VOV ra mắt phim Tết do VFS thực hiện
Ngày 25/1, kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV) tổ chức họp báo ra mắt 2 phim truyền hình Tết “Vương tơ” và “Bến bờ yêu thương”.
Cảnh trong phim “Vương tơ”.
Ông Nguyễn Thế Kỷ- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV cho biết: Mỗi phim dài 5 tập có kinh phí từ nguồn xã hội hóa được đặt hàng nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) sản xuất. Có thể coi đây là những viên gạch nhỏ nhoi bước đầu cho quy trình đưa VFS về với VOV.
2 bộ phim truyền hình mang tên “Vương tơ” và “Bến bờ yêu thương” có nội dung sâu lắng, nhắc nhở mọi người hãy biết gìn giữ nét văn hóa cổ truyền, trân quý cái Tết sum vầy bên người thân, luôn quan tâm và săn sóc lẫn nhau… Theo lịch, 2 bộ phim đều được phát sóng từ ngày 1 Tết đến 5 Tết âm lịch nhưng vào các khung giờ 12h và 19h (chưa kể phát lại).
NSƯT Nguyễn Đức Việt - đạo diễn phim ”Vương tơ” cho biết: Khi tiếp xúc với kịch bản của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tôi rất vui mừng vì bối cảnh làm phim quá thân thuộc - làng lụa Vạn Phúc. Đó cũng là địa điểm mà tôi và quay phim NSƯT Vũ Quốc Tuấn vừa đi thực hiện một bộ phim khác về. Bộ phim tôn vinh giá trị truyền thống. Câu chuyện “Vương tơ” bắt đầu bằng khung cảnh èo uột của một làng nghề đang “sống dở chết dở” với nghề truyền thống - làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Làng nghề bỗng xôn xao bởi sự xuất hiện của Minh Phương - nhà thiết kế từ Sài Gòn ra, và Dụng - một nghệ nhân trung niên của làng - đã được mời cung ứng sản phẩm cho một dự án thời trang lớn của một công ty thiết kế thời trang tấm cỡ quốc tế và lụa của anh đã được chọn cho bộ sưu tập thời trang của Minh Phương.
Thành công của bộ sưu tập đã đưa Minh Phương đến vị trí cao nhất tại một hội chợ thời trang quốc tế tại Pháp. Cũng từ đây, những mối bất đồng trong quan hệ của những người làng xóm, những người bạn nghề; và những hiểu lầm trong chuyện tình yêu nam nữ bắt đầu nảy sinh. Rồi sự vào cuộc của Kim Hiền - một nữ nhà báo - trong việc đồng hành quảng bá sản phẩm cho làng nghề; sự xuất hiện của những nhà buôn với mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận mà xem nhẹ chất lượng hàng hóa, gian lận bằng cách đưa những sản phẩm kém chất lượng từ nơi khác vào bán lẫn với sản phẩm làng nghề... tưởng chừng không thể giải quyết.
Trong khi đó, bộ phim “Bến bờ yêu thương” lại đau đáu một suy tư về những thông điệp cuộc sống hiện đại với những lo toan đeo đuổi. Khi Tết đến, những lo toan và mục đích của mỗi người bộc lộ tạo nên những nét bi hài. “Bến bờ yêu thương” xoay quanh chủ đề đời sống trong bối cảnh hiện đại tại gia đình ông bà Cẩn. Ông Cẩn (do NSND Bùi Bài Bình thủ vai) đi bộ đội, sau giải phóng ông ở lại Sài Gòn rồi cưới một cô gái Sài thành chính gốc. Ông bà Cẩn có 2 cô con gái đều đã lập gia đình, có cuộc sống riêng. Mỗi người con lại lấy chồng khác quê, người thì miền Bắc, người thì miền Trung. Đạo diễn Trần Chí Thành chia sẻ: Tết đến, cũng như nhiều người trẻ trong cuộc sống hiện đại, tết không còn là niềm vui mà trở nên nặng nề bởi những xáo trộn như: con trẻ nghỉ học, giúp việc về quê, những mối quan hệ với họ hàng phải chăm sóc trong khi họ lại muốn được đi du lịch nước ngoài, tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, bàn chuyện làm ăn; một số thì đi cúng lễ cầu tài, cầu may cho năm mới... Chính từ những quan niệm có phần ích kỷ đấy đã khiến cho cái Tết mất đi ý nghĩa thiêng liêng từ bao đời của người Việt. Gia đình ông bà Cẩn cùng 2 người con cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã là người biên tập cho cả 2 bộ phim cho biết: Dù bộ phim không được gắn thêm mác VFS nhưng những nghệ sĩ thực hiện đều muốn nhắn gửi tới khán giả rằng họ vẫn đang làm việc. Thực tế là trong thời gian qua dù trong VFS có vẻ rập xệ, đình trệ, nhưng các nghệ sĩ vẫn từng nhóm nhỏ lẻ tự thân vận động và tham gia sản xuất nhiều bộ phim cho các đài truyền hình, các hãng phim tư nhân. Hy vọng 2 bộ phim truyền hình nhẹ nhàng đúng là hai viên gạch đầu tiên xây nên những công trình to lớn.