Liên hợp quốc thông qua Báo cáo sơ bộ về kết quả rà soát UPR Chu kỳ III của Việt Nam
Chiều ngày 25/1 (giờ địa phương) tại Trụ sở của Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, Nhóm làm việc về Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam.
Họp phiên thảo luận tại Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ).
Báo cáo của Nhóm làm việc ghi nhận 291 khuyến nghị do 122 nước đưa ra, đề cập đến nhiều lĩnh vực như xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản, tăng cường hợp tác với các cơ chế về quyền con người của Liên hợp quốc, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm. Phần lớn các khuyến nghị phù hợp với ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao tinh thần hợp tác, xây dựng, hiểu biết của các nước khi đã nêu nhiều đánh giá tích cực đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam; đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng các khuyến nghị để quyết định việc chấp thuận hoặc ghi nhận đối với các khuyến nghị nhận được, phù hợp với quy định, thủ tục và thực tiễn của Hội đồng Nhân quyền, để bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các khuyến nghị này trong tương lai.
Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam sẽ được xem xét chính thức thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc dự kiến vào tháng 6/2019.
Phiên họp thứ 32 của Nhóm làm việc về UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra từ 21/01 đến 01/02/2019 đã rà soát tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại 14 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu và đại diện của 11 Bộ, ngành liên quan.
Cùng ngày 25/1 (giờ địa phương), tại New York (Mỹ) Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề “Tác động của các thảm họa thiên nhiên liên quan tới biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Tham gia thảo luận có 18 Bộ trưởng, Thứ trưởng và Đại sứ của 76 nước thành viên LHQ, lãnh đạo các tổ chức thuộc LHQ.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ cho rằng thế giới đang phải hứng chịu tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu và các hình thái thời tiết cực đoan. Đại sứ chia sẻ lo ngại về những hậu quả như việc người dân bị mất nơi cư trú, an ninh lương thực và nguồn nước, thậm chí sự tồn vong của các nước đảo nhỏ trong kịch bản nước biển dâng. Đây là mầm mống cho những bất ổn và thậm chí xung đột ở một số nơi trên thế giới.
Đại sứ chia sẻ những thách thức mà Việt Nam gặp phải khi là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Việt Nam là một trong 10 nước bị tác động nặng về nhất trong vòng 20 năm qua và là một trong 6 nước chịu tác động lớn nhất trong 4 năm gần đây. Đại sứ nêu đậm tác động tiêu cực của nước biển dâng đối với Việt Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng sinh kế của hàng chục triệu người dân, đe doạ an ninh lương thực của không chỉ Việt Nam, mà cả của nhiều nước khác, do đây là nơi cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Đại sứ đề nghị các cơ quan thuộc hệ thống LHQ, trong đó có HĐBA, và các tổ chức quốc tế cùng phối hợp, hỗ trợ các nước, các tổ chức khu vực trong ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có ASEAN; cần xây dựng các cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tăng cường trao đổi về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh.