ thống TAND đã tiến hành nhiều giải pháp cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cụ thể, hệ thống TAND các cấp đã triển khai đồng bộ 14 giải pháp, trong đó, chú trọng nội dung cải cách tư pháp theo hướng đổi mới cả về nội dung và hình thức tổ chức phiên tòa, nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. TAND Tối cao đã quán triệt tới TAND các cấp và từng thẩm phán yêu cầu bức thiết đã được hiến định, đó là HĐXX hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; tôn trọng quyền con người; quyền công dân; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Để thực hiện tốt quyền tư pháp, bảo về quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý theo tinh thần Hiến pháp 2013, TAND Tối cao đã yêu cầu TAND các cấp thực hiện nguyên tắc xét xử công khai, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự, tranh tụng bình đẳng giữa người bào chữa và đại diện VKS... Tất cả phải được ghi nhận trong bản án, quyết định của tòa án.
Đặc biệt, nguyên tắc tranh tụng công khai, bình đẳng và chất lượng ngày càng được nâng lên giúp cho việc xét xử được toàn diện, khách quan, công tâm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý. Ngoài ra, HĐXX hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự chi phối, can thiệp từ bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, hạn chế tối đa việc sửa án, hủy án.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là khoan hồng với những người phạm tội thực sự biết ăn năn, hối cải, nhưng cũng đồng thời nghiêm trị những kẻ cầm đầu, ngoan cố, vậy TAND các cấp đã thực hiện việc đó như thế nào, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, việc nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội sẽ đảm bảo xác định đúng sự thật khách quan, bản chất của vụ án, từ đó phân loại mức độ hành vi phạm tội, vai trò của từng bị cáo, thông qua xem xét đầy đủ, toàn diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để có thể đưa ra phán quyết cuối cùng công tâm, khách quan và đầy nhân văn, thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của pháp luật. Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng yêu cầu TAND các cấp tăng cường thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan ngay tại phiên tòa, trong trường hợp cần thiết thì mời điều tra viên, kiểm sát viên... đến tòa, để làm rõ các tình tiết của vụ án, nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự trong vụ án.
Các thẩm phán phải luôn “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, không làm oan người tốt, không bỏ lọt tội phạm. Phán quyết của tòa án phải trên cơ sở pháp luật, dựa trên các tình tiết, chứng cứ, tài liệu của vụ án, lời khai của bị cáo, đương sự, cũng như tranh tụng công khai tại tòa. Tất cả những yếu tố trên phải được HĐXX kiểm tra, xem xét một cách toàn diện, đầy đủ, không thiên vị và định kiến. Ngoài ra, mỗi thẩm phán cần nâng cao năng lực nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp để có thể thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi các tình tiết của vụ án chưa rõ, chứng cứ tài liệu còn non. Khi phát hiện chứng cứ, tình tiết mới, HĐXX có thể khởi tố vụ án tại phiên tòa, kiến nghị cơ quan liên quan khắc phục các sai sót, để không gây oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Đơn cử như việc TAND Cấp cao tại Hà Nội hồi tháng 3/2017 đã khởi tố tại tòa đối với Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT PVC) và các đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản, xảy ra tại PVP Land. Hay như trong vụ án 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, TAND TP Hòa Bình sau khi xem xét các chứng cứ, tài liệu nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và sau đó CQĐT đã khởi tố thêm 3 bị can khác có liên quan đến vụ án. Tại vụ án đánh bạc online hàng nghìn tỷ đồng vừa được TAND tỉnh Phú Thọ mới đây xét xử cũng đã kiến nghị các cơ quan hữu trách có biện pháp bịt lại các lỗ hổng trong việc thanh toán thẻ cào điện thoại, thẻ game. Đặc biệt, HĐXX đã tuyên 2 cựu tướng công an mức án cao hơn đề nghị của đại diện VKS thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Có ý kiến cho rằng, việc các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử là với mục đích “cứu người” (giúp họ nhận ra sai lầm để sửa chữa, làm lại cuộc đời...), chứ không phải là nhăm nhăm trừng phạt, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Trước tiên chúng ta phải phân định rạch ròi nghĩa của từ cứu người. Theo quan điểm cá nhân tôi thì việc các cơ quan tố tụng nói chung và TAND các cấp nói riêng tuân thủ đúng pháp luật, tôn trọng quyền của bị can, bị cáo, đương sự, đảm bảo tranh tụng công khai, bình đẳng, có chất lượng tại các phiên tòa chính là thực hiện việc cứu người. Cứu người không có nghĩa có tội mà tuyên vô tội, cứu người cũng không có nghĩa tội nặng lại tuyên mức án nhẹ, mà cứu người có nghĩa tuyên án đúng tính chất của hành vi phạm tội, không gây oan, sai. Tại mỗi phiên tòa, khi các thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, chỉ tuân theo pháp luật thì sẽ không có ai bị kết tội oan, sai, hay không có tội phạm nào có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật để gây họa cho xã hội chính là đang cứu người rồi.
Việc TAND Tối cao có các văn bản hướng dẫn TAND các cấp thực hiện việc thực hiện thống nhất pháp luật, hạn chế hình phạt tù, tăng cường hình phạt tiền, tuyên án treo, cải tạo không giam giữ đúng các quy định của pháp luật (có cân nhắc các tình tiết, chứng cứ, tài liệu cụ thể của từng vụ án) cũng là việc cứu người. Cùng với đó, hệ thống tòa án cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát, đảm bảo công tác xét xử công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng cũng thể hiện rõ sự khoan hồng của pháp luật, với tinh thần “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Chẳng hạn như trong vụ án đánh bạc trực tuyến hàng nghìn tỷ đồng vừa qua, cùng có vai trò đầu vụ, nhưng Phan Sào Nam lại chỉ bị tuyên phạt có 5 năm tù, trong khi Nguyễn Văn Dương bị tuyên mức án 10 năm tù, bởi HĐXX đã cân nhắc thái độ ăn năn, hối lỗi của Nam thể hiện ở việc nộp gần hết số tiền hưởng lợi bất chính, ra đầu thú, giúp CQĐT phá án...
Phương châm trong công tác xét xử của TAND các cấp là cân nhắc toàn diện, khách quan các tình tiết, chứng cứ, tài liệu của vụ án để có sự khoan hồng với người ăn năn, hối lỗi, kiên quyết trừng trị nghiêm khắc đối với những kẻ lì lợm, ngoan cố, giảo hoạt, không thành khẩn. Sự trừng phạt nghiêm khắc không chỉ mang tính răn đe, mà còn là giúp cho các bị cáo thật sự thấy được hành vi phạm tội của mình để có hướng sửa chữa, khắc phục, mới có thể làm lại cuộc đời. Ngoài ra việc trừng trị thích đáng những kẻ ngoan cố, cách ly họ khỏi đời sống xã hội một thời gian còn giúp đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân cũng chính là biện pháp cứu người.
Trân trọng cảm ơn ông!