Ngân hàng trước kế hoạch tăng vốn
Theo kế hoạch đến năm 2020 các ngân hàng phải đáp ứng được chuẩn Basel II, điều này đồng nghĩa là ngân hàng phải tăng vốn.
Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến từng bước áp dụng, nhằm tăng cường an toàn và hiệu quả hoạt động. Và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, yêu cầu các ngân hàng tuân thủ, áp dụng các chuẩn mực trước ngày 1/1/2020.
Tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 3 ngân hàng là Vietcombank và VIB, OCB hoàn thành theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước đạt chuẩn Basel II. Trong khi đó toàn hệ thống có khoảng 30 ngân hàng thương mại. Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, áp lực lớn nhất đối với ngành ngân hàng trong năm 2019 chính là tăng vốn theo kịp thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong báo cáo mới đây Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, để tăng tín dụng 14-15% theo chuẩn Basel II, các ngân hàng niêm yết phải tăng vốn 237.000 tỷ đồng trong năm 2018-2019, tương đương 10 tỷ USD. Tuy nhiên, trong báo cáo tóm tắt tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2018, một chuyên gia tài chính cho hay, 2 năm gần đây các ngân hàng loay hoay mãi cũng chỉ tăng được hơn 2 tỷ USD.
Ước tính trong năm 2018 có khoảng 10 ngân hàng tăng được vốn điều lệ như: VPBank, Techcombank, MB... Khoảng 15 ngân hàng khác chưa hoàn thành kế hoạch vốn trong năm, hoặc chỉ mới hoàn thành được một phần kế hoạch.Có thể nói, năm 2019 là thời điểm cuối cùng để các ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: “Vấn đề tăng vốn sẽ là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong năm 2019 khi mà Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020”.
Theo phân tích của ông Hiếu, năm nay NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, chỉ những ngân hàng nào có đủ “sức khoẻ” có khả năng tăng vốn mới được nới rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, mới có lợi nhuận.
Thực tế, trong năm 2018 một số ngân hàng đã phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận vào phút chót như: LienVietPostBank phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng. VietinBank cũng phải giảm lợi nhuận từ 10.800 tỷ đồng xuống chỉ còn 6.700 tỷ đồng ngay trong những tuần cuối cùng của năm 2018.