Khi cán bộ đoàn kết, người dân đồng thuận
Ghi nhớ lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, xã Hồng Hạ (huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã đẩy mạnh thực hiện phong trào Dân vận khéo, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Người dân xã Hồng Hạ chung tay làm du lịch cộng đồng.
Xã Hồng Hạ với 5 dân tộc là Cơtu, Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hy, Kinh; trước kia, người dân chủ yếu sinh sống dựa vào khai thác tự nhiên trong rừng, hình thức canh tác quảng canh, trồng các loại cây như, sắn, ngô... mức độ rủi ro cao, hay bị sâu bệnh nên đời sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn.
Xác định địa phương có lợi thế về vùng sinh thái và văn hoá, lịch sử… những năm gần đây, Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cùng nhân dân xã Hồng Hạ đã chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng nơi đây thành điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa; du lịch cộng đồng lưu trú (Homestay).
Ông Hồ Viết Lương- Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, dù có lợi thế cơ bản để phát triển du lịch những đây vẫn là hướng đi rất mới ở địa phương. Do vậy, lúc đầu triển khai, người dân còn bỡ ngỡ. Xã xác định rõ phải lấy cộng đồng làm chủ đạo trong thực hiện, khai thác và hưởng lợi thì sẽ nâng cao ý thực bảo vệ môi trường của từng người dân, an ninh trật tự được giữ vững.
Chính vì thế, để người dân hăng hái tham gia phát triển du lịch, bên cạnh công tác tuyên truyền vân động, lực lượng cán bộ xã còn đi đầu trong việc xây dựng khu du lịch sinh thái, như phát quang tuyến đường, đào đường, xếp đá, tạo vịnh…để bà con cùng làm theo. Ngoài ra, các hội viên khối Mặt trận - đoàn thể luôn tích cực tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân trong các buổi họp thôn, sự kiện hoạt động của ngành; đoàn viên, thanh niên xã nhà làm thêm các chòi sạp để phục vụ khách du lịch; các bậc lão thành trong Hội Cựu chiến binh là lực lượng cố vấn để lớp trẻ thực hiện các phần việc.
“Để có được khu du lịch suối Pârle, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như hiện nay, công lao lớn nhất phải kể đến nhân dân xã nhà, ngoài việc cùng tuyên truyền phát triển du lịch, bà con đã nhiệt tình thực hiện việc dựng chòi sạp, hiến hàng trăm ngày công lao động…”- ông Lương, khẳng định.
Chia sẻ về hiệu quả của du lịch mang lại, ông Lương phấn khởi cho biết, hướng đi này đã tạo sự đa dạng về mô hình phát triển kinh tế. Mặc dù còn bỡ ngỡ với cách làm mới nhưng đa số tầng lớp nhân dân luôn ủng hộ nhiệt tình cho việc phát triển du lịch, nhiều hộ dân trên địa bàn xã thông qua du lịch đã bán được các sản phẩm truyền thống của địa phương như sắn bản địa, đọt mây, mật ong, gà, lợn… giúp kích thích phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
Bà Hồ Thị Hoa (56 tuổi, thôn Cân Tôm) không giấu được niềm vui, nói: Từ ngày xã làm du lịch, khách về đây nhiều hơn trước, đa số là khách nước ngoài. Khách từ xa về rất thích các sản phẩm văn hóa, ẩm thực của xã mình, nhất là dệt Zèng, những món quà lưu niệm. Nhờ vậy, kinh tế của gia đình và nhiều hộ trong thôn từng bước được cải thiện.
Điều mà ông Lương và người dân xã Hồng Hạ vui nhất đó là mô hình này vừa giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, bản sắc văn hóa của địa phương sẽ được giữ gìn cho con cháu thế hệ sau. Tham gia làm du lịch cộng đồng, bà con chủ động làm sạch môi trường xung quanh nhà mình, quét dọn đường làng ngõ xóm để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ.
Để phát huy tốt hơn các tiềm năng khác của địa phương, lãnh đạo UBND xã Hồng Hạ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chủ động phối hợp cùng các ban, ngành liên quan của huyện đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng tại các thôn có điều kiện, tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn; lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho rằng, ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát của huyện, xã Hồng Hạ luôn coi trọng việc phát huy vị trí, vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín; yêu cầu tổ chức Đảng, đảng viên, Mặt trận các cấp phải luôn gần dân, lắng nghe, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của bà con thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín để đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đây chính là yếu tố quan trọng để có được như ngày hôm nay.