Áp lực giao thông ngày giáp Tết
Hơn một tuần nữa mới tới Tết, nhưng những ngày này nhiều nẻo đường, nhiều điểm nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã chật cứng, không cần đợi đến giờ cao điểm. Áp lực giao thông là rất lớn. Vì vậy, nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đã được UBND thành phố Hà Nội đưa ra.
Giáp Tết, nhiều tuyến đường của Hà Nội ùn tắc. Ảnh chụp tại khu vực Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chiều 25/1.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 117/KH-BATGT triển khai đợt cao điểm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết và mùa Lễ hội Xuân năm 2019 với nhiều giải pháp để chống ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông ngày Tết trên địa bàn.
Nhiều tuyến đường ùn tắc
Những ngày này, nhu cầu đi lại giao dịch, kinh doanh của người dân tăng cao khiến giao thông trên nhiều tuyến đường nội đô và những đường vành đai ra vào thành phố Hà Nội càng thêm đông đúc. Cảnh ô tô, xe máy nối đuôi nhau nhích từng mét là cảnh tượng xảy ra thường xuyên trên tuyến đường Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, La Thành, Nguyễn Xiển... Nếu như trước đây, giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ mới xảy ra ở các tuyến phố địa bàn trung tâm Hà Nội thì nay có thể xảy ra ở mọi thời điểm.
Tình trạng xe cộ, người tham gia giao thông gia tăng đột biến nên những nút giao thông ở cửa ngõ ra vào Hà Nội cũng như nhiều tuyến đường trung tâm đã tắc thường xuyên, người đi đường cũng như người dân trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Dù lực lượng Cảnh sát giao thông, dân phòng đã được tung ra các nút giao thông được cho là có nguy cơ ùn tắc, nhưng nhiều tuyến phố trên địa bàn vẫn không thoát khỏi ùn ứ.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn Hà Nội vẫn còn 37 điểm thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm như La Thành - Giảng Võ, Điện Biên Phủ - Trần Phú, Nghi Tàm - Yên Phụ, Minh Khai - Time City… Tình trạng ùn tắc lại càng trở nên nghiêm trọng, với nhiều điểm phát sinh trong những ngày cận Tết khi lưu lượng người và phương tiện gia tăng đột biến.
Phân luồng từ xa
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo việc đi lại cho người dân, Phòng CSGT Hà Nội đã huy động 100% quân số thường xuyên túc trực tại các điểm xảy ra ùn tắc cũng như các điểm có nguy cơ. Công an các phường, quận tại Hà Nội cũng huy động thêm các lực lượng khác như dân phòng, đội tự quản, đoàn thành niên tham gia điều tiết giao thông.
Đại tá Nguyễn Văn Viện- Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, CATP Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã huy động các lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm góp phần duy trì, bảo đảm ổn định tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô, hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà lãnh đạo TP đã đặt ra. CATP Hà Nội sẽ phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an và Công an các địa phương tổ chức phân luồng giao thông từ xa, nhất là trên các tuyến ra, vào thành phố dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội Xuân để chủ động phòng ngừa ùn tắc.
Cùng đó, CATP sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình các Tổ công tác 141, bố trí lực lượng khép kín thời gian, địa bàn, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đua xe trái phép, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ và các loại pháo nổ, hàng giả, hàng cấm, thực phẩm bẩn vào thành phố trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Đồng thời, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh tư thế tác phong, điều lệnh CAND; văn hóa ứng xử, giao tiếp của cán bộ, chiến sỹ khi tiếp xúc với nhân dân nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của Công an Thủ đô trong mắt nhân dân và bạn bè quốc tế.
TP giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu trên địa bàn quản lý có tình hình tai nạn giao thông gia tăng, tai nạn giao thông đường sắt; địa bàn để xảy ra các vi phạm lấn chiếm trái phép lòng đường, lề đường, hè phố; tình trạng bến, bãi hoạt động vận tải trái phép; tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động.
Thời điểm này, nhiều tuyến đường nội thành Hà Nội chật cứng. Ảnh: Quang Vinh.
Trở lại với Kế hoạch 117 của UBND thành phố Hà Nội, để đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết, sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường công tác chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn giao thông, phòng tránh ùn tắc giao thông, đặc biệt trong thời điểm người dân về quê đón Tết và trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết. Tập trung phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong kỳ nghỉ Tết và mùa Lễ hội Xuân năm 2019. Phối hợp với lực lượng Công an TP, Công an các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; thường xuyên duy trì không để vi phạm tái lấn chiếm, vi phạm phát sinh mới trên địa bàn TP. Phối hợp với CATP và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tập trung vào các hành vi xe dừng, đỗ đón trả khách sai quy định; xe chạy không đúng luồng tuyến; chở quá số người quy định; xe không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn; xử lý nghiêm các hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia. Tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các điểm trông giữ xe thu phí quá giá quy định, sai phép, không phép.
Các nhà xe đã sẵn sàng
Theo ông Nguyễn Anh Toàn- Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, Tết Nguyên Đán năm nay nghỉ kéo dài 9 ngày, từ ngày 2/2/2019 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết ngày 10/2/2019 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), nhu cầu đi lại của hành khách được dự báo sẽ tăng đột biến. Cao điểm sẽ diễn ra trong khoảng ngày 26/1 cho đến hết ngày 4/2, vì đây là thời điểm người lao động tự do và sinh viên bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, về quê chuẩn bị lễ ông Công ông Táo cổ truyền. Còn từ ngày 2/2 cán bộ công nhân viên lao động hưởng lương bắt đầu kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày. Dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 30-50% so với ngày thường.
Cũng theo ông Toàn, dịp trước Tết một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình, Vinh, Sơn La, Lào Cai… có thể xảy ra tình trạng đông và ùn cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.
Còn Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, để phục vụ người dân đi lại tốt nhất trong dịp Tết bến đã có dự kiến sẽ tăng 130-180% lượt xe trong các ngày cao điểm so với ngày thường. Hiện bến đã có kế hoạch tăng cường thêm 945 lượt xe chạy các tuyến và dự kiến sẽ chạy 1.120 lượt xe/ngày (tăng 115% so với ngày thường).
TP Hồ Chí Minh: Người dân rục rịch về quê ăn Tết Tới thời điểm này, các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất như Hồng Hà, Trường Sơn, Cộng Hòa… luôn ở trong tình trạng quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe. Khu vực cửa ra quốc tế của sân bay luôn trong tình trạng quá tải vì nhiều Việt kiều về nước và cả người thân đến sân bay đón. Trong khi đó, tại khu vực ga Sài Gòn (quận 3) hay Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe Miền Tây (quận 8), số lượng người chưa tăng đột biến. Sở GTVT TP HCM đã có kế hoạch phân luồng, cấm phương tiện để ô tô trong thời gian này trên tuyến đường Trần Văn Đang, Trần Quang Diệu quanh ga Sài Gòn để đảm bảo lưu thông được thông suốt. Ngoài ra, tại các khu vực bến xe, các tuyến xe buýt kết nối, xe đi các tuyến cố định cũng được tăng cường nhằm đảm bảo nhu cầu của hành khách. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện tình trạng “cò” vé tại ga Sài Gòn. Đoàn Xá |