Lãnh đạo Đài Loan lệnh chế tạo hàng loạt tên lửa giữa lúc căng thẳng
Truyền thông Đài Loan đưa tin nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã chỉ đạo cơ quan phòng vệ đẩy nhanh kế hoạch chế tạo hàng loạt tên lửa trong bối cảnh căng thẳng giữa hòn đảo này và Trung Quốc đại lục có xu hướng tăng nhiệt.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thị sát một tên lửa tại căn cứ hải quân hồi tháng 4/2018. (Ảnh: AP).
Liberty Times dẫn một nguồn tin giấu tên tại cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 25/1 cho biết nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tin tưởng ra lệnh sản xuất ít nhất 60 tên lửa siêu thanh Hsiung Feng III cùng một số lượng nhất định tên lửa Tiangong III. Chương trình này sử dụng nguồn tiền được phân bổ cho các dự án đặc biệt của cơ quan phòng vệ Đài Loan.
Theo CNA, sau cuộc họp kín với Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan, bà Thái Anh Văn cho biết Đài Loan cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất các vũ khí phòng vệ phức tạp, đồng thời nhấn mạnh các tên lửa Hsiung Feng III và Tiangong III là “niềm tự hào của Đài Loan”.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan được cho là đã soạn thảo các kế hoạch ban đầu về việc sản xuất hàng loạt tên lửa từ năm 2013. Trong các năm kế tiếp, nhiều dự án nghiên cứu cũng như kỹ thuật đã được tiến hành để tối đa hóa tầm bắn và hiệu quả của các mẫu tên lửa nội bộ do Đài Loan thiết kế và chế tạo.
Từ tháng 9/2018 đã xuất hiện các thông tin nói rằng tên lửa Tiangong III cải tiến đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt ngay sau khi có lệnh của chính quyền Đài Loan. Thế hệ cải tiến thứ 3 của tên lửa đạn đạo Tiangong có tầm bắn tăng lên từ 45-70km.
Trong khi đó, tên lửa Hsiung Feng III được cho là có khả năng hoạt động hiệu quả cao với tầm bắn khoảng 150km và có thể tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao ở khoảng cách 200km. Thậm chí, tầm bắn của tên lửa này có thể được điều chỉnh lên tới 400km.
Một nguồn tin tiết lộ với Liberty Times rằng tên lửa Hsiung Feng III được xem là công nghệ phòng vệ trọng yếu của lực lượng phòng vệ Đài Loan. Mọi thông tin về quy trình sản xuất cũng như tính năng đầy đủ của tên lửa này cho đến nay vẫn được Đài Loan giữ bí mật.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan gần đây đã công bố đoạn video phóng tên lửa Hsiung Feng III từ tàu hộ vệ. Vũ khí này là biến thể mới nhất của dòng tên lửa được Đài Loan phát triển từ những năm 1970.
Tên lửa Hsiung Feng IIE (Ảnh: Taiwan News).
Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo
Theo Defence Blog, truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã công bố đoạn video phóng tên lửa DF-26. Đây là một trong những tên lửa đạn đạo tầm trung hiện đại và phức tạp nhất do Lực lượng tên lửa quân sự Trung Quốc phát triển.
Tên lửa DF-26 của Trung Quốc có tầm bắn tối đa khoảng 4.000km, đủ khả năng đe dọa các lực lượng trên biển và trên đất liền của Mỹ, thậm chí cả đảo Guam. Truyền thông Trung Quốc gọi DF-26 là “sát thủ Guam” vì khả năng tấn công căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng cả đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Vụ phóng tên lửa của Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm Mỹ đưa hai tàu chiến gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell và tàu tiếp liệu USNS Walter S Diehl đi qua eo biển Đài Loan. Ngoài ra, Không quân Trung Quốc cũng đưa máy bay quân sự qua eo biển Bashi, nơi chia tách rìa phía nam của Đài Loan với Philippines, để tiến về phía tây Thái Bình Dương.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan ngày 17/1 đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật mang tên “Chiến dịch chống đổ bộ” nhằm mô phỏng hoạt động đẩy lùi cuộc tấn công đổ bộ của quân đội Trung Quốc nhằm vào bãi biển phía tây Đài Loan. Khoảng 1.000 binh sĩ và hàng loạt vũ khí tối tân đã được Đài Loan triển khai trong cuộc tập trận.
Các động thái của lực lượng quân sự Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan có xu hướng leo thang trong thời gian gần đây. Hồi đầu tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây chú ý khi phát biểu rằng Bắc Kinh không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Đáp lại, chính quyền Đài Loan tuyên bố sẽ không khuất phục trước sức ép từ Bắc Kinh.